18/07/2010 - 20:47

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế và tiềm năng cho phát triển nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản (TS). Khi thị trường TS thế giới và trong nước phát triển sôi động, TS ĐBSCL đã góp phần mạnh mẽ khẳng định vị thế của TS Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, phát triển quá “nóng”nhưng lại thiếu quy hoạch, định hướng, thiếu kiểm soát… khiến TS ĐBSCL đứng trước nguy cơ phát triển không bền vững, đòi hỏi cần có những giải pháp, định hướng đúng đắn để TS tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL và cả nước.

Bài 1: PHÁT HUY LỢI THẾ

ĐBSCL có nhiều lợi thế về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản so với các vùng khác trong cả nước. Trong ảnh: Tàu đánh bắt cá ở Kiên Giang.
Ảnh: T. LONG

Hệ thống sông Mekong đã tạo cho vùng ĐBSCL tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở cả 3 vùng nuôi (nước lợ, nước ngọt, nuôi biển) và khai thác biển. Hơn thế, nhiều năm nay, chế biến TS xuất khẩu ở ĐBSCL đã và đang tiếp tục khẳng định thế mạnh so với các ngành kinh tế khác của khu vực và cả nước.

VÙNG SINH THÁI ĐẶC THÙ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn vùng ĐBSCL có khoảng 750km bờ biển (chiếm khoảng 23% tổng chiều dài bờ biển toàn quốc) với 22 cửa sông, cửa lạch và hơn 800.000 ha bãi triều (70-80% là bãi triều cao). Vào mùa khô, độ mặn nước biển ven bờ ở ĐBSCL vào khoảng 20 – 30‰, mùa mưa từ 5-20‰, xâm nhập mặn theo các sông nhánh vào nội đồng nhiều đến 40 – 60km. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch TS, Bộ NN&PTNT, nhận định: ĐBSCL có những vùng đất ngập nước quy mô lớn, đa dạng về kiểu môi trường sinh thái (mặn, lợ, ngọt). Đồng thời, các hệ thống canh tác tương đối đồng nhất, đôi khi không phân biệt được bằng địa giới hành chính như: vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau... Điều kiện giao thoa mặn, lợ, ngọt nêu trên cũng đã tạo nên một vùng sinh thái đặc thù, hiếm thấy trên thế giới, rất thuận lợi cho phát triển sản xuất TS hàng hóa tập trung.

Nói đến NTTS vùng ĐBSCL, ưu thế vẫn là nuôi nước lợ (chủ yếu là nuôi tôm nước lợ) và nuôi nước ngọt (cá tra, cá ba sa). Ngoài ra, vùng này còn có tiềm năng môi trường nuôi các loài nhuyễn thể, các loài TS khác như cá lóc, cá rô, cá da trơn, lươn... Trên thực tế, NTTS ở ĐBSCL đã trở thành một nghề truyền thống và không ngừng thay đổi. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích có khả năng NTTS ở ĐBSCL hơn 1,2 triệu ha, chiếm gần 60% diện tích NTTS của cả nước; trong đó, diện tích có khả năng NTTS vùng triều khoảng 750.300 ha. Vùng bán đảo Cà Mau có diện tích tiềm năng cho phát triển NTTS mặn lợ rất lớn (trên 630.000 ha), khu vực ven sông Hậu và sông Tiền có diện tích vùng triều ít hơn (trên 123.000 ha). Diện tích có khả năng nuôi thủy sản nước ngọt cũng rất phong phú với trên 500.000 ha được xác định là có điều kiện rất thuận lợi và phân bố chủ yếu ở các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng khẳng định: Với đặc thù là vùng châu thổ của hệ thống sông Mekong đã tạo cho vùng ĐBSCL tiềm năng lớn cho phát triển NTTS ở nhiều loại hình nuôi khác nhau. Cụ thể như: nuôi nước lợ (ao đầm tự nhiên, lúa nhiễm mặn, ruộng muối), nuôi nước ngọt (ao hồ nhỏ, ruộng trũng, các cù lao/cồn, trên sông) và nuôi biển (nuôi bãi triều và nuôi lồng trên biển)...

THẾ MẠNH VỀ ĐÁNH BẮT VÀ KHAI THÁC

Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi TS, ĐBSCL có diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế rộng khoảng 360.000 km2, chiếm 37% tổng diện tích vùng đặc quyền kinh tế của cả nước và hàng trăm đảo lớn nhỏ thuộc hai ngư trường trọng điểm là Đông và Tây Nam Bộ. Trữ lượng cá biển ở 2 ngư trường này trên 2,5 triệu tấn, chiếm 62% của cả nước. Khả năng cho phép khai thác tối đa trên 1 triệu tấn (cá đáy khoảng 700.000 tấn, cá nổi trên 300.000 tấn) và chiếm đáng kể về loài so với cả nước (cá chiếm 62%, tôm sú và tôm he 66%, tôm sắt và tôm chì 61%, mực ống 69% và mực nang 76%). Tính theo đầu người, khả năng cá biển có thể khai thác ở ĐBSCL là 61kg/năm, trong khi cả nước chỉ có 21kg/năm. Ngoài ra, vùng biển ven bờ của ĐBSCL còn có tiềm năng bảo tồn khá cao, kéo theo khả năng phát triển một số ngành nghề TS mới để chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân như: nuôi thích nghi, câu hoặc đánh cá giải trí gắn với du lịch sinh thái...

Khu vực ĐBSCL có đội tàu khai thác lớn nhất cả nước, không chỉ về số lượng tàu thuyền, mà cả về công suất tàu và phạm vi ngư trường khai thác cũng lớn nhất so với cả nước. Theo số liệu thống kê từ các địa phương vùng ĐBSCL, số lượng tàu thuyền hoạt động khai thác TS trong vùng dao động từ 22.000 – 25.000 chiếc. Trong đó, khai thác xa bờ luôn là thế mạnh của vùng, đặc biệt là ở Kiên Giang với hơn 3.500 tàu tham gia khai thác xa bờ. Vì thế, sản lượng khai thác TS khu vực ĐBSCL có tốc độ tăng nhanh hơn so với các địa phương khác và đóng góp rất lớn trong tổng sản lượng khai thác TS chung của cả nước: Sản lượng từ 803.919 tấn năm 2000 tăng lên 863.289 tấn năm 2008. Bên cạnh đó, ĐBSCL là vùng cho sản lượng khai thác TS nội địa khá cao, thường chiếm tỷ lệ từ 50 – 60% sản lượng khai thác nội địa cả nước. Những địa phương có sản lượng khai thác cao như An Giang (chiếm 33,46%), Trà Vinh (chiếm 18,24%), Đồng Tháp (chiếm 13,52%)...

Đặc biệt, thời gian qua, cùng với việc phát triển nghề cá, nhiều địa phương trong vùng đã đầu tư xây dựng trên 20 cảng cá, bến cá và hàng trăm cơ sở đóng sửa tàu thuyền cùng với các chợ - vựa cá mua bán cá tập trung. Trong đó, một số tỉnh ven biển Tây Nam Bộ đã đặt nền móng cho chiến lược phát triển kinh tế biển. Điển hình như tỉnh Kiên Giang đã kết hợp khai thác, chế biến với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi TS ven bờ; tập trung đầu tư hình thành các cảng cá, cảng dịch vụ hậu cần nghề cá ở các ngư trường trọng điểm tại quần đảo Nam Du, Kiên Hải, Phú Quốc và Thổ Chu nhằm phục vụ các đoàn tàu đánh cá xa bờ.

CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU: CHIẾM TỶ TRỌNG CAO

Theo Bộ NN&PTNT, toàn vùng ĐBSCL hiện có trên 190 nhà máy chế biến TS với công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn/năm, so với năm 2003 tăng hơn 2,3 lần về số nhà máy, tăng hơn 2,7 lần về công suất. Trong số này, do có sự tập trung nhiều vùng sản xuất nguyên liệu lớn nên 4 địa phương (TP Cần Thơ và các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang) chiếm gần 55% số lượng nhà máy chế biến TS toàn vùng. Hằng năm, sản lượng TS chế biến của vùng ĐBSCL khoảng 1 triệu tấn, chiếm gần 70% tổng sản lượng TS chế biến của cả nước. Trong đó, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Cà Mau chiếm hơn 60% tổng sản lượng chế biến của toàn vùng. Ở ĐBSCL, mỗi địa phương đều có những sản phẩm chế biến đặc trưng riêng. Cụ thể như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng có thế mạnh trong chế biến xuất khẩu tôm; An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ có thế mạnh về chế biến cá tra xuất khẩu. Ngoài ra, các tỉnh ven biển khác như Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh cũng có nhiều sản phẩm chế biến nguồn gốc nổi tiếng từ biển như nước mắm, khô...

Trong số các địa phương, với việc hằng năm đạt trên 625 triệu USD (chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu TS của toàn vùng), tỉnh Cà Mau luôn dẫn đầu về xuất khẩu TS của cả vùng ĐBSCL. Kế đến là TP Cần Thơ và tỉnh An Giang, hai địa phương có khối lượng cá tra và cá ba sa rất lớn và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu TS Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu của vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng đáng khích lệ trong giai đoạn 2003 – 2008, đạt 18,5%/năm (từ 1,2 tỉ USD năm 2003 lên 2,83 tỉ USD trong năm 2008). Sang năm 2009, tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu nên kim ngạch xuất khẩu khẩu TS của vùng ĐBSCL đạt khoảng 2,55 tỉ USD. Kết quả này góp phần rất lớn trong việc đem về trên 4,25 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu TS của cả nước trong năm 2009, đưa sản phẩm TS của Việt Nam có mặt khoảng 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

***

Với những lợi thế trên, nhiều năm nay, TS đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Vì thế phát triển ngành TS ĐBSCL thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, có cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục giữ vững là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao và có tỷ trọng GDP đáng kể trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp là một định hướng lớn của vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

MINH LÊ

Đóng góp của kinh tế TS nói chung và NTTS nói riêng cho sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL là rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê: Năm 2008, GDP toàn vùng ĐBSCL đạt trên 269.000 tỉ đồng, so với năm 2007 là 114.249 tỉ đồng, chiếm 47,8% tổng GDP toàn quốc. Trong đó, nông- lâm-ngư nghiệp chiếm 33,59% tổng GDP toàn vùng; ngành TS chiếm 41% tổng GDP toàn ngành nông, lâm ngư nghiệp vùng ĐBSCL và chiếm khoảng 16% tổng GDP toàn vùng ĐBSCL. Giai đoạn 2000-2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL trung bình tăng 13%/năm, cao hơn mức tăng bình quân chung toàn quốc toàn quốc 8,68%/năm. Trong các ngành kinh tế của vùng ĐBSCL, ngành TS có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở mức 19,97%/năm, gấp 1,9 lần so với tốc độ tăng bình quân chung toàn vùng ĐBSCL và gấp 1,1 lần so với mức tăng toàn ngành TS toàn quốc.


Bài 2: Phát triển nuôi trồng thủy sản - ồ ạt và thiếu kiểm soát

Chia sẻ bài viết