30/09/2012 - 21:32

Để Cần Thơ trở thành trung tâm nghề cá của ĐBSCL

Vận chuyển cá tra nguyên liệu về nhà máy chế biến tại Công ty Cổ phẩn Thủy sản Mekong
(TP Cần Thơ).

ĐBSCL với tổng diện tích mặt nước trên 1 triệu ha và chiều dài bờ biển trên 700km là tiềm năng to lớn cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Những năm qua, ngành thủy sản ĐBSCL luôn phát triển nhanh cả về diện tích, mức độ thâm canh hóa, đa dạng đối tượng nuôi và mô hình nuôi, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Tuy nhiên, ngành thủy sản của vùng đang đứng trước nhiều thách thức do những thay đổi của điều kiện tự nhiên lẫn thị trường tiêu thụ. Để khai thác tốt thế mạnh về thủy sản của vùng, Bộ NN&PTNT xây dựng ý tưởng "quy hoạch TP Cần Thơ thành trung tâm nghề cá vùng ĐBSCL".

Những thách thức

Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản của ĐBSCL đạt trên 4,18 tỉ USD. Trong đó, 3 địa phương đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của vùng là Cà Mau (21,3%), Kiên Giang (14,89%) và Cần Thơ (11,83%). ĐBSCL là nơi hội tụ các thế mạnh cho ngành thủy sản phát triển, nhất là ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lũ lụt, biến đổi khí hậu đang gây khó khăn lên ngành nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn... Tình trạng mất cân đối trong sản xuất dẫn đến khủng hoảng thừa và thiếu nguyên liệu. Cơ sở hạ tầng và hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng yêu cầu nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Lĩnh vực chế biến thủy sản hầu như chỉ dừng lại ở mức sơ chế, xuất nguyên liệu thô. Hàm lượng chất xám và công nghệ trong các sản phẩm thủy sản còn thấp. Song song đó, các thị trường nhập khẩu ngày càng trở nên khó tính hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, ngành thủy sản được xem là một trong những ngành sản xuất chủ lực của quốc gia. Trong tương lai, ngành thủy sản của Việt Nam chuyển sang nuôi trồng và chế biến là chính chứ không tập trung hoàn toàn vào đánh bắt. Với định hướng này, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển ngành thủy sản. Để làm được điều này, yêu cầu tất yếu là phải hình thành một trung tâm nghề cá của vùng nhằm gắn kết các địa phương phát huy lợi thế của toàn vùng và tận dụng thế mạnh của từng địa phương. Theo đề xuất ban đầu của Bộ NN&PTNT, trung tâm nghề cá ĐBSCL sẽ được đặt tại TP Cần Thơ và Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị tư vấn xây dựng ý tưởng "quy hoạch TP Cần Thơ thành trung tâm nghề cá vùng ĐBSCL".

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, qua đánh giá một số tiêu chí cụ thể, kết quả cho thấy Cần Thơ và Kiên Giang là 2 địa phương có lợi thế về việc đóng vai trò tích cực trong sự phát triển nghề cá của vùng. Trong đó, Cần Thơ có lợi thế về các nhóm tiêu chí điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; sự thống nhất với các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển; nguồn nhân lực,.... Kiên Giang có lợi thế về khả năng thu hút các nguồn lực, tạo sức hút về thị trường, có thể đảm nhiệm vai trò phát triển kinh tế thủy sản gắn với an ninh, quốc phòng biển đảo. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Phương án xây dựng trung tâm thủy sản vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ, có thể dựa trên nền tảng lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động thương mại, công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, là trung tâm thông tin và quảng bá hiệu quả. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ còn có thêm lợi thế "mềm" về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), khẳng định: "DN kinh doanh không giới hạn ranh giới, mà là một chuỗi liên hoàn, có hệ thống. Cần Thơ sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy các địa phương khác. Mặc dù không có vùng nguyên liệu lớn, nhưng Cần Thơ có điều kiện để phát triển hơn so với các tỉnh khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ. Vì vậy, để ngành thủy sản ĐBSCL phát triển, bên cạnh việc mở rộng vùng nguyên liệu, chúng ta cần quan tâm đến vai trò trung tâm, phát huy lợi thế của TP Cần Thơ ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong việc giải quyết đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm thủy sản của vùng nói chung, đặc biệt là cho con cá tra".

Giữ vai trò hạt nhân

Theo các chuyên gia, cần có hướng tiếp cận ý tưởng xây dựng trung tâm nghề cá theo ý nghĩa cụm ngành, trong đó, Cần Thơ đóng vai trò là hạt nhân, tập trung phát triển hệ thống logistic, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành, phát triển nền kinh tế tri thức, công nghệ. Khi quy hoạch trung tâm nghề cá, các tỉnh sẽ là vệ tinh liên kết với trung tâm, phối hợp cùng hưởng lợi theo hướng tập trung vào những phân khúc sâu, phù hợp thế mạnh đặc thù của từng địa phương. Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Nếu trung tâm nghề cá vùng ĐBSCL được thành lập sẽ củng cố lại ngành cá tra, khắc phục tình trạng DN cạnh tranh mua nguyên liệu, ép giá nông dân hay chào hàng xuất khẩu dưới giá thành sản xuất. Vì vậy trung tâm nghề cá mang tính điều hành hoạt động là chính, chứ không đặt nặng vấn đề phải có kho bãi, vùng nguyên liệu sẽ gây áp lực cho TP Cần Thơ. Vấn đề quan trọng là trung tâm phải phát huy tốt vai trò động lực, hoạt động hiệu quả và thúc đẩy các tỉnh trong vùng cùng phát triển.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Ngành nông nghiệp thành phố xác định tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ nông nghiệp như cung cấp giống để phục vụ các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Nếu trở thành trung tâm nghề cá của vùng, Cần Thơ sẽ đóng vai trò chủ đạo để liên kết, hợp tác với các tỉnh, tổ chức sản xuất đưa ngành thủy sản vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ cùng phát triển. Vì vậy, trung tâm này phải đảm nhận được chức năng đầu tàu về nhiều lĩnh vực để làm động lực cho các vệ tinh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cho rằng: Việc hình thành các trung tâm nghề cá tại các vùng trọng điểm sẽ quyết định rất lớn đến sự phát triển thủy sản của Việt Nam trong tương lai. TP Cần Thơ được chọn làm địa điểm xây dựng trung tâm nghề cá vùng ĐBSCL, do đó, địa phương sẽ đảm nhiệm vai trò hạt nhân kết nối với các địa phương khác trong vùng để cung ứng dịch vụ, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển. Song song đó, thành phố cũng cần vạch ra lộ trình cụ thể, các hạng mục ưu tiên đầu tư để xây dựng và phát triển trung tâm nghề cá tại Cần Thơ. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế kết nối giữa TP Cần Thơ với các tỉnh trong vùng ĐBSCL nhằm phát huy tốt vai trò của trung tâm nghề cá và thúc đẩy ngành thủy sản của vùng phát triển.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Vận chuyển cá tra nguyên liệu về nhà máy chế biến tại Công ty Cổ phẩn Thủy sản Mekong (TP Cần Thơ).

Chia sẻ bài viết