29/12/2014 - 08:44

XÂY DỰNG ĐẬP THỦY ĐIỆN TRÊN DÒNG CHÍNH SÔNG MÊ CÔNG:

Đe dọa sự phát triển vùng ĐBSCL

Nhiều đập thủy điện đã và đang được các quốc gia ở thượng nguồn xây dựng trên dòng chính của sông Mê Công đe dọa gây ra nhiều tác động tiêu cực cho hạ nguồn và làm suy giảm nghiêm trọng các nguồn lợi thủy sản. Các địa phương vùng ĐBSCL cần có tiếng nói chung và phải có những giải pháp nhằm thích ứng kịp thời.

Tác động của đập thủy điện

Thời gian qua, Trung Quốc đã triển khai kế hoạch xây dựng 8 đập-2 hồ của giai đoạn 1 trên dòng chính sông Lan Thương (Mê Công). Đến nay, có nhiều đập thủy điện được Trung Quốc đưa vào vận hành như: Thủy điện Manwan, Daichaoshan, xiaoWan, Nuozhadu, Jinghong. Các công trình thủy điện còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2017. Càng quan ngại hơn, gần đây các nước Lào và Campuchia cũng có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và có một số công trình được khởi công thực hiện. Bất chấp sự phản ứng của nhiều bên có liên quan, chính phủ Lào vẫn khởi công đập thủy điện Xayaburi vào tháng 11-2012 đã mở ra "tiền lệ" cho Lào có thể xây thêm nhiều đập thủy điện nữa.

Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, sau thủy điện Xayaburi, chính phủ Lào đang xúc tiến thực hiện công trình thủy điện Đôn Sa-hông. Đây là 1 trong 9 công trình thủy điện trên dòng chính của Lào và trên biên giới Lào-Thái Lan. Thủy điện Đôn Sa-hông được đưa vào quy hoạch phát triển thủy điện của Lào từ tháng 4-2004. Sau khi chuẩn bị các bước để đầu tư xây dựng công trình, tháng 9-2013 Lào đã thông báo với các nước ở hạ nguồn sông Mê Công và Ủy hội sông Mê Công quốc tế về đề xuất xây dựng công trình. Lào cho rằng, công trình này không chắn hết dòng chảy của sông Mê Công vì chỉ nằm trên một phân lưu của sông, chỉ ngăn dòng 1/17 nhánh sông và có công suất nhỏ (260MW) nên ít gây các tác động tiêu cực. Các nhánh sông khác được giữ nguyên để bảo đảm sự lưu thông tự nhiên của dòng chảy, di cư của cá và vận chuyển phù sa bùn cát xuống hạ lưu. Trong đó, có hai nhánh sông ở lân cận được lên phương án dùng để thay thế cho đường di cư của cá. Sử dụng lưới chắn ở đầu thủy điện Đôn Sa-hông để hướng cá lớn không vào tua-bin và sử dụng loại tua-bin thân thiện với cá…

Sản xuất lúa tại "Vựa lúa" ĐBSCL sẽ gặp nhiều khó khăn khi nguồn nước và lượng phù sa suy giảm.

Tuy nhiên, theo đánh giá bước đầu của các chuyên gia Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy hội sông Mê Công quốc tế, việc ngăn dòng chính sẽ chặn đường di cư của cá gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản của sông Mê Công. Ước có khoảng 80% lượng cá di cư phải đi ngang qua đây để lên thượng nguồn cư trú, sinh sản và quay ngược về hạ lưu và ảnh hưởng đến việc sinh sống của loài cá heo nước ngọt đặc hữu của sông Mê Công. Đồng thời, đe dọa, làm mất đi các sinh cảnh đẹp nơi đây và ảnh hưởng sinh kế của nhiều ngư dân, cũng như làm giảm lượng phù sa chảy về hạ lưu và giảm chất lượng nguồn nước. Bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh Văn Phòng, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, cho rằng: "Phía nước bạn Lào và chủ đầu tư dự án chưa đánh giá đầy đủ các tác động, nhất là tác động xuyên biên giới và còn thiếu các giải pháp thuyết phục trong thiết kế, thi công công trình nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực". Theo bà Phượng, các giải pháp sử dụng tua- bin thân thiện với cá để giúp cho phần lớn cá có thể sống sót khi qua tua- bin hay bắt và đưa các loại cá thả lên phía thượng nguồn và không sử dụng phương pháp nổ mìn phá đá khi thi công… là không thuyết phục và khó khả thi.

Cần kiến nghị kịp thời, kiên quyết

Nguồn lợi thủy sản của sông Mê Công nói chung và vùng hạ lưu ĐBSCL của nước ta nói riêng sẽ bị tác động tiêu cực khi thủy điện Đôn Sa-hông và hàng loạt các công trình thủy điện khác đã và đang dự kiến được xây dựng là điều khó tránh khỏi. Sinh kế của nhiều người dân sống dựa vào nghề khai thác thủy sản bị đe dọa. Ông Phan Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhấn mạnh: "ĐBSCL mà không có phù sa màu mỡ từ sông Mê Công đổ về thì "vựa lúa" này sẽ không còn và nước biển sẽ ngày càng lấn sâu vào ĐBSCL trong các mùa nắng khi nước trên dòng Mê Công bị ngăn lại, không chảy được về hạ lưu. Nhìn đơn lẻ vào đập thủy điện Đôn Sa-hông sẽ thấy tác động không lớn, nhưng nếu nhìn tổng thể vào hàng chục hồ, đập thủy điện đã và đang được xây dựng trên dòng chính, chúng ta không khỏi lo ngại cho ĐBSCL". Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang càng tỏ ra lo ngại khi cho rằng: "Số lượng các đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính sông Mê Công đang có xu hướng ngày càng tăng và tác động tiêu cực xuyên biên giới gây ra từ đập thủy điện đã bắt đầu hiện hữu".

Theo nhiều chuyên gia, thủy sản được ngư dân đánh bắt tại nhiều vùng hạ lưu sông Mê Công không chỉ giảm về số lượng và kích cỡ mà chủng loại cũng giảm và có nhiều loài thủy sản đặc hữu của dòng sông này dần biến mất. Ông Phan Thanh Lâm, Trưởng Phòng Nguồn lợi và khai thác thủy sản nội địa, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, cho biết: "Kết quả khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học từ năm 1985 tại lưu vực từ tỉnh An Giang đến biển Đông có 500 loài cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn các loài. Nhưng gần đây nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã khảo sát phát hiện chỉ còn khoảng 353 loài. Nhiều ngư dân cũng cho biết có 95 loài thủy sản đặc hữu của sông Mê Công hiện họ rất hiếm gặp". Đập thủy điện Đôn Sa-hông dù có công suất nhỏ nhưng sẽ gây ra nhiều tác động xuyên biên giới.

Tại Hội thảo tham vấn quốc gia về Công trình thủy điện Đôn Sa-hông của Lào trên dòng chính sông Mê Công, nhiều địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cần tập hợp đầy đủ thêm các thông tin và ý kiến để có kiến nghị kịp thời với Chính phủ Việt Nam và có ý kiến lên Ủy hội sông Mê Công quốc tế để có các tham vấn kịp thời với nước bạn Lào. Các chuyên gia khuyến cáo các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để chính quyền và người dân kịp thời có các phản ứng "đúng mức" trước những dự án xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Công. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, thủy điện Xayaburi dù nhiều người lên tiếng phản đối nhưng phía nước bạn Lào vẫn làm vì họ nghĩ có thể giúp nâng cao đời sống người dân, nay Lào tiếp tục làm thủy điện Đôn Sa-hông. Chúng ta cần phối hợp tốt với các bên liên để có các phản ứng thích hợp và quyết liệt để phía nước bạn xem xét thấu đáo lại dự án nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nước sử dụng chung sông Mê Công. "Dù muốn hay không cũng đã có nhiều đập thủy điện được xây dựng trên dòng Mê Công. Do vậy, chúng ta phải tính phương án làm sao cho người dân vùng ĐBSCL có thể "sống chung" với nó và có cách bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp, giảm thiệt hại"- ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nói.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết