29/03/2018 - 20:56

Để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư dây chuyền sản xuất, xuất khẩu gạo 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 31 doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực xuất khẩu gạo, trong đó có 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị hoạt động xuất khẩu gạo. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm 2018, thị trường xuất khẩu gạo sẽ tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đảm bảo được lượng hàng cho xuất khẩu. Dự kiến, xuất khẩu gạo tại khu vực ĐBSCL tăng cao thời gian tới...

Thu hoạch lúa tại cánh đồng lớn ở huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) được doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

TÍN HIỆU VUI

Hằng năm, trên địa bàn TP Cần Thơ có tổng diện tích sản xuất lúa trên 240.100 ha, với sản lượng thu hoạch đạt khoảng 1,4 triệu tấn. Trong đó, vụ mùa đông xuân sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Vụ đông xuân 2017-2018, thành phố xuống giống gần 84.000 ha. Đến này gần 100% diện tích này đã thu hoạch, với năng suất trên 7,3 tấn/ha, cao hơn 0,83 tấn so với cùng kỳ. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, sản lượng lúa vụ đông xuân này đã góp phần đáp ứng nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Năm 2017, thành phố xuất khẩu gần 800.000 tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 335,5 triệu USD. Riêng, 3 tháng đầu năm nay, toàn thành phố xuất khẩu gạo khoảng 179,2 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 73,6 triệu USD, tăng trên 51% so với cùng kỳ. Trong các tháng đầu năm, xuất khẩu gạo có xu hướng tăng, bởi ngoài thị trường truyền thống, một số nước không nhập gạo trước đây như Indonesia, Philippines bắt đầu nhập khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm 2018. Song song đó, một vài nước sản xuất lúa gạo trước đây có nguồn tồn kho lớn như Thái Lan trên 20 triệu tấn, kéo dài đến năm 2017 đã tiêu thụ hết; Ấn Độ sau nhiều năm liên tục dẫn đầu xuất khẩu gạo thì nay lượng tồn kho dự trữ đã giảm... Do đó đây là cơ hội của những nước sản xuất và xuất khẩu gạo như Việt Nam, trong đó có TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, để hạt gạo TP Cần Thơ cũng như khu vực ĐBSCL đứng vững trên thị trường cần đảm bảo các yếu tố sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất lúa sạch theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mô hình VietGAP, VnSAT... vào sản xuất. Song song đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải đạt tiêu chuẩn theo quy định từ khâu bao tiêu sản phẩm đến đầu tư trang thiết bị chế biến. Thành lập năm 2010, lúc đầu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (quận Thốt Nốt) có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất chưa được đầu tư nhiều, hoạt động kinh doanh chủ yếu cung ứng gạo nguyên liệu. Sau nhiều năm hoạt động, công ty đã đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến gạo với các máy xát trắng, máy lau bóng, máy tách màu... Sản phẩm tạo ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu ra nước ngoài, như: Hồng Công, Dubai, Mỹ... Năm 2015, công ty mở rộng quy mô, đầu tư thêm hệ thống nhà máy, kho chứa khoảng 54.000 tấn gạo; đồng thời, thực hiện chế biến gạo theo hệ thống khép kín từ khâu sấy lúa, xay xát – lau bóng đến khâu tách màu và đóng gói gạo... Sản phẩm tạo ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2016, Công ty chính thức được Bộ Công Thương Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang chế biến và cung cấp các loại gạo như: gạo Jasmine, gạo Nhật, gạo hạt dài và nếp... ra thị trường nước ngoài. Thời gian qua, công ty tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh tại thị trường trong nước, nước ngoài và tạo lợi nhuận cao cho nông dân trong vùng bao tiêu sản phẩm”.

DOANH NGHIỆP CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ 

Dự báo, từ nay đến cuối năm, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo sẽ tăng từ 15% đến 20% so với năm 2017. Tuy nhiên, Sở Công thương TP Cần Thơ khuyến khích doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu; gắn kết các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết xây dựng vùng sản xuất, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo ổn định chất lượng hàng hóa và đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu; hỗ trợ nông dân nắm bắt thông tin, sản xuất lúa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu... Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Cùng với cả nước, thị trường xuất khẩu gạo ở TP Cần Thơ đang phát triển và có dấu hiệu tăng trưởng tốt trong năm 2018. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đảm bảo quy trình sản xuất, chế biến, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tạo niềm tin và đà phát triển thời gian tới...”.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Các sở, ngành chức năng TP Cần Thơ cần quan tâm, nắm bắt nguyện vọng của doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động xuất khẩu gạo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ giám sát, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn,  hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố”.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2018 có xu hướng gia tăng, thị trường đang được mở rộng. Tuy nhiên, thời điểm này các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn đầu tư dây truyền sản xuất, cần sự hỗ trợ của ngân hàng trên địa bàn thành phố. Bà Huỳnh Thị Bích Huyền cho biết thêm: “Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu, chúng tôi đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín từ khâu xây dựng cánh đồng lớn, bao tiêu sản phẩm đến khâu đầu tư ghe, lò sấy, sà lan vận chuyển lúa đến nhà máy chế biến... Hoạt động này nhằm tránh bị động trong việc thiếu hoặc chậm trễ nguồn nguyên liệu cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, công ty cần sự hỗ trợ vốn của ngân hàng để tăng cường sản xuất, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất”.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là một trong những đơn vị xuất khẩu gạo với sản lượng lớn tại TP Cần Thơ cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, chế biến gạo. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: “Chúng tôi đều xây dựng và bao tiêu sản phẩm từ cánh đồng lớn ở khu vực ĐBSCL và TP Cần Thơ. Sản lượng gạo xuất khẩu chủ yếu từ vùng nguyên liệu này. Do đó, sản phẩm của doanh nghiệp tuân thủ quy định sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi rất mong ngành chức năng thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ có ý kiến để ngân hàng thương mại cổ phần thay đổi cơ chế cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng bao tiêu sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết