21/01/2019 - 17:48

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, không để nảy sinh tình trạng tham nhũng 

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì đầu cầu TP Cần Thơ

(CTO)- Chiều 21-1-2019, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389/QG) đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của 2 Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ những thành tựu về kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018. Theo đó, an ninh chính trị được bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi và phát triển tốt, thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, tập trung triển khai đồng bộ, củng cố niềm tin trong nhân dân. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: công tác tham mưu còn bị động, chưa sát với thực tiễn, nhiều loại tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp; tội phạm sử dụng công nghệ cao còn phức tạp, tinh vi; hoạt động khai thác tài nguyên vẫn còn để xảy ra; tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, chưa xử lý tận gốc vụ việc...

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2018 đã điều tra, khám phá 43.826 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 87.769 đối tượng (cao hơn 1,9% so với năm 2017). Tập trung đánh mạnh, triệt phá 11.767 băng nhóm. Bắt, vận động đầu thú và thanh loại 4.881 đối tượng truy nã. Phát hiện 15.819 vụ phạm tội về kinh tế, ít hơn 7,81%; tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng hơn 104%, so với năm 2017 xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu dự án. Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường nổi lên là vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thuốc tân dược giả, phụ phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, sản xuất kinh doanh rượu giả…

Hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều phương thức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, gây thiệt hại trên diện rộng, nổi lên là tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để làm thẻ thanh toán dịch vụ… Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG, năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, giảm 10%; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 20.123 tỉ đồng; khởi tố 1.979 vụ, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những thiếu sót của lực lượng chức năng quản lý, các đơn vị chưa có sự phối hợp tốt, việc xử lý các vụ việc vi phạm chưa thật sự nghiêm khắc. Tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu còn ngang nhiên, lộng hành. Hàng giả hàng kém chất lượng, không nguồn gốc vẫn còn được bày bán công khai trên thị trường. Nguyên nhân là chưa huy động được sức mạnh tổng hợp, một số nơi, số ngành còn biểu hiện bao che...

Để ngăn chặn vấn đề trên,  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện nghiêm các quy định về thông tin, mở rộng xác minh, xác lập chuyên án đấu tranh các loại tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tăng cường tốt vai trò của nhân dân trong công tác chống tội phạm, chống gian buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả... Cận kề Tết Nguyên đán 2019, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đặc biệt lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, đặc biệt tại các khu vực cửa khẩu, biên giới nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tin, ảnh: Nam Hương

Chia sẻ bài viết