20/07/2009 - 20:16

Để đảm bảo cho nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận tối thiểu 30%

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2009, giá lúa đã nhích lên so với đầu vụ, nhưng nhu cầu trên thị trường chưa nhiều. Làm gì để đảm bảo cho người trồng lúa có lợi nhuận trên 30% và không để lúa hàng hóa ứ đọng là vấn đề đang được các địa phương ở ĐBSCL quan tâm...!

LỢI NHUẬN CHƯA VỮNG CHẮC

Hiện nay, nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu, giá lúa đến giữa tháng 7-2009 dao động ở mức 4.200-4.900 đồng/kg (tùy loại) và cao hơn đầu vụ khoảng 500 đồng/kg. Riêng lúa đông xuân 2008-2009, nguồn cung rất hạn chế và trên thực tế lượng lúa này chỉ tồn trong kho các doanh nghiệp (DN), còn lúa trong dân đã bán hết vào cuối vụ. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2009 đạt 3,65 triệu tấn, tăng hơn 59% về lượng so với cùng kỳ, nhưng giá xuất bình quân chỉ đạt 411,39USD/tấn (giá FOB), giảm 22% so với cùng kỳ năm 2008.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, VFA cùng các DN phải phối hợp chặt chẽ trong việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân và có mức giá sàn để đảm bảo nông dân lợi nhuận trên 30%. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thu mua lúa tại ruộng cho nông dân lại phụ thuộc rất nhiều vào giá xuất khẩu và mức cầu trên thị trường. Trong khi giá thành sản xuất của vụ hè thu cao hơn các vụ khác trong năm và áp lực sâu bệnh rất lớn. Ngành nông nghiệp tính toán, vụ lúa hè thu giá thành sản xuất dao động ở mức 2.600-3.000 đồng/kg, do đó nông dân phải bán lúa trên 4.000 đồng/kg trở lên mới có lời, nhưng còn tùy thuộc vào diện tích gieo trồng.

Qua khảo sát vụ lúa đông xuân 2008-2009 tại một số điểm trong thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã đưa ra kết luận: Chi phí sản xuất lúa thường 16-17 triệu đồng/ha và lúa chất lượng cao 17-19 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân rồi, nông dân trồng lúa bán với giá 28-32 triệu đồng/ha (lúa thường), còn lúa chất lượng cao 31-35 triệu đồng/ha. Như vậy, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân thu lợi nhuận được hơn 13 triệu đồng/ha đối với lúa thường và 14-16 triệu đồng/ha đối với lúa chất lượng cao. Tỷ lệ lợi nhuận mà nông dân thu được đạt 40-45% và khá cao so với vụ trước. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, với lợi nhuận này thì phần lớn nông dân vẫn chưa đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt, học hành cho con cái so với mặt bằng kinh tế hiện nay. Ông Toàn phân tích: Nếu trung bình 1 hộ có 4 nhân khẩu, canh tác 1ha đất, trong năm sản xuất 2 vụ lúa, lợi nhuận cao nhất khoảng 20-22 triệu đồng, thì bình quân mỗi nhân khẩu thu nhập ước tính chỉ 5 triệu đồng/năm, số tiền này chia cho tất cả các khoản tiêu dùng thiết yếu rõ ràng là quá nhỏ. Do vậy, để đảm bảo có thu nhập bình quân của năm 2008 (trên 1.000USD) thì diện tích đất canh tác phải trên 3ha. Theo Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, cần hỗ trợ cho người trồng lúa, vì thu nhập từ sản xuất lúa vẫn thấp so với canh tác các nông sản khác.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng: “ĐBSCL là vùng sản xuất lúa chủ lực của cả nước, nhưng nông dân trồng lúa là người nghèo và gặp khó khăn nhiều nhất. Nông dân sản xuất lúa gặp rủi ro do sâu bệnh, thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn và đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, mặt bằng về trình độ sản xuất chưa đồng đều, dẫn đến chênh lệch năng suất giữa các hộ sản xuất lúa còn khá cao. Sự gặp nhau giữa chính sách vĩ mô và vi mô còn nhiều bất cập, liên kết “4 nhà” chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi”. Thêm vào đó, tổng sức chứa của các kho dự trữ trong vùng chưa đáp ứng nhu cầu trữ hết lúa hàng hóa nông dân sản xuất ra. Hạn chế dự trữ làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo. DN khi có hợp đồng mới thu mua lúa, gạo trong dân nên việc bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Điều này làm hạn chế phẩm chất, giá trị hạt gạo Việt Nam khi tham gia thị trường xuất khẩu và cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực Long An.

