27/09/2011 - 21:35

Để Đề án xã nông thôn mới sát với thực tiễn

Định hướng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất của người nông dân... là một trong những yêu cầu đặt ra đối với
Đề án xã NTM.

Xây dựng Đề án xã nông thôn mới (NTM) là một trong những công tác quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, nhiều xã trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Trong khi đó, thành phố phấn đấu hoàn chỉnh Đề án NTM của thành phố, huyện và xã trong năm 2011. Chính vì thế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phù hợp với yêu cầu, sát với thực tiễn, đưa ra những định hướng khả thi cao... là những yêu cầu cấp bách trong xây dựng Đề án xã NTM của thành phố.

* Còn khó khăn, lúng túng

Nhơn Nghĩa là xã điểm chỉ đạo xây dựng NTM của huyện Phong Điền và phấn đấu đạt xã NTM trong năm 2012. Qua kết quả rà soát sơ bộ, Nhơn Nghĩa đạt 11/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Thời gian qua, chủ trương xây dựng NTM luôn được Đảng ủy, UBND và các ban, ngành, đoàn thể xã quan tâm triển khai thực hiện. Đồng thời, Ban Quản lý xã NTM Nhơn Nghĩa đã có kế hoạch phân công cụ thể từng thành viên, nêu cao vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, vận động quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng góp phần thực hiện và đạt các tiêu chí xã NTM. Đến nay, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là tạo sự đồng thuận trong hệ thống đảng, chính quyền và nhân dân xây dựng NTM nhưng đến nay, Nhơn Nghĩa vẫn chưa hoàn thành công tác viết đề án xã NTM. Ông Lê Hoàng Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, cho biết: Đề án xã NTM đã được hướng dẫn rất nhiều trong các văn bản chỉ đạo về xây dựng NTM từ cấp Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các văn bản nêu trên chỉ là chung chung, địa phương rất khó áp dụng để tiến hành triển khai thực hiện. Điển hình như: trong xây dựng các công trình công cộng (nhà văn hóa, trạm y tế,...), xác định diện tích, nguồn vốn đầu tư..., Ban Quản lý xã NTM gặp rất nhiều khó khăn nếu không có sự trợ giúp về chuyên môn của các cơ quan hữu quan.

Ngoài các vấn đề trên, theo phần lớn các xã trên địa bàn TP Cần Thơ, Đề án NTM có ý nghĩa quan trọng như là bản quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đề án phải đánh giá đúng thực trạng; xác định đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, cân đối các nguồn lực đảm bảo cho việc xây dựng thí điểm mô hình NTM có căn cứ khoa học, thực tiễn và đạt hiệu quả cao. Ông Trần Hoàng Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: Tại Công văn số 1416/BNN-KTHT về việc hướng dẫn lập Đề án cho xã xây dựng thí điểm mô hình NTM Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn khá cụ thể các bước triển khai, đề cương chi tiết thực hiện. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, do hạn chế về nhiều mặt, nhất là khả năng tổng hợp nhiều địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc xác định, phân kỳ nguồn vốn đầu tư thực hiện 20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Ngoài ra, do viết đề án và lập công tác quy hoạch NTM được thực hiện song song với nhau nên nhiều địa phương chú trọng cho công tác lập quy hoạch; chưa chủ động liên hệ với các ngành hữu quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện... Việc chậm trễ trong ban hành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cụ thể của các ngành hữu quan khiến nhiều ban quản lý xã NTM gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện chủ trương xây dựng NTM; trong đó có công tác viết đề án xã NTM...

* Yêu cầu cấp bách

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM TP Cần Thơ, thành phố có 36 xã xây dựng NTM. Đến tháng 9 -2011 có 20/36 xã lập dự thảo đề án xây dựng xã NTM. Trong đó, huyện Cờ Đỏ có 7 xã (Trung Hưng, Đông Hiệp, Đông Thắng, Trung An, Thới Đông, Thạnh Phú, Thới Hưng), huyện Thới Lai 3 xã (Thới Thạnh, Trường Xuân, Đông Bình); Phong Điền 1 xã (Mỹ Khánh) và huyện Vĩnh Thạnh 9 xã (Vĩnh Trinh, Thạnh Thắng, Thạnh Tiến, Thạnh Lợi, Thạnh An, Thạnh Quới, Thạnh Mỹ, Thạnh Lộc, Vĩnh Bình). Tiến độ này nhìn chung khá chậm so với yêu cầu đề ra.

Theo Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM TP Cần Thơ, thành phố phấn đấu hoàn chỉnh đề án NTM của thành phố, huyện và xã trong năm 2011. Vì thế, ngay từ bây giờ, các xã phải chủ động, lập đề án xây dựng xã NTM đến năm 2015, trong đó có thể lựa chọn các nội dung thực hiện, xác định các giải pháp tổ chức thực hiện... Trong Đề án, các xã cần ưu tiên lựa chọn các nội dung bức thiết trên địa bàn, khả thi về vốn và các nội dung do dân thực hiện là chính. Việc lập Đề án xây dựng xã NTM phải hướng tới các tiêu chí quốc gia, thành phố về NTM; trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn xã và các nguồn lực bổ sung. Với tiêu chí đang có chương trình, dự án triển khai nhưng mức đạt còn thấp do nguồn lực hạn chế thì bổ sung để đẩy nhanh tiến độ; đối với tiêu chí chưa có chương trình, dự án thì lập dự án mới để triển khai.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh: Quán triệt tư tưởng xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng và chính quyền xã đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Người dân đóng vai trò là chủ thể trong quá trình xây dựng NTM. Vì vậy, các nội dung của Đề án và hoạt động cụ thể của từng mô hình thí điểm do người dân bàn bạc dân chủ, công khai và quyết định trên cơ sở các quy chuẩn của Nhà nước. Theo các ngành hữu quan, để Đề án xã NTM phù hợp với yêu cầu và sát thực tế, công tác điều tra, đánh giá thực trạng, các xã NTM cần thực hiện khách quan, không vì thành tích hoặc không vì sự yếu kém của địa phương cho vào hoặc bỏ ra các thông tin, số liệu đã thống kê, điều tra. Ngoài ra, Đề án xã NTM quan trọng nhất là phần “Nội dung xây dựng NTM”, giai đoạn thực hiện từ năm 2010 (hoặc 2011) đến năm hoàn thành. Yêu cầu của nội dung này, xã phải đề ra được nhiệm vụ, kế hoạch (về thời gian, về công việc), các giải pháp, biện pháp để thực hiện từng tiêu chí. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho rằng: Nếu đánh giá đúng thực trạng, phân tích những điểm mạnh, khó khăn... các xã mới có thể đưa ra những định hướng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất của người nông dân... Từ đó Đề án mới thật sự có ý nghĩa thực tiễn, việc thực hiện Đề án mới thật sự đúng theo yêu cầu mục đích: góp phần nâng cao đời sống của người dân, tạo sự đồng thuận, đóng góp của người dân trong XD NTM...

Bài, ảnh: THÀNH ĐẠT

Chia sẻ bài viết