11/05/2008 - 22:22

Để doanh nghiệp cùng góp phần kiềm chế lạm phát

Doanh nghiệp (DN) làm gì để góp phần kiềm chế lạm phát? Đó là một trong những vấn đề nóng được đặt ra trong cuộc họp gần đây giữa lãnh đạo TPCT và các DN. Tại cuộc họp, nhiều DN trên địa bàn thành phố đã xác định rõ trách nhiệm, mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nêu ra nhiều vấn đề vướng mắc, đồng thời đã kiến nghị thành phố hỗ trợ về vốn vay, điện, cải cách thủ tục hành chính... để giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần cùng thành phố kiềm chế lạm phát…

* Doanh nghiệp “khát” vốn, thiếu điện

Một trong những khó khăn của DN hiện nay là thiếu vốn đầu tư sản xuất. Ông Trang Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Cần Thơ, trình bày: “Giá cả nguyên vật liệu trong và ngoài nước tăng cao, làm chi phí sản xuất của DN tăng ngoài kế hoạch. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng lại nâng lãi suất, “siết chặt” hạn mức cho vay... khiến các DN đã khó lại càng thêm khó. Do mới hoạt động từ cuối năm 2007, phải đối phó với tình trạng chi phí tăng, thiếu vốn đầu tư nên mọi kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN gần như bị đảo lộn. Nguy cơ lợi nhuận giảm, thậm chí có thể lỗ lã trong năm 2008 này của DN là rất cao”.

Giá cả đầu vào tăng, thiếu nguồn vốn xoay trở... khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khó khăn hơn. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp tư nhân Lê Kháng. 

Để có nguồn vốn xoay xở, không chỉ riêng Nhựa Cần Thơ, nhiều DN khác đành phải chấp nhận chịu mức lãi phạt do quá hạn từ vốn vay của ngân hàng. Theo nhiều DN, việc làm này làm gia tăng chi phí ngoài dự toán, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN. “Dù tăng chi phí nhưng vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn hơn không có nguồn vốn đủ mạnh để xoay xở trong bối cảnh hiện nay thì DN khó có thể tồn tại được”- ông Tài ngậm ngùi.

Cùng chung khó khăn về vốn, nhiều DN xuất, nhập khẩu kiến nghị, ngân hàng cần cho vay ngoại tệ để các DN đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong thời kỳ khó khăn này.

Ngoài vấn đề giá cả đầu vào tăng thì việc cắt giảm điện của ngành điện đang là một yếu tố góp phần làm tăng chi phí “bất khả kháng” đối với DN. Ông Nguyễn Thái Hùng, Giám đốc Công ty May Tây Đô, phản ánh: “Hoạt động sản xuất thì phải có điện liên tục, nhưng điện lực thông báo cúp điện 2-3 ngày/tuần làm chúng tôi khó ổn định sản xuất. Bởi, nếu làm việc vào buổi tối thì phải trả lương ngoài giờ cho công nhân đến 150%, tiền điện thì lại tăng gấp 3 lần... Nếu muốn duy trì sản xuất trong những ngày cúp điện, công ty phải sử dụng máy phát điện, làm tăng thêm chi phí đến 40-50 triệu đồng/ngày. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì DN khó mà kham nổi”.

Hậu quả của việc cúp điện làm hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ là nỗi “ám ảnh” của DN. Nhiều DN cho biết, nếu sản phẩm không giao đúng hạn, đúng tiến độ, vừa làm giảm lòng tin đối với các đối tác, vừa bị phạt hợp đồng, nhất là đối với các đối tác nước ngoài. Chính vì thế, nhiều DN kiến nghị, ngành điện cần ưu tiên cung cấp nguồn điện cho sản xuất, nhất là khu vực công nghiệp. Bởi đây cũng là một giải pháp góp phần hạ giá thành sản phẩm trong tình hình khó khăn như hiện nay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Điện lực Cần Thơ giải trình: Cũng như các DN, ngành điện hiện đang phải đối mặt với sức ép giá cả đầu vào tăng nhưng không được tăng giá bán điện. Trong năm 2008 này, ngành điện giao chỉ tiêu cho Điện lực Cần Thơ mức lãi phải đạt gần 90 tỉ đồng. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, ngành điện Cần Thơ đã lỗ hàng chục tỉ đồng. Vì thế, ngành điện hiện nay cũng hết sức khó khăn, cần được sự chia sẻ, thông cảm từ phía các DN và người dân.

* Thủ tục hành chính chưa thông thoáng

Thời gian qua, dù có những bước tiến đáng kể nhưng công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn gây phiền hà cho người dân, đặc biệt là DN.

Ông Trang Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, công ty chúng tôi xin chuyển đổi chủ sở hữu từ DN 100% vốn nước ngoài sang DN 100% vốn trong nước. Theo luật định, thời gian giải quyết chỉ trong vòng 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, sau 365 ngày, công ty chúng tôi mới nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Chưa hết, dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chúng tôi chưa dám triển khai nhà xưởng, máy móc thiết bị... vì vẫn chưa được ngành chức năng quy định giá tiền thuê đất”. Còn ông Lưu Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Nốp, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng than vãn: “Ngán ngại nhất là khâu xin thủ tục điều chỉnh vốn xây dựng cơ bản do trượt giá, nhất là các công trình thuộc vốn Nhà nước vì tốn thời gian rất lâu. Trong khi đó, nếu rút ngắn thời gian giải quyết nhanh công trình trước 1-2 tháng, DN có thể tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể. Dù nằm trong tầm tay chúng tôi, nhưng điều này lại khó thực hiện được”.

Nhiều DN còn phản ảnh: Sau một thời gian khá lâu gởi những hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN chỉ nhận được thư phúc đáp có nội dung: đã chuyển sang cơ quan hữu quan giải quyết. Chính sự chậm trễ này làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN và hạn chế việc thu hút đầu tư vào địa bàn thành phố (!).

* Chia sẻ khó khăn, cùng chống lạm phát

Giá cả hàng hóa tăng, lạm phát tăng cao tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang có khoảng 2.000 công nhân. Trong số này, gần 30% có mức thu nhập từ 1,2 – 2 triệu đồng/tháng. Bà Phạm Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: “Gần đây, do giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao, đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Dược Hậu Giang đã vận động toàn thể cán bộ công nhân viên chức thực hành tiết kiệm triệt để nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất. Đồng thời, công đoàn công ty đang có kế hoạch trích quỹ phúc lợi xã hội hỗ trợ từ 10 – 20 kg gạo cho những công nhân có mức thu nhập từ 1,2 – 2 triệu đồng/tháng để họ và gia đình vượt qua khó khăn trước mắt”. Trong tình hình lạm phát như hiện nay, bà Nga cho rằng: mỗi DN cần phải “thắt lưng buộc bụng” để cùng Nhà nước, nhân dân chia sẻ khó khăn. Điều này được thể hiện bằng việc ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động; giảm lợi nhuận DN, giảm tỷ lệ chia cổ tức, tăng cường các hoạt động xã hội...

Để cùng chính quyền địa phương chống lạm phát, bà Lê Thị Kim Thu, Giám đốc Công ty Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ, kiến nghị: “Phải xây dựng hệ thống kênh phân phối hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu đủ mạnh, thường xuyên kiểm tra kiểm soát thị trường, dự báo trước những biến động lớn về hàng hóa. Song song đó, cũng không nên áp đặt chỉ tiêu tăng trưởng đối với DN. Vì như thế sẽ tạo áp lực lớn cho giám đốc, chú ý nhiều đến chỉ tiêu tăng trưởng sẽ giảm hiệu quả kiềm chế lạm phát của DN”.

Còn theo bà Phạm Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang: Cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể trong việc vận động người dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nên phát động phong trào “Người địa phương dùng hàng địa phương sản xuất”, các DN tăng cường hoạt động xã hội, từ thiện...

Trong bối cảnh hiện nay, DN phải tự thân vận động để không ngừng gia tăng sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm... Ngược lại, Nhà nước cần lắng nghe, giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của DN; có cơ chế, chính sách hợp lý để kiểm tra, kiểm soát thị trường... Có như vậy, Nhà nước- DN mới có thể cùng kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả!

Bài, ảnh: Hà Triều

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
DOANH NGHIỆP CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG GÓP PHẦN CHỐNG LẠM  PHÁT,
ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Hiện nay, tình hình giá cả hàng hóa thị trường, tình hình lạm phát còn diễn biến rất phức tạp chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đến doanh nghiệp và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của thành phố. Trong bối cảnh này, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội.

Các địa phương, các ngành, các cấp cần quán triệt và triển khai đến toàn cán bộ công nhân viên chức, toàn thể doanh nghiệp và nhân dân về các biện pháp cấp bách kiềm chế lạm phát. Cụ thể là, thực hiện tốt Quyết định số 595/QĐ-UBND của UBND TPCT về việc ban hành những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các biện pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững năm 2008. Các ngân hàng trên địa bàn thành phố cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, kể cả những vướng mắc về việc cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ. Các ngành hữu quan cần làm tốt hơn nữa việc cải cách hành chính, sớm giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư vào thành phố.

Trong kiềm chế lạm phát, thành phố tiếp tục duy trì tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế, triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn giá, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giá thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đẩy mạnh sản xuất để thay thế hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo cân đối các mặt hàng chiến lược, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm dụng các biến động trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành tăng nguồn thu ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư cho các công trình bức xúc, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Bên cạnh đó, thành phố sẽ cắt giảm các công trình xây dựng đầu tư kéo dài, chiếm dụng vốn; cắt giảm đầu tư công và chi phí thường xuyên của các cơ quan sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước.

Hà Triều (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết