09/07/2011 - 20:47

"Dây Rạch Giá" và tiệm đóng đờn Sơn Ca ở Kiên Giang

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tây Đô trình diễn.

Nếu không có bản vọng cổ, thì sẽ không có dây đờn Rạch Giá, gọi tắt là “Dây Rạch Giá”. Đó là tên gọi một số cách so dây trên cây đàn guitare phím lõm người ta đặt ra: “dây Xề”, “dây Sài Gòn”, “dây Tứ nguyệt”, “dây Ngân Giang”... Xin ngược dòng lịch sử xem lại sự phát triển của bài vọng cổ từ bản Dạ cổ Hoài Lang, để tìm hiểu về “dây Rạch Giá”.

Đêm rằm (15) tháng 8 năm 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là phường 2, thị xã Bạc Liêu), ông Cao Văn Lầu đã công bố bản Dạ cổ Hoài lang trước đông đảo nhạc sĩ, nghệ nhân và những người mến mộ tài tử ở Bạc Liêu.

Không lâu sau bài Dạ cổ Hoài lang được đổi tên và tăng nhịp.

Việc đổi tên Dạ cổ Hoài Lang thành Vọng cổ hoài lang phải nói đến công lao góp ý của ông thầy Thống (tức Trần Xuân Thơ). Từ nhịp đôi nguyên thủy, ông Trần Xuân Thơ góp ý, ông Cao Văn Lầu tăng nhịp lên từ khoảng năm 1925. Từ năm 1926 đến 1935, ông Huỳnh Thủy Trung (Tư Chơi) viết lời ca vọng cổ nhịp tư đầu tiên là bài: “Tiếng nhạn kêu sương”, lời ca rằng: “Nhạn đành kêu sương nơi biển bắc (câu 1). Én cam khóc phận dưới trời nam (câu 2)”... Các soạn giả sân khấu cải lương đã sử dụng khá thành công bài vọng cổ nhịp tư trong các vở tuồng của mình.

Năm 1936 đến 1945, bài vọng cổ nhịp tư được tăng lên nhịp tám. Người đi đầu trong việc tăng nhịp này là ông Lưu Hoài Nghĩa, nổi danh với bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa”.

Năm 1946 đến 1954 bài vọng cổ nhịp tám tăng lên nhịp mười sáu. Người thành danh nhất trong bài vọng cổ nhịp 16 là Út Trà Ôn, ông đã đưa điệu nói thơ Vân Tiên, ngâm tao đàn và những câu hò vào trong bài vọng cổ “Tôn Tẩn giả điên” ở câu 11, 12 và câu 13.

Từ năm 1995, bản vọng cổ nhịp 32 được coi là tiêu chuẩn hiện nay, mặc dù cũng đã xuất hiện bản 64 hoặc 128 nhịp.

* * *

Năm 1930 đến năm 1935 bài vọng cổ nhịp tư hoàn thiện và thịnh hành được phổ biến rộng rãi, nhiều vở cải lương được các thầy tuồng đưa vào tuồng tích của mình. Nhiều nghệ sĩ đã nổi tiếng qua bài vọng cổ nhịp tư.

Thời gian đó, tại thị xã Rạch Giá có ông giáo Tiên, làm nghề dạy học lâu năm rất thích đờn ca hát xướng. Ông có cây đờn octavina (một loại đàn nhỏ, lên dây như cây măng-đô-lin, nhưng hình dáng của nó giống như cây đàn guitare). Ông giáo Tiên dùng cây octavina hòa tấu cùng mấy cây đàn cổ như tranh, bầu, kìm, cò... chơi nhạc vọng cổ.

Một buổi chiều kia, trên bến sông Kiên, trước đông đảo bạn bè nghệ nhân tài tử ở Rạch Giá, ông giáo Tiên đứng lên xin độc tấu bản vọng cổ nhịp tư bằng cây đờn sở trường của mình. Tiếng đờn vừa dứt, những tràng pháo tay tán thưởng rộ lên.

Khi cây đàn guitare từ Tây Ban Nha du nhập vào Việt Nam, không lâu sau được giũa phím thành cây đàn guitare phím lõm để chơi bản vọng cổ thì nhiều kiểu so dây cũng ra đời như: “dây Bạc Liêu”, “dây Long An”, “dây Sài Gòn”, “dây Ngân Giang” (Bảo Chánh), “dây Xề”, “day Lai”... hoặc gọi thẳng tên người cải biên ra cách so dây như: “dây Văn Vĩ”, “Văn Giỏi”, “Hoàng Thành”... Đặc biệt, có một kiểu so dây từ cây đàn octavina được đặt là “Dây Rạch Giá”.

Khoảng năm 1962, 1963, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở Tây Nam bộ, nhiều cuộc liên hoan văn nghệ ở cơ quan trong rừng sâu hoặc ngoài địa phương, người ta vẫn so dây đờn theo kiểu “dây Rạch Giá”. Ký ức tuổi trẻ của tôi nghe tiếng đàn ấy mùi mẫn thâm trầm. Mỗi chữ đờn nghe chơn chất, mộc mạc, dịu hiền như cô gái vùng biển mặn mà.

* * *

Thời gian trên, ở Rạch Giá có ông Sáu Oanh biết đờn ca tài tử, có tay nghề thợ mộc rất khéo. Sau khi nghiên cứu tìm tòi, ông bèn đóng thử cây đàn Tây Ban Cầm phím lõm. Cây đàn đầu tay đạt kết quả rất đáng mừng, tất nhiên cũng còn vài điểm chưa hài lòng. Bạn bè trong giới chơi tài tử lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, tấm tắc khen cây đàn vừa đóng của ông Sáu Oanh. Thế là ông Sáu chuyên đóng đàn guitare, bán cho giới ưa thích chơi tài tử. Không bao lâu sau, tiệm đóng đờn “Sơn Ca” tọa lạc ở cua quẹo Cây Cồng, gần cầu Quây (hồi đó chỗ cua quẹo có cây cồng rất to), nay là khu phố 2, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá đã thành danh. Tiệm đóng đờn “Sơn Ca” còn đóng cả đờn kìm (Nguyệt).

Ông Sáu Oanh là bạn chơi đờn ca tài tử lâu nay rất thân với ông Tám Luông (Dương Văn Luông). Biết cây đàn kìm của ông Tám Luông đang chơi là do ông tự làm lại bộ phím bằng gốc cây tre gai, vừa cứng, nhưng lâu ngày lại không lún. Bộ phím bằng gốc tre gai lên nước, chỉ đen ngời, bóng loáng rất đẹp. Ông Sáu Oanh liền bàn bạc với ông Tám Luông, thỏa thuận: Ông Sáu Oanh đóng xong cây đờn kìm thì ông Tám Luông tiện phím và gắn vào cần.

Cây đờn kìm được sản xuất ở tiệm “Sơn Ca” có điểm đặc biệt là mặt thùng trước toàn làm bằng gỗ ngô đồng, mặt thùng sau, vành và cần đờn toàn bằng cây trắc, trong thùng có gắn chuông, khi nhấn phím mạnh kêu reng reng.

Cả cây đờn kìm và cây đàn guitare của tiệm “Sơn Ca” lúc bấy giờ kêu cả thùng và kêu cả dây nên người chơi đờn rất thích đến mua ở tiệm này. Tiếng tăm của tiệm đờn “Sơn Ca” không chỉ nổi tiếng ở tỉnh Rạch Giá mà khắp Sài Gòn, lục tỉnh.

Trên cây đờn guitare phím lõm đã có rất nhiều nhạc sĩ biến hóa thành công nhiều kiểu lên dây, nhưng phải nói dây Rạch Giá là một thành công lớn của ông giáo Tiên và tiệm đóng đờn “Sơn Ca” của ông Sáu Oanh đã cung cấp nhạc cụ chơi tài tử cho giới mộ điệu cầm ca khắp Sài Gòn lục tỉnh lúc bấy giờ.

Buồn thay, hiện nay “dây Rạch Giá” dường như không còn dư âm trên đất Kiên Giang.

Bài, ảnh: MINH THƠ

Chia sẻ bài viết