03/08/2016 - 20:46

Để người tiêu dùng nói không với thuốc lá ngoại nhập lậu

Kiểm soát bán lẻ thuốc lá trên thị trường được xem là khâu quan trọng trong việc hạn chế tiêu dùng và quản lý tình trạng buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ có các văn bản qui phạm pháp luật, như: Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá về kinh doanh thuốc lá; Quyết định số 9726/QĐ-BTC ngày 19-12-2013 của Bộ Trưởng Bộ Công thương về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025, cùng đó là các Thông tư hướng dẫn thi hành. Đặc biệt với Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19-11-2015 (Nghị định 124) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu 500 bao thuốc lá lậu thay vì 1.500 bao như trước đây.

Dán các biển hiệu tuyên truyền văn bản qui phạm pháp luật tại các điểm kinh doanh là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu.

Theo các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu ngày càng tinh vi. Họ thiết lập đội ngũ chuyên giám sát chặt hoạt động của các cơ quan chức năng và hoạt động không theo qui luật nhất định. Việc vận chuyển thường lợi dụng ban đêm, giờ giao ca của các lực lượng chức năng. Các đối tượng buôn lậu còn cải tạo lại xe gắn máy để giấu hàng và chạy với tốc độ cao. Tại biên giới phía Nam, các đối tượng buôn lậu còn thuê người dân dùng xuồng máy chạy với tốc độ cao để vượt sông qua biên giới, sau đó xé lẻ hàng chuyển sâu vào nội địa. Nếu bị phát hiện, họ thường rất manh động chống trả lại các lực lượng chức năng. Trong khi đó, lực lượng chức năng mỏng, các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thiếu kinh phí... Nhiều vụ việc khi các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ hàng cấm, phần lớn chủ hàng buôn lậu bỏ lại phương tiện và hàng để trốn nên không thể xử phạt. Mặt khác, việc tiêu thụ thuốc lá sản xuất trong nước được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, giá thành cao do phải đóng các loại thuế. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu là rất lớn, nhiều người hút thuốc chưa bỏ được thuốc lá, chưa thay đổi được gu thuốc lá ngoại, đó có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn còn "đường sống".

Việc tồn tại các điểm kinh doanh thuốc lá lẻ vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp; nhất là vẫn còn không ít đối tượng lén lút buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu. Cùng đó, công tác tuyên truyền, kiểm tra thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá chưa được thường xuyên,… Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định 124 đã phần nào kiểm soát và răn đe người kinh doanh. Đầu tháng 8-2016, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ phối hợp với Công ty thuốc lá Châu Á Thái Bình Dương thực hiện tuyên truyền và kiểm soát tình trạng kinh doanh thuốc lá trên thị trường tại các điểm kinh doanh thuốc lá lẻ ở 4 quận trung tâm, gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn. Trên địa bàn quận Ninh Kiều, hầu hết các điểm kiểm tra đều thực hiện tốt việc đăng ký kinh doanh và cam kết không kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu. Chỉ có 1 điểm bán tạp hóa (đường 3 Tháng 2) QLTT kiểm tra, thu giữ và xử phạt 6 gói thuốc lá ngoại nhập lậu (5 Jet, 1 Hero). Ông Nguyễn Văn Sanh, Chi cục Trưởng Chi cục QLTT TP Cần Thơ, cho biết:"Trọng tâm của đợt kiểm tra là tuyên truyền cho các tiểu thương kinh doanh thuốc lá hiểu về các qui định bắt buộc trong kinh doanh thuốc lá điếu; đặc biệt là các qui phạm pháp luật xử lý đối việc kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra nếu phát hiện sai phạm chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo qui định".

Thuốc lá là loại hàng hóa hạn chế kinh doanh, không khuyến khích tiêu dùng, thương nhân chỉ được quyền hoạt động kinh doanh khi được cấp giấy phép kinh doanh. Do vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh thuốc lá là rất cần thiết. Từ những khó khăn trên đòi hỏi lực lượng chức năng cần tăng cường quản lý chặt hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá thông qua thực hiện nghiêm việc cấp Giấy phép kinh doanh thuốc lá theo đúng quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc bán lẻ thuốc lá nhằm quản lý nguồn cung sản phẩm thuốc lá ra thị trường; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép; triển khai có hiệu quả mô hình môi trường làm việc không khói thuốc; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của thuốc lá, cũng như trách nhiệm của người dân trong việc tham gia thực thi các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nam Hương

Chia sẻ bài viết