11/09/2010 - 08:19

Để xây dựng TP Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL

8 tháng đầu năm 2010, so với cùng kỳ năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ tăng 14,1%, tổng mức bán ra hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 19%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5,2%... Từ kết quả này, UBND TP Cần Thơ dự báo: Tốc độ kinh tế của thành phố trong năm 2010 sẽ đạt khoảng 15,04%. Dù chỉ tiêu này chưa đạt so với kế hoạch đề ra nhưng theo nhận định của các ngành hữu quan, cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ trong năm 2010 tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản). Với kết quả khả quan này, TP Cần Thơ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng trở thành trung tâm động lực thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

8 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ ước thực hiện trên 12.260 tỉ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2009. Nhiều sản phẩm công nghiệp duy trì được nhịp độ sản xuất và tăng cao như: phân bón, thủy sản, xay xát gạo, điện thương phẩm, quần áo may sẵn, thuốc viên các loại... Song song với sản xuất tiếp tục tăng trưởng, hoạt động thương mại của TP Cần Thơ trong 8 tháng qua ổn định, sức mua trên thị trường có xu hướng tăng (tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra 8 tháng ước đạt 46.953 tỉ đồng, tăng 19,1% so cùng kỳ) và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng tăng 5,2% (đạt khoảng 535 triệu USD)... Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 8 tháng qua, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 33.065 lao động, xây dựng 560 căn nhà đại đoàn kết; không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm; các phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn diễn ra khá sôi nổi. Đặc biệt, an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố và tăng cường.

 Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, TP Cần Thơ từng bước khẳng định vai trò là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Lắp ráp ô tô tại Công ty cổ phần Việt Nam ô tô Cần Thơ - Khu công nghiệp Trà Nóc 2. Ảnh: T.KHIÊM.

Về kết quả kinh tế - xã hội trong 8 tháng đầu năm 2010, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho rằng: UBND TP Cần Thơ đã tổ chức triển khai nhanh và có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, các chính sách của Chính phủ đã ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư... ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Từ đó, góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố ở mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành, các lĩnh vực kinh tế then chốt đều duy trì nhịp độ phát triển; công tác chăm lo chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

Để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, phấn đấu và đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2010, theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo một số công việc cụ thể như: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện các biện pháp bình ổn giá, không để tăng giá đột biến và lạm phát xảy ra; quyết tâm thu ngân sách đạt và vượt dự toán 10%; tập trung đẩy nhanh tiến độ và giải ngân các công trình xây dựng cơ bản. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2010, thành phố tiếp tục quan tâm giải quyết việc làm, giảm nghèo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác phòng chống lụt bão; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn thành phố...

Từng bước khẳng định vai trò trung tâm

Vừa qua, đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội. Đoàn công tác cũng khẳng định, thời gian qua, TP Cần Thơ luôn là đầu tàu của ĐBSCL trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với các thành phố lớn khác trong cả nước, TP Cần Thơ có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển,... ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Chính vì thế, trong tương lai, TP Cần Thơ cần phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành và vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế xã hội; khẳng định là trung tâm động lực thúc đẩy cả vùng ĐBSCL cùng phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, thời gian qua, TP Cần Thơ, đặc biệt là Trường Đại học Cần Thơ, đã làm đúng vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho cả ĐBSCL. Ưu điểm này cần tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới nhưng TP Cần Thơ cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ nhằm từng bước đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế cho thành phố và cả khu vực ĐBSCL. Liên quan đến lĩnh vực đào tạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng: TP Cần Thơ cần quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao trình độ cho nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp - thủy sản. Bởi, dù đã là thành phố trực thuộc trung ương nhưng sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ còn phân tán và nhỏ. Vì vậy, ngoài nỗ lực của thành phố, Chính phủ cần có những chính sách quan tâm đến TP Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL để nơi đây hình thành được những trang trại, vùng sản xuất lớn, tập trung, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Ngoài các vấn đề vừa nêu, để khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Song Sơn đề nghị: TP Cần Thơ cần nghiên cứu xây dựng và đề nghị Chính phủ cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng; đồng thời, TP Cần Thơ cũng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa nội, ngoài lực trong thời gian tới...

Từ kết quả 8 tháng đầu năm 2010, UBND TP Cần Thơ dự báo cả năm 2010 và so với kế hoạch 5 năm (2006-2010): Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 ước đạt 15,04%, bình quân cả giai đoạn là 15,13% (kế hoạch là 15,5 - 16%); năm 2010, tỷ trọng nông nghiệp - xây dựng chiếm 41,16%, dịch vụ chiếm 45,23% và nông nghiệp - thủy sản chiếm 10,61% (kế hoạch đến năm 2010 tương ứng là 45,2%; 44,2% và 10,6%); thu nhập bình quân đầu người tương đương 1.950 USD (kế hoạch 1.770 USD); thu ngân sách nhà nước đạt 4.560  tỉ đồng, tăng 11,83% so với năm 2009; giải quyết việc làm cho 50.000 lao động, đào tạo nghề cho 34.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42,2%...

Ngoài ra, so với kế hoạch, giai đoạn 2006 - 2010, giá trị sản xuất của TP Cần Thơ đạt khá. Cụ thể: bình quân cả giai đoạn, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản tăng 5,33% (kế hoạch tăng 4-4,5%), công nghiệp - xây dựng tăng 19,82% (kế hoạch tăng 21-21,5%), dịch vụ tăng 17,26% (kế hoạch tăng 15-15,5%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 19,57%...

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, cơ sở hạ tầng của TP Cần Thơ còn yếu kém, nguồn thu ngân sách còn hạn hẹp, vốn đầu tư chưa nhiều. Nhưng với vai trò là trung tâm động lực phát triển của vùng, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhiều công trình trọng điểm được thành phố tập trung hoàn thành trong năm 2010. Ngoài ra, do tính bức xúc của một số công trình giao thông cần được triển khai sớm để đảm bảo cơ bản việc kết nối hệ thống giao thông của thành phố nhưng đang gặp khó khăn về vốn rất cần được sự hỗ trợ của Trung ương. Chính vì thế, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho thành phố ứng vốn công trình vốn trái phiếu chính phủ, vốn công trình sử dụng nguồn vốn trung ương có mục tiêu... để đẩy nhanh công tác giải ngân, hoàn thành nhiều công trình xây dựng cơ bản đang triển khai thi công. Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ ngành hữu quan đã xem xét và cơ bản thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ cho TP Cần Thơ ứng khoảng 1.000 tỉ đồng để giải ngân các công trình xây dựng như: đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc, tuyến đường Cần Thơ - Vị Thanh, đường Bốn Tổng - Một Ngàn, công trình kè sông Cần Thơ... Đối với các công trình khác, TP Cần Thơ cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công tác xây dựng, giải ngân... để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, đáp ứng nhu cầu đô thị hóa thành phố trên đường phát triển.

TP Cần Thơ đang có nhiều thuận lợi rất cơ bản, nhất là với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các công trình hạ tầng trọng điểm đã mở ra những cơ hội phát triển mới cho TP Cần Thơ, như cầu Cần Thơ đã được khánh thành đưa vào sử dụng, sân bay Cần Thơ đã khai thác tốt đường bay nội địa và đang khẩn trương nâng cấp để trở thành sân bay quốc tế... Chính vì thế, tại buổi làm việc với TP Cần Thơ, ngoài việc yều cầu phát huy lợi thế sẵn có, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: Trong 5 năm tới (2011 - 2015), Cần Thơ cần dồn sức cho xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển các khu đô thị mới; tập trung đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho thành phố mà cả vùng ĐBSCL. Đồng thời, cần chú ý đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông - thủy sản của TP Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL.

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết