13/03/2019 - 10:57

Để "giữ giá" cho hạt gạo xuất khẩu Việt 

Năm 2018, ngành lúa gạo nước ta gặt hái thành công khi sản lượng, kim ngạch xuất khẩu đều tăng. Đặc biệt, hạt gạo Việt Nam đã xóa bỏ "lời nguyền" sản lượng xuất khẩu cao nhưng giá trị lại thấp khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thời điểm trong năm đã ngang ngửa, thậm chí vượt mặt các đối thủ.

Rút ngắn chênh lệch

Năm 2018, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỉ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% về giá trị so với năm 2017. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý đầu ngành, đây là mức tăng trưởng ấn tượng đối với kim ngạch xuất khẩu gạo trong nhiều năm qua. Và đóng góp cho kết quả này là do mặt bằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 tăng mạnh.

Quy trình đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát. Ảnh: MINH HUYỀN 

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết: "Năm qua, giá FOB bình quân xuất khẩu gạo của nước ta ở mức 501 USD/tấn, tăng 10,7%, tương đương 48 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2017. Vào thời điểm giữa năm 2018, trong khi giá của các nước xuất khẩu gạo lớn đều giảm thì giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đạt 450 USD/tấn. Mức giá này cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ (410 USD/tấn) và Thái Lan (435 USD/tấn). Nhiều thời điểm trong năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan cùng phẩm cấp và chủng loại, có thời điểm cao hơn giá gạo Thái Lan khoảng 40 USD/tấn".

Nhiều ý kiến cho rằng, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam có sự gia tăng, rút ngắn sự chênh lệch giá xuất khẩu với các nước, thậm chí cao hơn là do tỷ lệ các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao gia tăng trong cơ cấu gạo xuất khẩu. Những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển đổi được cơ cấu giống lúa từ đó tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm gần 80% gạo xuất khẩu. Trong năm 2018, bên cạnh gạo trắng, các loại gạo có giá trị cao của Việt Nam đang dần khẳng định vị trí trên thị trường thế giới. Gạo thơm của Việt Nam vẫn duy trì tốt tại thị trường Iraq với lượng gạo xuất khẩu đạt 300.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2017. Gạo ngắn Japonica đang có tín hiệu tích cực tại thị trường Hàn Quốc, Ai Cập với giá trúng thầu khá cao đem lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và nông dân. Song song đó, cơ hội cũng mở ra cho thị trường Bờ Biển Ngà và EU khi nguồn gạo từ Campuchia và Myanmar không còn lợi thế về thuế nhập khẩu.

Từ kết quả này có thể thấy, vấn đề tái cơ cấu trong sản xuất, chế biến gạo bước đầu thực hiện hiệu quả và đúng định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng tới 2030. Theo đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm dần về số lượng và tập trung cho việc gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hằng năm dự kiến giảm còn khoảng 4,5-5 triệu tấn và giá trị đạt từ 2,2 - 2,3 tỉ USD. Giai đoạn 2020-2030, sản lượng giảm xuống 4 triệu tấn trong khi giá trị xuất khẩu đạt 2,3-2,5
tỉ USD...

Nâng cao giá trị

Theo nhận định từ các chuyên gia, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đối mặt với việc cạnh tranh ngày càng gay gắt cộng với những biến động khó lường từ thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu. Song song đó, theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mặt bằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 đã cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên rất khó duy trì trong năm 2019 trừ khi có các biến động về nhu cầu. Bởi theo quy luật thị trường, giá gạo Việt Nam sẽ suy giảm để có thể cạnh tranh với các đối thủ, đặc biệt là ở chủng loại gạo trắng hạt dài IR 50404.

Thực tế, từ cuối tháng 12-2018 đến cuối tháng 1-2019, giá lúa, gạo xuất khẩu của nước ta đã giảm. Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao bì tại mạn loại 5% tấm, giảm từ 8.250-9.050 đồng/kg xuống 7.450-7.850 đồng/kg, loại 10% tấm từ 8.250-8.950 đồng/kg xuống còn 7.450-7.550 đồng/kg, loại 25% tấm từ 7.850-8.650 đồng/kg xuống mức 7.100-7.450 đồng/kg… Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm so với Thái Lan và Ấn Độ. So với gạo Thái Lan, gạo Việt Nam đã giảm tương đương và thấp tại 2 phân khúc chính là gạo 5% tấm (370-380 USD/tấn), gạo 25% tấm (365-375 USD/tấn), thấp hơn bình quân 5USD/tấn.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nhận định: "Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành vào tháng 8-2018 đã thể hiện tư duy quản lý mới của Bộ Công thương theo hướng giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu lúa, gạo hàng hóa cho người nông dân. Các chủng loại gạo chất lượng, giá trị cao như gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được khuyến khích đầu tư sản xuất, xuất khẩu. Sau 4 tháng thực thi Nghị định 107 đã có thêm 20 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo của nước ta lên 160 thương nhân. Nhiều thương nhân mới tuy có quy mô không lớn nhưng chú trọng khai thác thị trường mới, thị trường ngách của sản phẩm gạo".

Tuy nhiên thị trường lúa gạo thế giới đang cho thấy những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ lúa gạo vẫn khá. Nhiều chuyên gia cho rằng, để "giữ giá" xuất khẩu gạo Việt ở mức cao, trước mắt, các thương nhân xuất khẩu cần tranh thủ cơ hội thị trường để tăng cường thu mua lúa đông xuân tích trữ. Bởi nguồn lúa gạo vụ đông xuân đang dồi dào, chất lượng tốt sẽ là lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Về lâu dài, Việt Nam phải tiếp tục tập trung nâng cao giá trị hạt gạo theo hướng bám sát 3 chính sách lớn về lúa gạo gồm: Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Để gạo Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng và lấn sân sang các thị trường cao cấp hơn, ông Nguyễn Như Cường, Quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh: Việc kiểm soát cơ cấu giống lúa trong từng vụ sản xuất rất quan trọng; vừa thích nghi cao với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của từng địa phương vừa phù hợp với thị trường và yêu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp. Để có cơ cấu giống ổn định, các địa phương, doanh nghiệp và nông dân phải phát triển mạnh mẽ các "Cánh đồng lớn" và vùng nguyên liệu tập trung. Một số giống lúa thơm như RVT, Nàng Hoa 9, lúa hạt tròn... cũng đã mở rộng diện tích trong vụ đông xuân. Đây là tín hiệu cho thấy cơ cấu giống lúa trong sản xuất ở ĐBSCL đã có nhiều thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu".

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
gạo xuất khẩu