25/04/2012 - 14:35

TP CẦN THƠ

Đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp

Kết hợp chiến dịch thủy lợi mùa khô với làm đường giao thông nông thôn tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Năm 2012, ngành nông nghiệp thành phố xác định tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng chất các công trình thủy lợi nhằm tạo điều kiện tưới tiêu phục vụ thâm canh, tăng vụ, nhất là tập trung cho vùng lúa chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn, vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái. Để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, hiện nay, ngoài các công trình giao thông thủy lợi quy mô lớn do thành phố đầu tư, các địa phương cũng huy động mọi nguồn lực cho công tác thủy lợi mùa khô để đưa vào phục vụ sản xuất vụ hè thu và thu đông.

Ưu tiên các công trình thủy lợi

Diện tích sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ có xu hướng giảm dần nên thành phố ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh và hiện đại. Vì vậy, công tác thủy lợi mùa khô và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất hàng năm luôn được thành phố quan tâm đúng mức. Ông Bùi Quang Minh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản năm 2012 hạn hẹp, nhưng TP Cần Thơ luôn ưu tiên vốn đầu tư cho các công trình bức thiết phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Chi cục Thủy lợi thành phố được giao thực hiện 2 dự án thủy lợi trọng điểm, chuyển tiếp của năm 2011 sang là: Kè chống sạt lở sông Ô Môn và nạo vét kênh Thốt Nốt (từ sông Hậu đến Kênh Ranh)”.

Theo Chi cục Thủy lợi thành phố, công trình nạo vét kênh Thốt Nốt có tính chất quan trọng, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ vì đây là kênh trục thủy lợi chính dẫn nước từ Thốt Nốt qua Cờ Đỏ đến Kiên Giang và cũng là tuyến giao thông thủy quan trọng. Khi công trình hoàn thành sẽ góp phần phục vụ sản xuất cho 12.000 ha lúa, cây ăn trái, hoa màu; chủ động kiểm soát lũ cho khu vực, đảm bảo nguồn nước phục vụ nông nghiệp, tăng cường phù sa cho đất nông nghiệp và phục vụ giao thông thủy cho khu vực. Dự án này có tổng mức đầu tư 168 tỉ đồng, chiều dài 32 km, từ sông Hậu (cầu Thốt Nốt) đến Kênh Ranh (Cần Thơ-Kiên Giang), công trình khởi công vào tháng 12-2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2012.

Ngoài ra, cuối năm 2011, Trung ương phân bổ 30 tỉ đồng cho TP Cần Thơ để triển khai các công trình khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Ngoài phần kinh phí phân bổ cho từng quận, huyện cụ thể, Chi cục Thủy lợi được phân bổ 6 tỉ đồng triển khai 9 công trình nạo vét các kênh thủy lợi, nâng cấp bờ bao có quy mô tương đối lớn và liên quận, huyện để kịp đưa vào phục vụ sản xuất vụ hè thu và thu đông 2012. Các quận huyện cũng đang triển khai 20 công trình thủy lợi từ nguồn vốn ngân sách địa phương với khối lượng thực hiện 400.000m3, kinh phí khoảng 7 tỉ đồng để nhanh chóng đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Huy động nhiều nguồn lực

Theo ngành nông nghiệp và các địa phương, hiện nay, công tác đầu tư về thủy lợi phục vụ sản xuất mặc dù được quan tâm thực hiện hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do đặc điểm của vùng ĐBSCL, sau mùa lũ hàng năm, hệ thống sông và các kênh rạch bị bồi lắng, đê bao ngăn lũ chủ yếu là đê bao đất nên phải gia cố, tôn tạo, khai thông cống để dẫn nước tưới tiêu. Vì thế, việc nâng cấp, cải tạo hạ tầng thủy lợi phải được triển khai thường xuyên, liên tục, đảm bảo phục vụ sản xuất hiệu quả.

Thực hiện công tác thủy lợi mùa khô năm 2012, theo chỉ đạo của thành phố, việc đầu tư thủy lợi cần kết hợp với xây dựng nông thôn mới, giao thông thủy bộ, đồng thời phục vụ bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do lũ lụt hàng năm gây ra. Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cho biết: “Ngoài một số công trình giao thông thủy lợi được huyện đầu tư, xã đã tập trung vận động nhân dân đóng góp tiền, vật liệu xây dựng và ngày công lao động tôn tạo đê bao, bảo vệ vườn cây ăn trái, kết hợp làm đường giao thông nông thôn. Xã cũng chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng tham gia đóng góp ngày công lao động để tạo phong trào trong công tác vận động nhân dân thực hiện chiến dịch thủy lợi mùa khô 2012”.

Năm 2012, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã triển khai chiến dịch thủy lợi mùa khô gắn với việc nạo vét lại các kênh mương nội đồng bị bồi lắng, gia cố những bờ vùng, bờ thửa bị sạt lở, hệ thống công trình thủy lợi nội đồng bị xuống cấp, kết hợp làm bờ bao chống lũ và giao thông nội đồng, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích sản xuất hè thu, thu đông. Theo bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, năm 2012, huyện có chủ trương khép kín hệ thống đê bao, thay các cầu ván trên địa bàn bằng các cống đập, vừa đảm bảo nước tưới tiêu vừa chủ động ứng phó khi đến mùa mưa lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái kết hợp làm đường giao thông nông thôn.

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, đến trung tuần tháng 4, các quận, huyện đã ra quân thực hiện chiến dịch thủy lợi mùa khô với tổng khối lượng đào đắp trên 180.000m3, kinh phí hơn 4,8 tỉ đồng. Ông Bùi Quang Minh, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, các quận huyện đã thành lập ban chỉ đạo chiến dịch thủy lợi mùa khô, xây dựng kế hoạch cụ thể, tranh thủ triển khai sớm kế hoạch, không để chậm trễ, kéo dài đến mùa mưa. Tuy nhiên, vẫn còn một vài địa phương và bộ phận trong dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của công tác thủy lợi mùa khô, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào nhà nước đầu tư từ nguồn vốn xây dựng cơ bản để nạo vét kênh mương bằng cơ giới. Vì vậy, các quận, huyện cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia chiến dịch thủy lợi mùa khô, xem đây vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi để bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục đầu tư nguồn vốn cho các công trình thủy lợi trọng điểm, bức thiết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để từng bước hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Kết hợp chiến dịch thủy lợi mùa khô với làm đường giao thông nông thôn tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Chia sẻ bài viết