CHỜ SỨC CẦU TĂNG CAO

Theo một số DN xuất khẩu gạo, hiện giá hợp đồng xuất khẩu gạo 5% ở mức 430 USD/tấn, gạo 25% tấm 380 USD/tấn, nhưng đầu ra chưa nhiều. Mặc dù, Chính phủ đã bỏ qui định số lượng xuất khẩu, nhưng mức cầu trên thị trường thế giới không cao. Philippines và một số nước châu Phi đã mở cửa nhập khẩu trở lại, nhưng chủ yếu mua bổ sung để tăng dự trữ và lượng mua không lớn như các tháng đầu năm. Trên thực tế, lúa hè thu phẩm chất hạt gạo không cao bằng vụ đông xuân và nếu bảo quản, dự trữ nông dân lại không đủ điều kiện. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã đạt 3,65 triệu tấn và lượng lúa còn tồn trong kho của DN cũng khá nhiều.

Các chuyên gia nhận định, giá lúa hiện đã nhích lên 500 đồng/kg so đầu vụ, xuất khẩu có thể đạt 6 triệu tấn năm 2009, nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, trữ lượng gạo dự trữ của Thái Lan rất lớn và nếu Thái Lan đẩy mạnh bán gạo dự trữ, khả năng gạo Việt Nam khó cạnh tranh. Song, cũng có ý kiến cho rằng giá vốn gạo dự trữ của Thái Lan đã vượt mức 700 USD/tấn và Việt Nam vẫn đang xuất gạo dưới mức 600 USD/tấn nên không lo ngại sự cạnh tranh đầu ra. Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện giá lúa IR 50404 khoảng 4.200 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.900 đồng/kg, với mức giá này nông dân cầm chắc có lời. Hơn nữa, dự báo tình hình xuất khẩu gạo năm nay sẽ khả quan so với năm trước”. Theo Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, trình độ canh tác của nông dân đã tiến bộ hơn, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%, nên sản lượng lúa cả năm của thành phố dự kiến đạt khoảng 1,1-1,2 triệu tấn. Trong khi đó, phần lớn các địa phương vùng ĐBSCL dự báo, sản lượng lúa tăng so với năm trước, như Long An, sản lượng cả năm ước đạt 2,06 triệu tấn lúa hàng hóa.

Ông Trần Phước Thuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, cho biết: “Cơ chế điều hành xuất khẩu gạo đã linh hoạt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu. Nhưng thị trường chưa sôi động như đầu năm, dù DN bắt đầu thu mua lúa trong dân”. Theo ông Thuấn, việc xem kinh doanh lương thực là nghề kinh doanh có điều kiện theo qui định của Chính phủ là cuộc sàng lọc DN yếu kém, không đủ điều kiện, đồng thời khuyến khích DN đi đúng hướng trong kinh doanh. DN phải có cơ sở vật chất, cùng tiềm lực tài chính, con người và đi vào chiều sâu, đầu tư công nghệ cho chế biến, DN không có chuẩn bị sẽ khó khăn. Tuy nhiên, DN muốn làm phải có nguồn vốn, nhưng đi vay theo cơ chế thông thường sẽ khó (vì đây là vốn cố định) nên cần hỗ trợ cho DN xây dựng kho trữ lúa, gạo.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL năm 2009 có thể đạt mức 20,7 triệu tấn và trừ số lượng gạo ăn, sản xuất, chế biến thức ăn vẫn còn dư khoảng 5,1 triệu tấn gạo. Như vậy, khả năng xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo trong tầm tay. Tuy nhiên, sức cầu trên thị trường vẫn chưa phục hồi mạnh và chủ yếu các nước nhập khẩu thời gian này phần lớn nhằm tăng dự trữ lương thực quốc gia...

Bài, ảnh: GIA BẢO

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết