Với sự phát triển của y học, cùng nhiều điều kiện thuận lợi khác, tuổi thọ của con người ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, tuổi càng cao, bệnh càng nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng sống cả về thể chất lẫn tinh thần. Mặc dù khó ai tránh khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử của đời người, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, có những cách làm chậm quá trình lão hóa, giúp người cao tuổi sống vui khỏe tuổi xế chiều.
Lối sống tích cực, thường xuyên vận động giúp nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật khi về già.
Thống kê về sức khỏe người cao tuổi Việt Nam cho thấy, nhóm 4 bệnh chính gây gánh nặng bệnh tật lớn nhất ở người cao tuổi gồm tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhóm bệnh này chiếm 81% nguyên nhân tử vong ở người cao tuổi nước ta.
Ngoài ra, 2 bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường là những “sát thủ” thầm lặng cũng đang gia tăng nhanh. Cụ thể, 24% người từ 30-49 tuổi có bệnh tăng huyết áp và tỷ lệ này là 52% ở nhóm 50-69 tuổi. Với bệnh đái tháo đường, người từ 30-49 tuổi có tỷ lệ mắc khoảng 5,6%, nhưng ở nhóm 50-69 tuổi, tỷ lệ mắc hơn gấp đôi, ở mức 13,4%.
Mỗi người cao tuổi nước ta mắc 2-3, thậm chí 4 bệnh không lây nhiễm. Theo các chuyên gia, trong quá trình lão hóa, các tế bào thần kinh giảm sút về số lượng đồng thời thoái hóa về hệ thống vi mạch, tức những mạch máu vô cùng nhỏ để nuôi tế bào não.
Người càng già thì những vi mạch teo dần. Thực tế trên phim MRI, các bác sĩ ghi nhận nhiều người cao tuổi bị teo não, dẫn đến các bệnh thần kinh như Azheimer, mất trí nhớ và nhiều bệnh liên quan rối loạn tâm thần như lo âu, mất ngủ, kể cả tâm thần phân liệt.
Trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề phòng ngừa lão suy, các bác sĩ cho biết nguyên nhân người cao tuổi nước ta tăng nhanh tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm do Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, tuổi thọ cao cũng là điều kiện nguy cơ không thể thay đổi được dẫn đến người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao.
TS.BS CKII Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chuyên môn Meijibio Việt Nam, diễn giả của chương trình tư vấn cho biết, để dự phòng quá trình lão hóa và tình trạng lão suy, tùy đối tượng, lứa tuổi, điều kiện sinh hoạt mà có biện pháp phù hợp. Trước hết, các gia đình chăm lo người cao tuổi chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất nhưng không tạo gánh nặng cho cơ thể.
Thứ hai, thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao, phù hợp với thể trạng để đốt cháy năng lượng thừa, rèn sức bền, sự dẻo dai của cơ thể. Phần lớn người cao tuổi nước ta bị thoái hóa cột sống cổ, cột sống thắt lưng và khớp gối. Nhiều trường hợp mất hoàn toàn chức năng vận động, ngồi xe lăn. Vì thế, tốt nhất cần dự phòng từ cấp độ 0, tức ngay từ lúc trẻ, khi chưa có bệnh.
Trong chương trình, PGS.TS Nguyễn Thị Thi Thơ, chuyên gia Kiểm soát bệnh không lây nhiễm cũng đề cập đến các yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh không lây nhiễm liên quan đến hành vi, thói quen, lối sống có thể thay đổi được. Đồng thời khuyến cáo đến cộng đồng, nhất là người cao tuổi, cần hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Hạn chế các nguy cơ dẫn đến phơi nhiễm từ môi trường không khí, nước, nguồn thực phẩm bẩn chứa nhiều mầm bệnh và tồn dư hóa chất,… vì đó là những tác nhân có thể làm biến dạng gien, nguồn cơn của các bệnh lý, trong đó có cả ung thư.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo gia đình, người thân, cộng đồng của người cao tuổi quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho người cao tuổi. Chăm sóc sức khỏe thể chất đồng thời với sức khỏe tinh thần giúp người cao tuổi đẩy lùi bệnh tật.
Do các bệnh không lây nhiễm thường diễn ra rất âm thầm, khi có triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, trong khi đó, người cao tuổi là đối tượng nguy cơ cao. Vì vậy, các cụ cần khám sức khỏe mỗi năm hoặc khi có dấu hiệu bất thường để phát hiện, điều trị sớm, kịp thời, hiệu quả.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG