18/11/2020 - 08:07

Dịch vụ trị liệu tâm lý ngoài trời nở rộ vì COVID-19 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không gian ngoài trời có thể trở thành nơi trị liệu an toàn cho những bệnh nhân có vấn đề về tâm lý hay không? Nhiều chuyên gia ở Mỹ khẳng định đó là điều khả thi.

Ảnh: Rachel Rainor

Do lo ngại sự lây lan của virus Corona chủng mới SARS-CoV-2, nhiều nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyển sang áp dụng phương pháp trị liệu từ xa. Và mặc dù nghiên cứu cho thấy chữa bệnh qua điện thoại hay cuộc gọi video có thể giúp điều trị chứng lo âu và trầm cảm, song với một số đối tượng, cách này không đạt hiệu quả cao. 

Jami Grich, một chuyên gia tâm lý ở San Francisco, cho biết thách thức lớn nhất chính là khó quan sát các hành vi phi ngôn ngữ của bệnh nhân hoặc biểu lộ sự đồng cảm với họ qua màn hình thiết bị. Ví dụ, khi ai đó khóc, việc đưa cho họ khăn giấy sẽ hữu ích, nhưng trị liệu từ xa sẽ cản trở cách xoa dịu tâm trạng đơn giản này. Vì vậy, Grich đã thiết lập sân sau nhà mình thành không gian trị liệu mới để gặp gỡ trực tiếp bệnh nhân. “Sân sau là giải pháp hoàn hảo vì nó rộng rãi và bảo đảm duy trì giãn cách xã hội” - cô Grich cho biết. Tania Paredes, một nhà trị liệu ở Miami, thì cung cấp liệu pháp “vừa đi bộ vừa nói chuyện” để an ủi những người đang buồn vì mất người thân trong dịch bệnh. Theo bà, “chuyển động cơ thể có thể giúp người ta giãy bày nỗi đau của họ”. Một bệnh nhân của Paredes cho biết việc tản bộ và trò chuyện đã giúp cô ấy vượt qua nỗi buồn mất mát.

Trên thực tế, liệu pháp ngoài trời từng được áp dụng ở một vài nơi trên thế giới và được chứng minh là hữu ích. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy “tư vấn trên băng ghế tình bạn” – phương pháp mà ở đó, nhà trị liệu trò chuyện với bệnh nhân trên ghế đá công viên - đã giúp nhiều phụ nữ thoát khỏi trầm cảm, lo lắng và chấn thương tâm lý. Stephanie Korpal, một nhà trị liệu tâm lý ở St. Louis hay làm việc với các bà mẹ mới sinh, cho biết việc gặp gỡ và đi dạo cùng bệnh nhân đã giúp họ lấy lại cảm giác cân bằng trong cuộc sống, từ đó giảm thiểu hoặc ngăn ngừa  trầm cảm sau sinh. “Nhiều bà mẹ sau sinh nói rằng việc gặp gỡ một người khác và dành thời gian ở ngoài trời giúp họ cải thiện sức khỏe tinh thần” - bà Korpal nói thêm. Ngoài ra, một liệu pháp dựa trên hoàn cảnh tự nhiên khác gọi là “đắm mình trong rừng” cũng được phát hiện giúp giảm lo âu, căng thẳng và tăng cường hệ miễn dịch.

Nhà tâm lý học lâm sàng C. Vaile Wright, Giám đốc cấp cao của bộ phận Ðổi mới Chăm sóc Sức khỏe thuộc Hiệp hội Tâm lý Mỹ, nói rằng nghiên cứu ban đầu cho thấy liệu pháp ngoài trời khá hiệu quả và nó cũng có thể hữu ích cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Stefanie Haug, một nhà trị liệu gia đình ở Cambridge, bang Massachussets, cho rằng liệu pháp điều trị từ xa qua điện thoại hoặc video không phải lúc nào cũng có lợi cho sức khỏe của đứa trẻ hoặc gia đình. Lý do là trẻ thường cảm thấy khó có thể duy trì sự hiện diện, tập trung và kết nối trong các buổi trị liệu từ xa. Trong khi đó, việc gặp bệnh nhi và cha mẹ của các bé ở sân vườn hoặc trong công viên cây xanh có thể khơi dậy cảm giác tươi mới và thoải mái, giúp trẻ dễ kết nối với phiên điều trị hơn.

Tất nhiên, tổ chức gặp gỡ ngoài trời cũng có những hạn chế mà bệnh nhân cần biết, chẳng hạn như tính bảo mật có thể bị xâm phạm vì cuộc trò chuyện nơi công cộng có thể bị nghe lén và bệnh nhân phải được cảnh báo rằng bệnh COVID-19 có thể lây truyền ngay cả ở ngoài trời, do đó cần thực hiện các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang và giữ đúng khoảng cách.   

Tỷ lệ người có vấn đề sức khỏe tâm thần ở Mỹ ngày một gia tăng

Một cuộc khảo sát do các chuyên gia tại Bệnh viện Ða khoa Massachusetts, Trường Y Harvard, Ðại học Harvard và Ðại học Northeastern phối hợp thực hiện cho thấy, ngày càng có nhiều người đang phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần vì những lo lắng và căng thẳng liên quan đến COVID-19.

Khảo sát tiến hành trên 8.000 người cho thấy trong tháng 10, có 47,3% người trẻ, độ tuổi từ 18 đến 24, trên khắp nước Mỹ trải qua “các triệu chứng trầm cảm từ mức trung bình trở lên” - tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5-2020. Theo đó, những thay đổi lớn trong cuộc sống mà đại dịch gây ra cho mọi người được cho là nguồn cơn dẫn đến các dấu hiệu sa sút sức khỏe tâm thần bao gồm lo lắng, căng thẳng, trầm cảm từ nhẹ tới trung bình và rối loạn giấc ngủ. Xét về giới tính, nữ giới dễ gặp các triệu chứng nói trên hơn nam giới.

Kết quả cuộc khảo sát mới nhất cũng cảnh báo ngày càng có nhiều người trẻ có ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc tự tử. Nhìn chung, tỷ lệ người nghĩ quẩn trong giai đoạn 2013-2014 chỉ 3,4%, nhưng đến tháng 5-2020 đã tăng lên 32,2%. Trong tháng 10, con số này tăng đến 36,9%.

HOÀNG ĐIỂU  (Theo Washington Post, Boston.com)

Chia sẻ bài viết