Qua hơn 350 trang sách, tác giả Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng đã khắc họa những bức chân dung thật đẹp về người lính thời bình.
“Chân dung lính thời bình” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật vừa ấn hành, chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Bức chân dung mở đầu quyển sách là “Chất lính thợ Bãi Bông”. Mở đầu bài viết là lời chia sẻ của Đại tá Hoàng Hữu Mùi, Giám đốc Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) - đơn vị sản xuất vũ khí đạn, vật liệu nổ, đồ dùng huấn luyện quân sự...: “Dù trong thời bình, nhưng máu của người lính thợ Nhà máy Z131 vẫn đổ...”. Tác giả Nguyễn Mạnh Thắng đã tìm gặp nhân viên Thư viện Nhà máy Z131 Nguyễn Thị Hòa, vợ của liệt sĩ Phạm Ngọc Chương, thợ vận hành và sửa chữa điện thuộc Xí nghiệp vật liệu nổ. Qua hồi ức của người vợ liệt sĩ, tác giả đã phác họa chân dung người lính thợ sáng tạo, tài năng và dũng cảm. Liệt sĩ Phạm Ngọc Chương hy sinh trong một vụ tai nạn sáng 24-3-2006: “Ngày ấy đã cướp đi người thân yêu nhất của tôi và con”, bà Hòa nghẹn ngào.
Một bức chân dung khác được kể trong “Tôi đi đường khác” là về 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh - Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Thuyết, 29 tuổi, Trưởng phòng OCSCloud (Trung tâm Nghiên cứu OCS, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội). Đó là chân dung một người lính trẻ ở lĩnh vực lao động sản xuất, tài năng sáng tạo, đã cống hiến cho Tổ quốc bằng những sáng kiến hiệu quả.
Tác giả Nguyễn Mạnh Thắng còn vẽ nên bức chân dung về những vận động viên mang áo lính trong bài “Chiến thắng của ý chí và nghị lực”. Đó là kỳ tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021, Đội tuyển Bắn tỉa Việt Nam với tên gọi Đội Thăng Long đã xuất sắc giành Huy chương Vàng và cúp vô địch, lật đổ “sự thống trị” của Belarus trong các kỳ Army Games trước đây. Thành tích của những vận động viên áo lính là thành quả từ chuỗi ngày dài miệt mài luyện tập không ngừng nghỉ, bất chấp mưa nắng và cả những khó khăn không tên. Tác giả kỳ công miêu tả những nỗ lực tập luyện, thi đấu của Đội Thăng Long rất sinh động, như là thi đấu bài “Bắn con mồi” trong thời tiết xấu, hạn chế tầm nhìn.
Trong Lời giới thiệu, TS Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản, cho rằng: Suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, người lính nói riêng luôn là đề tài bất tận, mang đậm dấu ấn hào hùng, cao quý mà rất đỗi bình dị của “Bộ đội Cụ Hồ”. Hình ảnh ấy chứa đựng, bao hàm cả sự vinh quang, chói ngời, rạng rỡ, cùng với sự đắp bồi bởi biết bao mồ hôi, nước mắt và máu xương của các chiến sĩ. Thời bình, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn lung linh, tỏa sáng qua nhiều hoạt động khác nhau, trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong hoạt động phong phú của đời sống kinh tế - xã hội, trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, cứu hộ, cứu nạn quốc tế... Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng am hiểu sâu sắc các đơn vị quân đội trong thời kỳ đổi mới, có nhiều năm trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia thiêng liêng trên quần đảo Trường Sa, xây dựng các công trình phòng thủ ở vùng đặc biệt khó khăn. Chính từ trải nghiệm đó đã làm nên những bài viết sinh động trong “Chân dung lính thời bình”. “Mỗi nhân vật trong các tác phẩm của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đều có tính cách, nỗi niềm và cả những khó khăn riêng, nhưng ở họ toát lên đặc điểm chung dễ nhận biết là luôn vượt khó vươn lên làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn lạc quan, yêu đời và phấn đấu hết mình vì nhiệm vụ”, TS Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.
“Chân dung lính thời bình” góp phần khơi dậy tinh thần cống hiến của người lính thời bình, cho thấy sự phát triển và kế thừa xứng đáng tự hào truyền thống và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của thế hệ hôm nay.
DUY KHÔI