Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng đầu năm đạt 7,6 tỉ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục giữ vị trí số 1 trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dự báo xuất khẩu dệt may trong năm 2011 có thể đạt 13,5 tỉ USD, vượt chỉ tiêu đề ra 500 triệu USD. Hiện nay, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 7 thế giới sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hồng Công, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Ấn Độ và đang chiếm 2,7% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Nga là những thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất, chiếm tới 86,4% thị phần nhập khẩu thế giới và đều là những bạn hàng lớn của Việt Nam. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm 7,28% thị phần của dệt may Việt Nam.
 |
Dệt may có thể vượt chỉ tiêu xuất khẩu .
Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, xuất khẩu dệt may vào Mỹ sẽ nhiều thuận lợi trong thời gian tới. Mỹ đang xem xét thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do mới, được gọi là Đối tác xuyên Thái Bình Dương, có thể tạo điều kiện giúp Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường này. Vòng đàm phán thứ 7 thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã diễn ra tại Việt Nam ngày 24-6 và hai vòng đàm phán còn lại dự kiến diễn ra ở Mỹ vào tháng 9 và Peru vào tháng 10 tới, trước khi các bên hy vọng đạt được thỏa thuận khung tại Honolulu vào tháng 11. Hiệp định bao gồm Mỹ và 8 nước khác xung quanh khu vực châu Á Thái Bình Dương (Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam), sẽ mở cửa thương mại thông thoáng hơn, thuế được giảm cho hầu hết các sản phẩm thương mại hai chiều giữa các nước thành viên. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy ngành công nghiệp may mặc phát triển.
Hiện nay, doanh nghiệp của Việt Nam được nhiều đối tác lựa chọn thay thế doanh nghiệp Trung Quốc, do giá nhân công lao động thấp hơn, trong khi ở Trung Quốc, hiện lương công nhân đã tăng bình quân 20-25% so năm ngoái. Năm 2010, Levis đã đầu tư 8 triệu USD mở rộng cơ sở hoàn chỉnh sản phẩm ở Hà Nội, với 700 lao động sản xuất quần Jean cho thị trường châu Á. Levis chỉ là một trong số nhiều công ty may mặc hàng đầu của Mỹ xem Việt Nam là sự lựa chọn thay thế sản xuất ở Trung Quốc, trong đó có Target Inc, Hanesbrands và American Eagle Outfitters. Một thuận lợi khác là, Việt Nam đang có sự hợp tác tốt với Ý, một trong những trung tâm thời trang hàng đầu châu Âu. Chính phủ Ý đang tài trợ một dự án trị giá 4,3 triệu USD, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may và may mặc Việt Nam ở Hà Nội, Hưng Yên và thành phố Hồ Chí Minh. Kế hoạch này được thực hiện với sự phối hợp giữa Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) và Liên đoàn Công nghiệp Ý (Confindustria) với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Tổng cộng 34 công ty dệt may sẽ được trợ giúp từ dự án cho tới sang năm, với các khóa huấn luyện thiết kế, marketing, tạo mẫu và phát triển sản phẩm. Theo UNIDO, sáng kiến này tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi vì họ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
THIÊN QUỐC