14/01/2023 - 12:15

Đẩy mạnh số hóa tạo nền tảng các trường phát triển 

Bài, ảnh: B.Kiên

Tại hội nghị kiểm điểm tập thể lãnh đạo các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở TP Cần Thơ vào cuối năm 2022, hầu hết các trường đều nhấn mạnh vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh số hóa tất cả hoạt động, từ quản lý đến chuyên môn. Chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là công cụ, mà là nền tảng để các trường phát triển và hội nhập quốc tế.

Những nỗ lực chuyển đổi số

Giờ học của sinh viên Trường CNTT và Truyền thông, thuộc Trường ĐH Cần Thơ.

Giờ học của sinh viên Trường CNTT và Truyền thông, thuộc Trường ĐH Cần Thơ.

Thời gian qua, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa công tác quản lý, đào tạo. Đơn cử như Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã đầu tư các nguồn lực kể từ khi trở thành đơn vị trực thuộc UBND thành phố năm 2013 đến nay, nhằm đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng xây dựng hệ thống các quy trình quản lý đào tạo, quản lý sinh viên, hệ thống các biểu mẫu văn bản theo quy định Luật Giáo dục, các quy định về đảm bảo chất lượng, quản lý hành chính nhà nước. Ưu tiên ứng dụng CNTT và truyền thông vào công tác quản lý và điều hành các hoạt động. Trường đã đầu tư trang bị hệ thống thông tin với máy chủ, hệ thống mạng, máy tính và hệ thống phần mềm quản lý giáo dục, bao gồm phần mềm quản lý học vụ (Education), phần mềm quản lý nhân sự - tiền lương (HRM), phần mềm hành chính điện tử (EGOV) và cổng thông tin của trường. Các trang thông tin mỗi đơn vị trên cổng thông tin của trường phục vụ tốt cán bộ giảng viên, sinh viên, phụ huynh, nhà tuyển dụng…

Các trường CĐ ở Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh số hóa trong mọi hoạt động. Năm qua, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tăng cường chuyển đổi số với “Mô hình đào tạo KOSEN, 5S và ứng dụng công nghệ 4.0”. Trường đã cập nhật và thiết kế lại các nội dung thông tin tuyển sinh 2022 trực tuyến, đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động giáo dục nghề nghiệp qua các kênh, mạng xã hội dưới dạng chuyên trang, tờ bướm, bảng quảng cáo... để giới thiệu thông tin tuyển sinh rộng rãi và hấp dẫn hơn. Tinh giản hóa quy trình xác nhận hồ sơ xét tuyển và xử lý kết quả tuyển sinh năm 2022 trực tuyến, giúp thí sinh kịp đăng ký xét tuyển nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, mang lại hiệu quả tích cực. Tuyển sinh năm 2022 của trường đạt 100% đối với 20 ngành cao đẳng, 15 ngành trung cấp.

Trong khi đó, Trường CĐ Cần Thơ đã nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành; linh động chuyển đổi các hoạt động dạy học, tổ chức tuyển sinh và thi tuyển sinh phù hợp, thông qua ứng dụng CNTT. Năm 2022, nhà trường đã xây dựng quy định, đề án, kế hoạch và hội đồng tuyển sinh đúng quy chế; đăng ký chỉ tiêu và thực hiện tư vấn, thu nhận hồ sơ xét tuyển sinh năm học 2022-2023 đúng quy định, kịp thời và phù hợp với thực tế, nhất là tình hình dịch bệnh. Cụ thể, trường tuyển sinh 1.634/2.130 chỉ tiêu (các hệ đào tạo), đạt trên 76%. Theo TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo các khoa chuyên môn chuẩn bị tốt các công việc cần thiết phục vụ công tác đào tạo, trong đó có tổ chức triển khai công tác dạy và học trực tuyến kịp thời, phù hợp, đảm bảo công tác đào tạo đúng chương trình và kế hoạch năm học. Thực hiện xét tốt nghiệp và in văn bằng chứng chỉ đúng quy định của ngành, trong năm xét và công nhận tốt nghiệp cho 970 sinh viên, đạt 89,9%.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến CĐS như: Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về CĐS TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 241/KH-UBND của UBND thành phố ban hành về CĐS TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3978/QÐ-UBND về ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung TP Cần Thơ; Kế hoạch số 49/KH-UBND về CĐS năm 2022 trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo đó, thành phố đã có những chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy tiến độ CĐS liên quan đến lĩnh vực, ngành quản lý hiệu quả và thiết thực; hoàn thiện hạ tầng CNTT; xây dựng, nâng cấp các hệ thống dùng chung…

Hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ có 5 trường ĐH, 2 phân hiệu ĐH và hơn 10 trường CĐ; với quy mô hàng chục ngàn sinh viên. Phần lớn các trường đều có mở đào tạo ngành, chuyên ngành về lĩnh vực CNTT phục vụ nhu cầu CĐS của thành phố. Đây còn là nền tảng để các trường ĐH, CĐ phát triển, hội nhập. Theo GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, CĐS là một trong những công cụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Trường đầu tư mọi nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo, để xây dựng các mô hình CĐS cũng như xây dựng một số môn học ứng dụng CNTT, CĐS để chia sẻ, phục vụ cho các trường khác trong cả nước. Qua đó, còn tạo điều kiện cho Trường ĐH Cần Thơ thực hiện CĐS một cách toàn diện.

Theo Ths Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, trường đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động và đạt một số hiệu quả bước đầu. Sự đồng thuận, nỗ lực học tập kiến thức và kỹ năng để CÐS của cán bộ, giảng viên là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy công tác này tại trường. Hiện nay, gần như trường không còn sử dụng văn bản giấy (trừ hồ sơ lưu trữ theo quy định); việc quản lý hồ sơ của học sinh, sinh viên đã được số hóa song song với lưu trữ truyền thống. 

Trong hội nghị kiểm điểm tập thể lãnh đạo tại một số trường ĐH, CĐ ở Cần Thơ vào cuối năm 2022, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của CĐS ở các lĩnh lực, đặc biệt là giáo dục và đào tạo. Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng TP Cần Thơ sẽ là trung tâm của vùng về giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ… Ông Nguyễn Thực Hiện lưu ý bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, các trường phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, một trong những khâu đột phá, thúc đẩy CĐS thành công.

Chia sẻ bài viết