28/09/2017 - 23:45

Đầu tư nguồn lực cho năm học mới 

Đi đôi với công tác tuyển sinh, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở TP Cần Thơ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Năm học 2017-2018, Trường ĐHCT phấn đấu mở ít nhất 7 chương trình đào tạo chất lượng cao bậc ĐH. (Trong ảnh: Giờ thực hành trong phòng thí nghiệm của sinh viên ngành Công nghệ sinh học chương trình tiên tiến).

Hoàn thiện các nguồn lực

Kể từ khi nâng cấp thành Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ vào năm 2014, 3 năm qua, lãnh đạo nhà trường không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Năm học mới này, trường hoạt động trong “ngôi nhà mới” (diện tích 5ha) ở Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, tạo thuận lợi để giảng viên, học sinh sinh viên (HSSV) nâng cao chất lượng dạy và học.

Hiện nay, cơ sở mới của trường đã giải ngân trên 90% khối lượng công trình, hoàn thành 2 khối (Giảng đường- Y tế và Khối Hiệu bộ- Thư viện). Trong đó, khối Giảng đường- Y tế được đầu tư các trang thiết bị hoàn toàn mới, với hơn 60 phòng học đạt chuẩn, phục vụ cho các chuyên ngành du lịch, quản lý và kinh doanh khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống,…

Thạc sĩ  Phạm Việt Ngoan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tập trung xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về chuyên môn, vững về chính trị. Trường hiện có 50 cán bộ, giảng viên; trong đó có 10 thạc sĩ, 3 nghiên cứu sinh. Hầu hết giảng viên của trường được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành du lịch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quy mô đào tạo hơn 500 HSSV.

13 năm qua, kể từ khi nâng cấp lên CĐ, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ đã nỗ lực hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đi đôi với nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Hằng năm, trường lập kế hoạch đào tạo dài hạn với mục tiêu rõ ràng ở từng giai đoạn cụ thể. Cán bộ, giảng viên đăng ký thời gian, ngành nghề học, tránh bị động trong kế hoạch giảng dạy. Ban Giám hiệu trường tổ chức gặp gỡ, nắm bắt tâm tư tình cảm, những khó khăn, đề xuất của cán bộ, giảng viên để tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng dạy và học…

Nhờ vậy, đến nay, trường có 151 giảng viên cơ hữu, trong đó 90,7% giảng viên có trình độ sau ĐH (10 tiến sĩ và 30 nghiên cứu sinh). Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường tiếp tục hoàn thiện và phát triển bộ máy tổ chức, nhân lực mạnh cả về số lượng và chất lượng ngang tầm với nhiệm vụ của trường. Đồng thời, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức quản lý, giảng viên theo hướng phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho giảng viên; nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp cho viên chức quản lý các cấp”.

Các trường ĐH: Cần Thơ, Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ… đã và đang tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ công tác đào tạo. Trường ĐH Cần Thơ đã đưa vào sử dụng Trung tâm Phát triển kỹ năng sư phạm, ký túc xá sinh viên Hậu Giang; cải tạo, mở rộng, sửa chữa thường xuyên 145 hạng mục, công trình xây dựng… với kinh phí hơn 23,1 tỉ đồng…

Năm 2017, Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, đã triển khai gói thầu thiết bị 3,5 tỉ đồng; đang chuẩn bị tiếp nhận gói thầu khoảng 13,5 tỉ đồng (trong đó 2,5 tỉ đồng từ nguồn phát triển sự nghiệp của trường), nhằm hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ khối ngành kỹ thuật, công nghệ...

Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, đến nay, số giảng viên có trình độ sau ĐH chiếm trên 88%, đảm bảo đáp ứng quy mô trên 6.200 SV, học viên các bậc, hệ đào tạo”.

Cần tăng cường đầu tư

TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH công lập và ngoài công lập; chưa kể mạng lưới các trường CĐ, học viện, với quy mô hàng ngàn HSSV. Năm học 2017-2018, giáo dục ĐH ở Cần Thơ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 theo hướng tập trung đẩy mạnh tự chủ ĐH; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động…

Cụ thể, năm học này, ĐH Cần Thơ tiếp tục mở rộng quy mô, ngành nghề trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo; đồng thời bám sát với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trường phấn đấu mở ít nhất 7 chương trình đào tạo chất lượng cao bậc ĐH, 16 chương trình đào tạo chất lượng bậc sau ĐH và có ít nhất 3 chương trình đào tạo quốc tế hoặc chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, trường tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Năm 2018, trường đăng ký với Bộ GD&ĐT kiểm định chất lượng giáo dục cho các ngành đào tạo theo tiêu chuẩn mới.

Trong xu thế hội nhập, trường sẽ chọn một số ngành đào tạo để kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn AUN. Để đạt mục tiêu này, trường rất cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo, các sở, ngành thành phố. Hiện nay, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn chưa đáp ứng quy mô phát triển của trường.

Trường vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Việc giải phóng mặt bằng (giai đoạn 1) 5,7 ha trong tổng diện tích 17,69 ha ở cơ sở 2 vẫn chưa hoàn tất, chậm so với kế hoạch, chưa có khu sinh hoạt, giải trí văn- thể- mỹ và ký túc xá sinh viên…

Tại một số trường CĐ: Cần Thơ, Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, Nghề Du lịch Cần Thơ… đang gặp khó về tuyển sinh, thiếu kinh phí đầu tư nguồn lực. Cụ thể, theo lãnh đạo Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ, việc áp dụng Luật Giáo dục nghề nghiệp vào các trường CĐ nghề đang gặp khó. Trước đây các trường thuộc hệ thống GD&ĐT, thông tin tuyển sinh trực tiếp đến các trường THPT. Nhưng nay, trường phải tự đi tuyển sinh vì thông tin chưa đến với học sinh.

Ngoài nỗ lực của các trường, rất cần sự trợ lực từ lãnh đạo, các cấp các ngành từ trung ương và địa phương để các trường phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và nhu cầu dịch chuyển lao động trong khu vực.

Bài, ảnh: NG.NGÂN 

Chia sẻ bài viết