17/10/2010 - 20:25

Kiên Giang

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến

Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo thêm giá trị gia tăng, giải quyết việc làm cho người lao động, ngành công nghiệp chế biến của tỉnh trong những năm qua có bước phát triển. Thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến hàng nông-thủy sản với những sản phẩm chủ lực từ lúa, gạo, tôm, cá, mực...; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16-17%/năm.

 Phân loại cá tại Khu công nghiệp Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có trên 8.800 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, thu hút gần 40.000 lao động. Trong đó, với trên 4.000 cơ sở chế biến thủy sản lớn nhỏ, có 23 nhà máy đông lạnh công suất 118.674 tấn; 1 nhà máy cá hộp công suất 11 triệu lon/năm; 155 cơ sở chế biến nước mắm; 7 cơ sở sản xuất bột cá công suất 20.000 tấn bột thành phẩm/năm, hàng năm sản xuất được 28-32 ngàn tấn sản phẩm tươi, 15-20 ngàn tấn khô, 3,5-4 ngàn tấn cá hộp, 10-20 ngàn tấn bột cá, 40-42 triệu lít nước mắm... Toàn tỉnh có 720 cơ sở xay xát với tổng công suất 2,25 triệu tấn/năm; 1 nhà máy chế biến đường công suất 1.000 tấn mía/ngày...

Giai đoạn 2006-2009, giá trị công nghiệp chế biến tăng trưởng bình quân 11,73%, chiếm 22-26% trong giá trị sản xuất công nghiệp của Kiên Giang. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 230 triệu USD và ước đạt 520 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản chiếm 97%) đến năm 2010. Kết quả này, đưa Kiên Giang trở thành một trong những địa phương đứng đầu vùng ĐBSCL về công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông - thủy sản. Những thành tựu vừa nêu đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh vượt 1.000 USD/người/năm, giải quyết việc làm cho người lao động... Tuy nhiên, theo các ngành hữu quan, công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông thủy - sản của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn nguyên liệu của địa phương. Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng chậm; sản phẩm chủ yếu xuất ở dạng thô; nhiều sản phẩm làm ra giá thành còn cao, sức cạnh tranh thấp; hệ số sử dụng công suất chế biến thủy sản đông lạnh và chế biến khóm đạt thấp; các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chưa phát triển... Ngoài ra, công suất xay xát và chế biến gạo xuất khẩu chưa tương ứng với nguồn nguyên liệu của địa phương, công nghệ xay xát lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng, tỷ lệ hao hụt cao.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang thừa nhận: Những tồn tại nêu trên có nguyên nhân khách quan như thị trường tiêu thụ nông thủy sản thế giới biến động do khủng khoảng và suy thoái kinh tế. Kiên Giang có vị trí địa lý khá xa các trung tâm kinh tế, bến cảng, sân bay trong khi hạ tầng giao thông thấp kém làm tăng chi phí sản xuất và thời gian vận chuyển... Không chỉ vậy, công tác đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối nông, thủy sản của địa phương không đạt kế hoạch đề ra. Một số khó khăn của doanh nghiệp như vấn đề xử lý môi trường, nhà ở công nhân, đào tạo nghề cho người lao động... giải quyết chậm; vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu còn hạn chế...”.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến hàng nông-thủy sản với những sản phẩm chủ lực từ lúa, gạo, tôm, cá, mực... Phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến bình quân đạt 16-17%/năm; coi trọng thị trường trong nước, phát triển thị trường nước ngoài để đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD vào năm 2015. Với yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến theo hướng nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ, vượt qua các rào cản kỹ thuật, đứng vững ở thị trường nước ngoài.

Để thực hiện được mục tiêu, theo các ngành hữu quan, trước hết, Kiên Giang tập trung tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung để kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp chế biến; tiếp tục chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; xây dựng và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, chất lượng cao; thực hiện tốt hơn mối liên kết giữa sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, các ban ngành hữu quan của tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện hợp đồng bao tiêu lúa chất lượng cao. Chỉ đạo liên kết giữa người khai thác, người nuôi trồng thủy sản với doanh nghiệp chế biến để có nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng; sản phẩm làm ra có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng được các quy định của thị trường tiêu thụ trong hội nhập...

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết