20/02/2018 - 14:49

Di sản, di tích và giới trẻ 

LỆ THU

Di sản văn hóa, di tích lịch sử thường làm người ta nghĩ đến những sự kiện rất xa về cả không gian lẫn thời gian. Thế nhưng với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở Cần Thơ, di sản và di tích lại rất gần gũi…

Một ngày cuối năm, tiếng nói cười rộn rã cùng những tràng vỗ tay từ chương trình “Khám phá di sản” (do Ban Quản lý Di tích TP Cần Thơ tổ chức) khuấy động không gian yên tĩnh của Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Lúc này, 2 nghệ nhân chằm nón lá đến từ huyện Thới Lai đang giao lưu và hướng dẫn các bạn sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ và Cao đẳng Cần Thơ các công đoạn làm nên chiếc nón lá truyền thống. Đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thoăn thoắt trên các vành nan, khâu lá nón trên khung chằm. Chuyện nghề chằm nón cũng dần tròn trịa.

Nghệ nhân chằm nón lá hướng dẫn các sinh viên các công đoạn chằm nón trong chương trình “Khám phá di sản” tại Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. 

Nón lá gắn liền với phụ nữ Việt Nam trong lao động sản xuất và những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng trong đời sống hiện đại, nón lá dần bị lãng quên và hầu hết học sinh, sinh viên không còn sử dụng. Vậy mà giờ đây, nón lá lại trở nên gần gũi, thu hút các sinh viên học chằm và thi tài với nhau. Tuy đường kim mũi chỉ còn vụng về, xiên xẹo, các vành nan cái chặt, cái không; nhưng không ngăn được sự háo hức và cả xúc động của các sinh viên. Nguyễn Hoài Vinh, sinh viên ngành Việt Nam học, Trường Cao đẳng Cần Thơ, chia sẻ: “Lần đầu trải nghiệm chằm nón, em quý trọng người nghệ nhân đã giữ nghề trong lúc khó khăn và thêm thương chiếc nón lá quê mình”.

Các bạn sinh viên còn được những nghệ sĩ cải lương hướng dẫn học một bài lý trong nghệ thuật đờn ca tài tử; tham gia trò chơi vận động mô phỏng thương hồ trên chợ nổi Cái Răng… Khi chương trình kết thúc, gương mặt của các bạn trẻ rạng rỡ niềm vui. Quách Kim Ngân, sinh viên ngành Chăn nuôi Thú y khóa 42, Trường Đại học Cần Thơ, bộc bạch: “Những buổi tham quan, học tập như thế này giúp chúng em thấy hiểu sâu và thêm thương quý văn hóa của quê hương”. Lời bộc bạch của em Kim Ngân khiến chị Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban quản lý Di tích TP Cần Thơ, xúc động: “Nội dung chương trình hôm nay lần đầu được thử nghiệm, nhằm làm mới chương trình khám phá di sản đã được ngành văn hóa và ngành giáo dục phối hợp thực hiện nhiều năm, với nhiều hình thức ở hầu khắp các trường học, quận huyện của Cần Thơ. Mỗi lần có một hình thức, nội dung mới được bổ sung thành công, chúng tôi đều bồi hồi như thuở mới bắt đầu khai sinh chương trình này”.

*   *   *

2018 là năm thứ 11 của sáng tạo đưa di sản, di tích đến với giới trẻ do những người làm công tác văn hóa của thành phố thực hiện. Khởi nguồn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ ký kết kế hoạch phối hợp giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường. Từ đó Bảo tàng và Ban Quản lý Di tích thành phố phối hợp với các Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa- Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên các quận huyện… tổ chức tuyên truyền về di sản, di tích tại các trường học. Sau đó, hình thức sinh hoạt mở rộng theo hướng đưa học sinh trực tiếp đến với di tích, di sản. Các chương trình: “Kết nối di sản”, “Tìm về di sản”, “Hành trình sinh viên đến các di tích”, “Học sinh tham quan, học tập và chăm sóc di tích”… giúp giới trẻ tiếp cận văn hóa, lịch sử ở một góc độ mới lạ và đầy cuốn hút.

Chị Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ phụ trách Phòng truyền thống, Trung tâm Văn hóa và Thể thao quận Thốt Nốt, nhớ lại: “Những ngày đầu chúng tôi chưa có kinh nghiệm, thiếu nhân sự và lúng túng về nội dung chương trình. Những khó khăn đó nhanh chóng được giải quyết nhờ hỗ trợ về chuyên môn trong công tác bảo tàng, di tích; bổ sung lực lượng của Đoàn thanh niên; hợp tác của các trường học”. Đến nay, Phòng truyền thống quận đã gầy dựng được 4 đội tuyên truyền văn hóa di sản trong học đường ở 4 trường THCS và THPT. Mỗi đội gồm 1 giáo viên, 1 tổng phụ trách (hoặc Bí thư Đoàn trường) và 2 học sinh. Gần đây nhất, quận Thốt Nốt đã thực hiện chương trình “Tự hào Cần Thơ- Thốt Nốt” giúp học sinh tìm hiểu về địa giới Cần Thơ, quận Thốt Nốt và những danh nhân văn hóa tiêu biểu. 

Ở quận trung tâm Ninh Kiều, Nhà văn hóa Thiếu nhi quận tổ chức chương trình “Đi để biết- Học để sống” vào dịp hè hằng năm. Từ Nhà văn hóa, hành trình về nguồn của học sinh gồm các điểm đến: Bảo tàng TP Cần Thơ - Khu di tích lịch sử chiến thắng ông Hào - Di tích Lịch sử - Văn hóa Căn cứ Vườn Mận. Trên hành trình đó, học sinh được tìm hiều về lịch sử, được rèn tính tự lập, kỹ năng làm việc nhóm… Ghé tham quan và ăn trưa tại Hủ tiếu Sáu Hoài (phường An Bình, quận Ninh Kiều), các em có dịp tìm hiểu các công đoạn làm ra sợi hủ tiếu, khám phá những nét đẹp của ẩm thực truyền thống bắt nguồn từ nông nghiệp. Và qua đó, quí trọng hơn công sức của người lao động. Lê Hiếu Lộc, 11 tuổi, chia sẻ: “ Con rất thích chuyến đi này vì giúp con học hỏi nhiều điều, biết thêm nhiều di tích lịch sử của quê hương con và có thêm nhiều bạn mới”.

Một chương trình khác không kém phần thú vị là “Học sinh Ninh Kiều tìm về di sản”, do Ban Quản lý Di tích thành phố phối hợp với Quận đoàn Ninh Kiều tổ chức như một hình thức sinh hoạt hè, đang thu hút đông đảo học sinh. Các em tham quan di tích, chơi các trò chơi vận động và sau đó tham gia bảo vệ môi trường ở các di tích. Sau thành công của chương trình năm 2016 tại Di tích Lịch sử Khám lớn Cần Thơ, chương trình mở rộng thêm 2 điểm đến vào hè năm 2017 là Căn cứ Vườn Mận và Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Còn rất nhiều những hoạt động bổ ích, cách làm hay như: “Em tập làm thuyết minh Bảo tàng”, “Một ngày làm nông dân” (của Bảo tàng thành phố Cần Thơ); Lễ phát động thi đua Tháng Thanh niên 2017 và Lớp cảm tình Đoàn tại Căn cứ Vườn Mận của Đoàn Khối cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ... Song song đó, công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ văn hóa, thuyết minh viên cũng được Ban quản lý Di tích thành phố chú trọng. Đó là những người kết nối học sinh đến với các di sản, di tích, truyền tình yêu lịch sử và văn hóa dân tộc đến giới trẻ  

*  *  *

Dòng chảy văn hóa truyền thống, lịch sử đã nhẹ nhàng thấm vào tâm hồn của giới trẻ từ những hoạt động vừa vui tươi rộn ràng, vừa thiêng liêng và nhiều tâm huyết như thế.

Chia sẻ bài viết