11/03/2023 - 16:20

Đề xuất nhiều quy định liên quan bảo hiểm xã hội 1 lần 

Bài, ảnh: C.H

Chưa đủ tuổi nghỉ hưu, chỉ được rút 50% tiền bảo hiểm xã hội 1 lần - đó là đề xuất trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Bên cạnh đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) còn đề xuất nhiều quy định liên quan đến BHXH 1 lần.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất chủ hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc. Trong ảnh: Nhân viên tổ chức dịch vụ thu BHXH, bảo hiểm y tế quận Bình Thủy tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm.

Chưa đủ tuổi nghỉ hưu, chỉ được rút 50% tiền BHXH 1 lần

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề ra 3 trường hợp được hưởng BHXH 1 lần, gồm: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài để định cư; đang mắc 1 trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang AIDS và các bệnh nguy hiểm khác theo Bộ Y tế quy định.

Ðể quy định này chặt chẽ hơn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thêm trường hợp thứ 4 và nêu ra 2 phương án:

Phương án 1: Sau 12 tháng không đóng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không đóng BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được hưởng một phần BHXH nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Số thời gian đóng BHXH còn lại sẽ được bảo lưu cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu thì người lao động sẽ tiếp tục được hưởng các chế độ BHXH.

Các trường hợp Dự thảo đưa ra và đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hạn chế tình trạng người lao động ồ ạt nhận BHXH 1 lần như thời gian vừa qua. Ðồng thời quy định giảm thời gian từ “chưa đủ 20 năm đóng BHXH” xuống còn “chưa đủ 15 năm đóng BHXH” mà đủ tuổi hưởng lương hưu là đã được hưởng BHXH 1 lần, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu. 

Sửa quy định về cách tính mức hưởng BHXH 1 lần

Hiện nay vẫn tính mức hưởng BHXH 1 lần theo số năm đã đóng BHXH quy định tại khoản 2, Ðiều 60, Luật BHXH: cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm cách tính thời gian đóng BHXH trước và sau năm 2014. Cụ thể, điểm a, khoản 2, Ðiều 77 Dự thảo nêu rõ: Trường hợp thời gian đóng BHXH có cả trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi để tính mức hưởng BHXH 1 lần.

Ðề xuất chủ hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm các đối tượng bắt buộc phải đóng BHXH gồm: chủ hộ kinh doanh; người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên làm việc bán thời gian, có mức lương tháng bằng/cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người hưởng chế độ phu nhân/phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; người lao động nước ngoài làm tại Việt Nam khi có giấy phép lao động/chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên trừ trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp/đủ tuổi nghỉ hưu hoặc khi Ðiều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia có quy định khác.

Ngoài ra, với người lao động có ký hợp đồng không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì được sửa đổi chung thành đủ 1 tháng trở lên kể cả trường hợp ký bằng tên gọi khác nhưng có nội dung về việc làm có trả công, tiền lương, sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Chia sẻ bài viết