14/12/2021 - 08:43

Để phát triển xuất khẩu nông sản vào thị trường EU 

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp nước ta xuất khẩu các loại nông sản, thực phẩm. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, giúp nhiều loại nông sản của nước ta khi xuất khẩu sang EU đã có lợi thế cạnh tranh với các nước khác nhờ được miễn, giảm thuế quan. Tuy nhiên, EU là thị trường rất “khó tính” để xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm rõ các yêu cầu của họ về chất lượng hàng hóa và nội dung, cam kết trong EVFTA.

Thị trường tiềm năng

Nhờ quan tâm phát triển khâu bảo quản và chế biến sản phẩm, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre đã xuất khẩu thành công sang EU nhiều sản phẩm từ dừa. Trong ảnh: Sơ chế, đóng gói trái dừa tươi phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre.

Nhờ quan tâm phát triển khâu bảo quản và chế biến sản phẩm, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre đã xuất khẩu thành công sang EU nhiều sản phẩm từ dừa. Trong ảnh: Sơ chế, đóng gói trái dừa tươi phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre.

EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, toàn diện, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống. EVFTA có hiệu lực từ 1-8-2020, với nhiều dòng thuế và hạn ngạch thuế quan áp cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU lập tức về mức 0% và các dòng thuế còn lại được cắt giảm theo lộ trình 3-7 năm. Đây là điều kiện rất thuận lợi để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường EU.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã dành hạn ngạch thuế quan (HNTQ) cho Việt Nam đối với gạo xay xát và gạo thơm với lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm, với mức thuế 0%. Các loại gạo thơm được hưởng HNTQ gồm: gạo nàng hoa 9, hoa nhài 85, ST 20, ST 5, VD 20, RVT, Tài nguyên Chợ Đào, OM 4900… Và dự kiến tới đây, các cơ quan chức năng nước ta  thông qua việc trao đổi với phía EU sẽ tiến hành điều chỉnh, bổ sung thêm các loại gạo thơm như ST 24, ST 25, OM 18… Riêng mặt hàng tấm đã có mức thuế giảm mạnh và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm. Đối với thủy sản nói chung, EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp, hiện EU đã dành cho Việt Nam HNTQ mỗi năm 11.500 tấn, surimi 500 tấn. Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), EU cũng dành HNTQ cho nhiều loại nông sản, thực phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam như trứng gia cầm, tỏi, bắp, nấm, bột sắn, đường… Trong đó, trứng gia cầm có hạn ngạch từ 1-8 đến 31-12-2020 là hơn 208 tấn và sau đó mỗi năm 500 tấn. Tỏi hiện có hạn ngạch mỗi năm 400 tấn, nấm 350 tấn, bắp 5.000 tấn, bột sắn 30.000 tấn, đường 20.000 tấn… EU cũng đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan đến nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, trà Mộc Châu…

EU có 27 nước thành viên, với dân số trên 747 triệu người, trong đó có 74,5% dân thành thị. Đây là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông - thủy sản rất lớn, với mức tiêu thụ bình quân đầu người cao, giúp mang lại giá trị cao nhờ có giá cao. Tận dụng các ưu đãi từ EVFTA, thời gian qua nhiều đơn vị, doanh nghiệp của nước ta cũng đã xuất khẩu nhiều lô gạo thơm với giá hơn 1.000 USD/tấn và xuất khẩu nhiều loại sản và trái cây với giá cũng rất cao như chanh dây, bưởi, nhãn, dừa… Tuy nhiên, so với khả năng sản xuất và tiềm năng xuất khẩu, số lượng và giá trị nhiều loại nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào thị trường EU vẫn còn thấp so với mong muốn.

Để xuất khẩu vào EU

Nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp, người sản xuất nắm bắt tốt các cơ hội tiêu thụ sản phẩm sang châu Âu, Văn phòng SPS Việt Nam vừa phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong EVFTA. Văn phòng SPS Việt Nam  cùng các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đã  cập nhật, cung cấp nhiều nội dung, thông tin về yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của thị trường EU, nhất là các biện pháp về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) theo các quy định của EU và cam kết tại EVFTA. Từ đó, thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp, nông dân phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng, có mã số vùng trồng và thực hiện tốt các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường châu Âu.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hiểu, công tác tại Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ NN&PTNT, những năm gần đây xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch ấn tượng, với 3,2 tỉ USD trong năm 2020, trong đó xuất sang EU đạt 158 triệu USD. Dư địa để tăng xuất khẩu vào EU là còn rất lớn, họ đang nhập rau quả trị giá khoảng 35 tỉ EURO/năm. Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào EU, chúng ta không chỉ cần có sản phẩm tốt mà cần có công nghệ bảo quản, vận chuyển trái cây tươi từ Việt Nam sang EU và phát triển các dòng sản phẩm chế biến như rau quả đông lạnh, sấy khô, nước cô đặc… để bảo quản được nhiều ngày, thuận lợi đưa đi tiêu thụ xa.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: “EU là thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng nhưng khó tính. Chúng ta phải nỗ lực vượt qua rất nhiều rào cản kỹ thuật, đặc biệt trong thời gian vừa qua khi EU liên tiếp tăng mức dư lượng tối đa của một số loại thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản và có cảnh báo đối với một số loại rau quả sang EU. Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT và các địa phương, cần phải hướng dẫn cụ thể hơn cho nông dân, doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu để nông sản hàng của chúng ta mở rộng xuất khẩu và chinh phục tốt thị trường EU trong thời gian tới”.

Theo ông Hòa, các địa phương, doanh nghiệp cần có sự chủ động chuẩn bị nắm bắt các cơ hội xuất khẩu nông sản sang châu Âu. Cần nắm rõ nội dung, lộ trình thực hiện EVFTA và thông tin liên quan an toàn thực phẩm, những quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU hay các quy định về vấn đề ô nhiễm vi sinh vật… Đặc biệt, việc sản xuất rau quả, thủy sản đạt chứng  nhận Global GAP, ASC… là “chìa khóa” quan trọng để đưa hàng vào EU.

EU luôn có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, với nhiều quy định rất chặt chẽ nhưng cũng có nhiều  ưu đãi hơn so với các thị trường khác, nhất là khi EVFTA đã có hiệu lực. EU sẵn sàng cho ta xuất khẩu nhiều loại rau quả, nông sản mà không yêu cầu khắt khe về việc đánh giá rủi ro và đàm phán mở cửa thị trường, với thời gian rất lâu như một số nước đã áp dụng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Mỹ. Hiện hàng hóa của Việt Nam khi nhập khẩu vào một sân bay, bến cảng hay cửa khẩu nào của một nước thuộc EU sẽ được đi lại, buôn bán tự do trong 27 nước EU. Sau khi Vương quốc Anh rời khỏi EU, Anh vẫn tiếp tục thực hiện những cam kết về cắt giảm thuế, HNTQ đối với nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết