04/02/2012 - 21:27

Để đàn "trâu sắt" ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

 

Thời bao cấp, ĐBSCL có hàng trăm ngàn con trâu, thế nhưng ngày nay toàn vùng còn khoảng vài ngàn con trâu, chủ yếu là trâu thịt, trong khi đó, trên đồng trâu sắt ngày càng có vai trò lớn... chung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:

Xu hướng cơ khí hóa nông nghiệp hiện nay đang tiến nhanh trên đường hiện đại hóa...

Tại ĐBSCL, trong các năm qua, từ khâu làm đất, cày bừa, trục, sạ lúa, thu hoạch lúa, kéo lúa về nhà... hầu hết nông dân đã áp dụng cơ giới hóa, có thể nói cơ giới hóa đã nhanh chóng được ứng dụng nhiều mặt trong sản xuất nông nghiệp của vùng. Từ máy cày, máy xới, máy trục, máy gặt đập liên hợp... đã thay hẳn vai trò của con trâu ở ĐBSCL. Con trâu sau hàng ngàn năm gắn bó với đồng ruộng Việt Nam hiện nay đã hết “vai trò lịch sử” của nó. Nếu trước đây, từ khâu cày, bừa, trục, kéo lúa, đạp lúa... con trâu đảm nhiệm hết, thì ngày nay máy móc đã thay trâu. Với ba mùa lúa trong năm, con trâu cũng không còn đồng cỏ để ăn, vì thế phần lớn trâu đã bị đưa vào lò mổ giết thịt. Ngay cả TP Cần Thơ theo thống kê hiện chỉ còn vài trăm con trâu. Trong khi đó con trâu sắt - từ ngữ chỉ máy móc nông nghiệp đang có vai trò lớn trong nông nghiệp vùng ĐBSCL.

* Thưa Tiến sĩ, khâu nào là khâu đột phá của con trâu sắt ở ĐBSCL?

- Hai khâu có tính đột phá trong cơ khí hóa nông nghiệp là khâu làm đất và khâu thu hoạch lúa. Về máy làm đất, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng vùng ĐBSCL hiện nay ước có hàng ngàn máy cày, máy xới, với khoảng 95% đất ruộng được làm bằng cơ giới hóa máy cày, xới trục. Có hơn 6.500 máy gặt đập liên hợp; máy cắt xếp dãy 3.500 máy, dự kiến cả vùng ĐBSCL máy gặt đập liên hợp và máy cắt xếp dãy đã đạt đến khoảng 50% khâu thu hoạch lúa. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2015-2017 đạt đến 70-80% việc thu hoạch lúa bằng máy móc.

Có thể nói sau khâu làm đất bằng cơ giới, khâu thu hoạch bằng cơ giới hiện nay là nét nổi bật. Quan trọng nhất trong việc đưa máy gặt đập xuống nền đất yếu như vùng ĐBSCL là một bước tiến lớn. Qua 6 lần hội thi về tính năng ưu việt của máy gặt đập liên hợp, các nhà thiết kế trong và ngoài nước đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu, chế tạo máy gặt đập sử dụng cho vùng ĐBSCL.

* Theo Tiến sĩ, hiện nay máy làm đất và gặt đập liên hợp trên đồng phần lớn từ nguồn sản xuất nào?

Máy gặt ở ĐBSCL.
Ảnh:  VĂN KIM KHANH 

- Phần lớn 2 loại máy này có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng Việt Nam hiện có 3 nguồn chính: Từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam... Trong đó máy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhiều nhất, giá khoảng 200-220 triệu đồng. Máy sản xuất tại Việt Nam giá cũng từ 200 đến 230 triệu đồng/máy. Máy sản xuất từ Nhật Bản giá cao gấp 2 lần máy sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên, tính năng vượt trội và bền với thời gian sử dụng thì máy gặt đập của Nhật Bản hơn hẳn máy Trung Quốc và Việt Nam. Về độ bền, máy làm đất và máy gặt đập liên hợp của Nhật có thể sử dụng được 5 năm, trong khi đó máy Việt Nam và Trung Quốc có thời gian sử dụng tối đa chỉ 2-3 năm. Riêng về máy làm đất và máy gặt đập liên hợp sản xuất tại Việt Nam chỉ trên danh nghĩa, thực tế từ máy móc, hộp số, di động... đều nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, máy nông nghiệp tuy gọi là máy sản xuất ở Việt Nam nhưng chủ yếu chúng ta chỉ đóng thùng, lắp ráp... Chính vì vậy, máy làm đất, máy gặt đập liên hợp sản xuất tại Việt Nam có sát hợp với đồng ruộng Việt Nam nhưng giá thành vẫn cao hơn máy nhập khẩu nguyên chiếc. Nguyên do là máy lắp ráp tại Việt Nam phải “cõng nhiều loại thuế” lên đến 20-30%, trong khi đó nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc thuế chỉ có 5%. Đây là một nghịch lý trong việc sản xuất và nhập khẩu của máy nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

* Theo Tiến sĩ, vì sao về máy nông nghiệp, chúng ta đã thua ngay trên sân nhà?

- Chỉ nói riêng ĐBSCL, mỗi năm chúng ta có đến 4 triệu ha lúa trong 3 vụ. Như vậy, máy cày, máy xới ta cần khoảng 10.000 máy. Máy gặt đập liên hợp cũng cần khoảng 10.000 máy mới tạm đủ về cơ khí hóa nông nghiệp trong vùng, chưa nói đến máy gieo hạt, máy bơm nước, máy sạ hàng, máy cấy, máy sấy lúa, máy phun thuốc trừ sâu... Với qui mô lớn của một vùng trọng điểm xuất khẩu gạo, đây là một thị trường mà nhiều nước muốn nhảy vào khai thác, cung ứng máy móc. Việc chiếm thị phần cung ứng máy móc phục vụ nông nghiệp cho vùng ĐBSCL là vấn đề nóng hiện nay và trong thời gian tới.

Chúng ta thua tại sân nhà có mấy nguyên nhân: Nước ta chưa quan tâm đầu tư sản xuất máy nông nghiệp một cách căn bản, bằng chứng cho thấy, chúng ta có nhiều nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, nhưng chưa có nhà máy nào sản xuất lắp ráp máy nông nghiệp có đầu tư lớn và định hướng phát triển phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Vươn lên đầu tư cho máy móc nông nghiệp là các xí nghiệp cơ khí, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số tư nhân tâm huyết với máy nông nghiệp cải tiến, lắp vá để có máy làm đất, máy gặt đập nhưng chủ yếu cải tiến về kỹ thuật, phần máy móc và các bộ phận chủ yếu vẫn nhập ngoại, còn phần cải tiến kỹ thuật lại không chuẩn nên rất khó áp dụng trên diện rộng. Vả lại, những cơ sở nhỏ này vốn yếu và không thể phát triển trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nội và hàng ngoại như hiện nay.

* Như vậy, theo Tiến sĩ, Nhà nước cần phải làm gì để thúc đẩy việc cơ khí hóa nông nghiệp?

- Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách phát triển và hỗ trợ ngành cơ khí nông nghiệp, từ đó đầu tư cho một vài doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại máy móc nông nghiệp phục vụ sát với nền nông nghiệp nước ta, có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp này về vốn tín dụng, về thuế, để doanh nghiệp đầu tư sản phẩm tốt, giá thành cạnh tranh, có như vậy, chúng ta mới có cơ sở cạnh tranh với máy móc nông nghiệp nước ngoài và không để thua trên sân nhà lĩnh vực này. Ngành thuế cần xem xét và sửa đổi chính sách thuế cho hợp lý giữa máy nhập và máy sản xuất lắp ráp trong nước. Về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc nông nghiệp hiện nay cũng cần sớm sửa đổi cho phù hợp, vì các tỉnh chỉ hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất từ Việt Nam, trong khi đó máy Việt Nam sản xuất chính hãng lại không có, chỉ có máy lắp ráp và máy nhập, vì vậy chủ trương, chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc nông nghiệp là tốt nhưng các chủ trương này chỉ nằm trên giấy vì khó thực hiện khi đi vào thực tế...

Chỉ có các biện pháp đồng bộ như trên cộng với việc giá máy nông nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh được với máy nhập khẩu, máy nông nghiệp Made in Viet Nam độ bền và nông dân có lãi cao trong đầu tư sản xuất nông nghiệp... thì việc cơ khí hóa nông nghiệp mới được đẩy mạnh và lĩnh vực này chúng ta mới có hy vọng không thua trên sân nhà như thời gian qua.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

VĂN KIM KHANH (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết