13/01/2019 - 22:42

Để vụ lúa đông xuân thắng lợi 

Đến nay, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống dứt điểm 81.264ha lúa vụ đông xuân 2018-2019. Các trà lúa chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ và đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, tình hình thời tiết và dịch hại còn diễn biến phức tạp, nông dân không nên chủ quan mà cần tiếp tục chủ động chăm sóc và bảo vệ lúa…

Nông dân tại huyện Thới Lai chăm sóc ruộng lúa đông xuân 2018-2019.

Lúa phát triển tốt

Ông Trần Thanh Tuấn, ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: "10 công lúa vụ đông xuân của tôi đều sạ giống Jasmine 85 cấp xác nhận. Lúa hơn 35 ngày tuổi, phát triển tốt và tôi chưa phải phun xịt thuốc lần nào vì chưa thấy xuất hiện sâu bệnh gì đáng ngại. Vụ này, khả năng lúa trúng mùa rất cao, đồng ruộng bồi bổ một lượng phù sa đáng kể từ mùa lũ vừa rồi. Cánh đồng của tôi có hệ thống đê bao, thủy lợi khá tốt nên thuận lợi trong chăm sóc, tưới tiêu nước". Ông Trương Văn Nghiệm, ngụ phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, có 6 công ruộng sạ giống Jasmine 85 vụ đông xuân 2018-2019, cho biết: "Lúa đã hơn 40 ngày tuổi, xanh tốt, ít sâu bệnh,  mới phun thuốc trừ cỏ và thuốc diệt ốc bươu vàng lúc làm đất. Dù vậy, gia đình vẫn không chủ quan tiếp tục theo dõi sát ruộng lúa chủ động phòng tránh sâu bệnh và tiêu thoát nước kịp thời cho ruộng lúa khi gặp mưa bão".

Vụ đông xuân 2018-2019, nông dân ở TP Cần Thơ chủ yếu gieo trồng các giống lúa thơm và gạo chất lượng cao như: Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM 4218, OM 5451…Trong đó, giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 64%, Đài Thơm 8 chiếm 7%, OM 5451 chiếm 5%... Theo nông dân khả năng giá cả đầu ra của lúa đông xuân 2018-2019 thuận lợi khi đã có nhiều doanh nghiệp và tiểu thương tham gia ký hợp đồng bao tiêu và đặt tiền cọc mua lúa của nông dân ngay từ đầu vụ với giá khá cao. Tại nhiều quận, huyện như: Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ… nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đã đặt cọc tiền mua lúa của nông dân ngay từ đầu vụ với giá mua lúa tươi từ 5.600-5.700 đồng/kg, đối các loại lúa thơm như Jasmine 85 và Đài Thơm 8; còn lúa thơm RVT có giá lên đến  6.900-7.000 đồng/kg.

Chủ động bảo vệ lúa

Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: "Các trà lúa đông xuân 2018-2019 đang phát triển khá tốt và ít bị nhiễm các loại dịch hại. Tuy nhiên, từ nay đến khi lúa thu hoạch vẫn còn lâu và lúa vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bị gây hại bởi một số đối tượng nguy hiểm như rầy nâu, nhất là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2019. Do vậy, Phòng Kinh tế quận đã yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật và cán bộ ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường thăm đồng, hướng dẫn bà con kịp thời phát hiện và phòng trị, không để rầy nâu bùng phát". Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, ngành nông nghiệp huyện cũng luôn quan tâm theo dõi sát tình hình sản xuất của bà con và các diễn biến của thời tiết, sâu bệnh kịp thời thông báo và hướng dẫn cho người dân ứng phó, tránh thiệt hại. Khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trị các đối tượng gây hại, không để lây lan trên diện rộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng trổ, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tính đến ngày 2-1-2019, tổng diện tích lúa bị nhiễm dịch hại ở mức 212ha, thấp hơn 290ha so với cùng kỳ vụ đông xuân 2017-2018, chủ yếu thấp hơn diện tích nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, bệnh thối gốc do vi khuẩn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc sở và các địa phương cần tiếp tục khuyến cáo người dân thăm đồng và thường xuyên theo dõi tin tức để chủ động phòng chống dịch hại và ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi. Chủ động chuẩn bị máy móc, phương tiện để tiêu thoát nước kịp thời cho đồng ruộng khi cần, tránh bị ngập úng kéo dài gây thiệt hại. Đối với trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng cần hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tổng hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho cây lúa phát triển, khuyến cáo nông dân không phun thuốc trừ sâu sớm, nhất là đối với sâu cuốn lá, bọ trĩ đây là giai đoạn cây lúa có khả năng phục hồi nhanh do chăm sóc tốt, bón phân cân đối. Tiếp tục phát động nông dân tổ chức chiến dịch đồng loạt ra quân diệt chuột trên diện rộng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giống, phân bón, thuốc BVTV, ngăn ngừa tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng làm thiệt hại sản xuất...

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện rầy nâu ngoài đồng chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng tuổi 1-2, mật số thấp. Bên cạnh đó, có xuất hiện rầy chửa, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ mật số rầy nâu và ổ trứng trong bẹ lúa để sớm phát hiện rầy nâu và có biện pháp quản lý kịp thời. Chú ý các biện pháp quản lý dịch hại dựa trên cân bằng sinh thái, không phun ngừa định kỳ làm tăng tính kháng thuốc của rầy nâu dễ gây bộc phát dịch, ưu tiên các loại thuốc sinh học như sử dụng nấm xanh (Metarhizium anisopliae), nấm trắng (Beauveria bassiana) để khống chế rầy nâu nhằm tạo nguồn thiên địch trên đồng ngay từ đầu vụ. Nông dân cũng cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá, tiến hành quản lý bệnh kịp thời. Không để ruộng khô nước, ngưng bón các loại phân có chứa đạm, phòng trị theo nguyên tắc 4 đúng, không được kết hợp với phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng khi phun thuốc trừ bệnh đạo ôn lá.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết