27/05/2019 - 20:42

Dạy trẻ cách tự bảo vệ 

Trong chương trình tập huấn phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục mô hình Trường điển hình đổi mới ở bậc mầm non, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ tổ chức tại Trường Mầm non 2 Tháng 9 (quận Ninh Kiều) vào tháng 5-2019, có trò chuyện “Quy tắc 5 ngón tay” cho các bé lớp Lá, do cô La Thị Kiều Nương, giáo viên lớp Lá 2 phụ trách. Cô Nương dẫn dắt trẻ vào bài học nhẹ nhàng, xem 2 lần đoạn phim rất ngắn về “Quy tắc 5 ngón tay”, rồi dần khám phá ý nghĩa của các hành động, để các bé hiểu và có cư xử đúng mực, tự bảo vệ cơ thể, tránh bị người xấu xâm hại. Cô La Thị Kiều Nương đúc kết: “Các con không đi theo, không nhận quà bánh từ người lạ, không cho bất kỳ ai chạm vào cơ thể khi chưa được sự đồng ý của ba, mẹ, ông bà, cô giáo”.

Một bé phát biểu tại buổi trò chuyện về “Quy tắc 5 ngón tay” tại Trường Mầm non 2 Tháng 9.

Trong tháng 5 này, chúng tôi cũng được dự buổi truyền thông về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường cho nhiều học sinh khối lớp 6 và 8 Trường THCS An Khánh. Một trong số nội dung truyền thông được các em thảo luận sôi nổi  là “Làm gì để phòng chống xâm hại tình dục?”. Trần Minh Hậu, học sinh lớp 8A4, nói: “Chúng em muốn hiểu nhiều hơn về tâm sinh lý ở lứa tuổi mới lớn; cách tự bảo vệ bản thân, nên rất thích những buổi nói chuyện như vầy”. Theo Thiếu tá Doãn Lan Phương, Phó Đội trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, Công an TP Cần Thơ, có rất nhiều vụ xâm hại tình dục đau lòng xảy ra với trẻ em. Tính năm 2018, thành phố Cần Thơ có 30 vụ xâm hại trẻ ở lứa tuổi từ 13 đến 16 tuổi. Nếu trước đây, các vụ việc xảy ra ở trẻ độ tuổi trung bình từ 10 đến 16 tuổi, thì nay có cả trẻ ở 5 tuổi. Tội phạm gây hại cho trẻ là người thân quen (chiếm 93%), nên trẻ khó phòng ngừa. “Do vậy, các em phải trang bị cho mình 8 kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục và “Quy tắc 5 ngón tay”. Trong đó quan trọng nhất là phải báo ngay cho cha mẹ, người lớn khi nhận thấy có nguy hiểm”, chị Phương nói.

Có nhiều cách để giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả và các hoạt động tuyên truyền cho trẻ mầm non, phổ thông nêu trên là cách làm hay. Bởi vì đó không đơn thuần vừa chơi vừa học, mà còn giúp học sinh phát triển kỹ năng xã hội, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục với trẻ cần được tiến hành càng sớm càng tốt.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết