Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Một số thói quen ăn uống, bảo quản thực phẩm thông thường tưởng chừng vô hại nhưng chính là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm trong thời tiết nắng nóng. BS Ðỗ Hồng Nhan, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ, nêu những thói quen có hại và khuyến cáo hữu ích giúp bảo quản thực phẩm, thực hiện chế độ dinh dưỡng an toàn, nhất là cho người già, trẻ nhỏ.
Bác sĩ dinh dưỡng lưu ý, người già và trẻ nhỏ chú ý ăn uống cân bằng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng gây ra do ăn uống phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, chất phụ gia không đúng quy định... Ngộ độc mức độ nặng có thể nguy hại đến sức khỏe và tính mạng. Nhưng phần lớn các trường hợp ngộ độc chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ và vừa, ít khi bệnh nặng và nguy kịch. Thời gian hồi phục bệnh cũng nhanh chóng nếu được xử trí đúng và kịp thời, người bệnh sẽ khỏe hoàn toàn sau vài ngày điều trị.
Hiện nay, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao, thức ăn nhanh hư hỏng, dễ ôi thiu. Vì vậy, người dân hết sức cẩn trọng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, một số thói quen cần lưu ý khi sử dụng và bảo quản thực phẩm để hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc. Ðó là thói quen ăn các món ăn còn sống như “thịt tái”, tiết canh, hải sản nấu không chín, các món thịt nguội, đồ hộp, nem chua, dưa ủ chua lâu ngày. Thói quen sử dụng thực phẩm trữ lạnh - trữ đông, nhưng không đúng cách: Ðể các loại thực phẩm trữ lạnh lẫn lộn, không phân loại, không đóng gói trước hoặc trữ lạnh thời gian quá lâu. Ðặc biệt, rã đông thực phẩm nhiều lần thay vì chia ra từng phần vừa đủ cho một lần sử dụng, đóng gói trước khi cho vào ngăn đông...
Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể từ 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm. Tùy theo tác nhân gây độc tố mà các triệu chứng có thể xảy ra từ mức độ nhẹ đến nặng: đau bụng dữ dội, nôn ói, tiêu chảy, sốt, mất nước - rối loạn cân bằng điện giải…
Khi bị nôn ói và tiêu chảy nhiều, cơ thể sẽ bị mất nước và mất cân bằng điện giải. Giai đoạn này, tuyệt đối không dùng ngay thuốc chống nôn hoặc chống tiêu chảy, cần thiết nên bù nước và điều chỉnh cân bằng điện giải. Dung dịch ưu tiên là Oresol được pha và sử dụng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, có thể dùng nước ấm, nước cháo muối - đường loãng thay thế khi không có Oresol. Nhiều người bệnh có thói quen uống thuốc cầm tiêu chảy trong ngộ độc thực phẩm là không nên. Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất và nhanh nhất để được điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch và các triệu chứng kịp thời an toàn và hiệu quả.
Ðể phòng ngộ độc thực phẩm, nên chọn mua những thực phẩm tươi sống, có xuất xứ rõ ràng. Chọn sản phẩm của cơ sở sản xuất được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðồng thời, kiểm tra kỹ tình trạng thực phẩm, hạn sử dụng, bao bì không bị rách, thực phẩm không có màu sắc hoặc mùi vị bất thường… Bảo quản những thực phẩm tươi sống và đã chế biến phù hợp. Lưu ý cách thức và thời gian trữ lạnh hoặc trữ đông đúng cách. Thực hiện ăn chín uống nước đun sôi để nguội, thức ăn nên được ăn ngay sau khi chế biến, không nấu quá nhiều để hâm lại nhiều lần. Ðảm bảo vệ sinh dụng cụ và vệ sinh bàn tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn.
Người già và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém. Ðể phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh. Người lớn tuổi nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, giúp giảm bớt gánh nặng cho ruột và dạ dày. Bổ sung thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong ruột. Với trẻ nhỏ, việc kiêng khem hoặc cấm đoán quá mức sẽ không tốt cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, cha mẹ nên có kế hoạch cho con được ăn thỏa thích nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Nên chọn nơi bán hàng, chế biến đảm bảo an toàn cho con. Nên chuẩn bị cho con bữa ăn sáng đầy đủ. Khi bắt buộc cho con sử dụng thức ăn nhanh thì nên hạn chế dùng hoặc giảm gia vị, sốt chấm… trong các thực phẩm chế biến sẵn để giảm lượng muối hay đường đưa vào cơ thể. Nên cho con ăn kèm rau xanh, nước ép trái cây để bổ sung lượng vitamin, khoáng chất cần thiết trong bữa ăn. Cho con ăn nhẹ trước khi đi mua sắm, chọn từng suất ăn nhỏ, những món con yêu thích kết hợp với món bổ sung có ích cho sức khỏe. Từ đó, các con sẽ được ăn ngon miệng và an toàn hơn.