25/10/2017 - 22:22

Đầu tư lớn để phát triển du lịch vùng ĐBSCL 

ĐBSCL - vùng đồng bằng trù phú và có thế mạnh về cảnh quan sông nước tự nhiên phù hợp với phát triển du lịch. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến ĐBSCL tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển ngành du lịch của vùng chỉ dừng lại ở mức tiềm năng. Do đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư về hạ tầng giao thông, lưu trú, nhân lực... để du lịch vùng ĐBSCL phát triển. Đây cũng là chủ đề chính của Hội nghị Đầu tư thường niên (Mekonglnvest) lần thứ 5 vào ĐBSCL do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Câu lạc bộ các Trung tâm xúc tiến ĐBSCL (MekongPC) tổ chức tại TP Cần Thơ vào 25-10.

Nhà đầu tư tham khảo các dự án trưng bày trong khuôn khổ MekongInvest lần thứ 5 vào ĐBSCL.

 

ĐBSCL là điểm đến mới

Vùng ĐBSCL được Chính phủ quan tâm và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông. Đây được xem là trợ lực để “ngành công nghiệp không khói” của vùng phát triển. Đường bộ đến ĐBSCL ngày càng được cải thiện, thuận tiện kết nối, đưa du khách từ TP Hồ Chí Minh, miền Đông đến với miền Tây. Đường thủy được đầu tư tàu cao tốc chất lượng cao với các tuyến nối biển, đảo (Phú Quốc, Côn Đảo). Sân bay Cần Thơ và Phú Quốc được nâng cấp xây dựng hiện đại theo tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế, từ các đường bay kết nối đến Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan... tạo thuận lợi đưa du khách đến với vùng.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, cho rằng: Nếu như du khách đến miền Bắc để tìm hiểu về di tích lịch sử, đến miền Trung để tắm biển thì miền Tây phải thu hút khách từ thế mạnh du lịch sông nước. Hạ lưu sông Mekong hình thành châu thổ ĐBSCL với vùng sông nước, kinh rạch chằng chịt tạo nên vẻ thơ mộng, cảnh đồng quê đẹp… Không chỉ vậy, ĐBSCL có biển, đảo, thời tiết thuận lợi để khai thác du lịch quanh năm, nhất là người dân rất hiếu khách. Trong đó, miệt vườn sông nước là sản phẩm đặc biệt, mang tính khác biệt so với các vùng và khu vực khác trong cả nước...

MekongInvest 2017 là sự kiện kinh tế lớn trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đầu tư, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các tập đoàn kinh tế lớn về tư vấn đầu tư, dịch vụ bất động sản du lịch, logistics. Đặc biệt là các khách mời quốc tế đến từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức xúc tiến quốc tế cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các địa phương trong vùng giới thiệu, mời gọi 33 dự án thuộc nhóm bất động sản và du lịch với tổng vốn gần 7.800 tỉ đồng; 45 dự án khác liên quan đến các ngành nông, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logistics với tổng vốn dự kiến 150.000 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các hoạt động gặp gỡ, giao thương, tìm hiểu đầu tư giữa doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến địa phương; giữa doanh nghiệp trong, ngoài nước với doanh nghiệp ĐBSCL.

Theo ban tổ chức, qua 4 lần tổ chức, sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức thương mại, xúc tiến quốc tế, các doanh nghiệp trong vùng, nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL có thể phát triển theo nhiều hình thức. Điển hình như: du lịch tâm linh, khám phá di chỉ văn hóa Óc Eo; rừng ngập mặn, biển đảo (Cà Mau, Kiên Giang); chợ nổi và miệt vườn đô thị (TP Cần Thơ); vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An), cồn và cù lao với vườn cây ăn trái, những ngôi nhà cổ. Bên cạnh đó còn có những lễ hội độc đáo mang tính đặc thù, như: đua bò Bảy Núi, Lễ viếng Bà Chúa Xứ (An Giang), Ok Om Bok (Sóc Trăng), đua ghe ngo (Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang), đờn ca tài tử ở xứ sở của Công tử Bạc Liêu…. Cùng đó là những địa danh di tích lịch sử cách mạng đã tạo nên bức tranh sinh động phong phú cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tâm linh, tìm hiểu văn hóa di tích lịch sử, du lịch cộng đồng nông thôn, du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, thưởng thức ẩm thực với những món ăn ngon, phong phú, đặc thù của ĐBSCL, của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer sinh sống trên mảnh đất này.

Vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng với sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch ĐBSCL từng bước khởi sắc. Lượng khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc đến vùng ĐBSCL, đặc biệt TP Cần Thơ tăng trưởng nhanh. Nếu như trước đây khách du lịch đến Việt Nam chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Trung và phía Bắc thì nay, nhiều du khách từ châu Âu, Úc, Mỹ... chọn ĐBSCL là điểm dừng chân. Ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, cho biết: Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, các tỉnh ĐBSCL đã có những chỉ đạo và đầu tư phát triển du lịch. Mặc dù không phát triển đồng bộ, nhưng việc thực hiện đã thay thế cho cách làm du lịch tự phát trước đó và dần đưa du lịch ĐBSCL có những bước phát triển bài bản, căn cơ hơn.

Để du lịch ĐBSCL cất cánh

Mặc dù lượng du khách đến vùng ĐBSCL tăng hằng năm nhưng thiếu điều kiện dịch vụ phục vụ nhu cầu, thị hiếu  du khách nên khách lưu trú và doanh thu du lịch của vùng ĐBSCL thấp nhất nước (khoảng 4% so với cả nước). Các địa phương có  hướng phát triển du lịch nông thôn nhưng hạ tầng lưu trú cho du lịch vùng ĐBSCL còn quá ít dịch vụ homestay gắn với văn hóa và làng nghề, còn thiếu những trang trại làm du lịch. Các cơ sở lưu trú thiếu liên kết với nhau, hệ thống hỗ trợ du khách còn thiếu,… Các tỉnh, thành ĐBSCL thiếu những nhà hàng kinh doanh thực phẩm địa phương cao cấp, khác biệt. Vùng vẫn còn thiếu nguồn nhân lực làm du lịch có trình độ, kỹ năng tốt về nghiệp vụ, ngoại ngữ; việc đào tạo nghiệp vụ cho nhân sự chưa có tính đặc thù vùng, thiếu cán bộ có chuyên môn về phát triển sản phẩm nên các địa phương trong vùng thường sao chép mô hình của nhau.

Theo quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL được Chính phủ phê duyệt ngày 18-11-2016, đến năm 2020 vùng đón 34 triệu lượt khách; 3,5 triệu khách quốc tế, doanh thu đạt 25 ngàn tỉ đồng. Đến năm 2030, vùng đón 52 triệu lượt khách; 6,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 111 ngàn tỉ đồng. Đến năm 2020, ĐBSCL có 53 ngàn phòng, năm 2030 có 100 ngàn phòng khách sạn; trong đó tiêu chuẩn từ 3 -5 sao, chiếm 30%. Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 60 khách sạn từ 3 - 5 sao với hơn 8.000 phòng, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và TP Cần Thơ. So với quy hoạch, cơ sở lưu trú thiếu rất trầm trọng, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có 2 địa điểm là Vinpearl Phú Quốc và Nhà mát Bạc Liêu, còn thiếu các điểm dừng chân lớn (chỉ có 1 điểm dừng chân Mekong Tiền Giang Reststop), chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp có quy mô lớn và trung tâm mua sắm tầm cỡ thu hút khách du lịch.

Định hướng cho ngành du lịch phát triển, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, chỉ rõ: ĐBSCL là vùng du lịch nông nghiệp – nông thôn của quốc gia. Do đó, sản phẩm du lịch nên là nghỉ dưỡng ven sông, trên du thuyền; ở và tham gia sinh hoạt với gia đình nông dân; đặc biệt định hình trong du khách là đến ĐBSCL để được ăn món tươi, ngon, an toàn “chỉ có ở Mekong”. Thậm chí, ngay cả việc chọn gạo nấu cơm cũng cần phải chọn loại nào đặc trưng của vùng. Bởi, khi du lịch phát triển là bán được tài nguyên không thể đóng gói (trời, đất, nước và lòng hiếu khách), giúp nông dân thoát nghèo, giữ trí thức ở làng quê... Theo tính toán, trong 5 năm tới, mức độ chi tiêu của du khách đến ĐBSCL (đất liền) từ 900.000 đồng đến 1,7 triệu đồng/ngày. Trong đó, khoản chi nơi nghỉ chiếm 45%, ăn 35%, tham quan 10%, chi phí khác 10%. Điều này chứng minh rằng chỉ có giữ được khách nghỉ lại qua đêm ngành du lịch mới có doanh thu cao.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian vừa qua, vùng ĐBSCL tổ chức rất nhiều những hội thảo, hội nghị, xúc tiến để thu hút đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, TP Cần Thơ đang chú trọng đầu tư, xúc tiến kết nối từ đường hàng không, thu hút thêm nhiều du khách. Thành phố cũng đang chú trọng phát triển du lịch đường sông.

Theo quy hoạch, vùng ĐBSCL phát triển 5 khu du lịch quốc gia: Thới Sơn (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim - Láng Sen (Đồng Tháp, Long An ), Núi Sam (An Giang). Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL thời gian tới là rất lớn. Nhưng, muốn phát triển du lịch đồng bằng trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục có nguồn đầu tư lớn. Các nguồn đầu tư này phải  tập trung vào dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú đạt chuẩn để thu hút du khách. Điều này lại rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. 

Trong 8 năm qua, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hàng năm hơn 10% trên cả 3 tiêu chí: lượng khách, lưu trú và doanh thu du lịch, đặc biệt là hạ tầng phục vụ phát triển du lịch được đầu tư ngày càng tăng… Năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế; 8,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 900 ngàn khách quốc tế, doanh thu đạt 15 ngàn tỉ đồng. Hiện nay, tại một số địa phương như TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, đã có những cơ sở lưu trú lớn từ 4 đến 5 sao, với quy mô từ hơn 200 đến 400 phòng đủ khả năng đón khách và tổ chức các hội nghị, hội thảo lớn, phát triển du lịch MICE (Hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch) và các khu vui chơi giải trí lớn để phục vụ khách du lịch.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết