Bài, ảnh: HÀ VĂN
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ gặt hái được những thành tựu khả quan trong quá trình sản xuất. Trong đó, các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật, lai tạo con giống, phát triển mô hình liên kết sản xuất... được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cao. Đặc biệt, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thủy lợi, khai thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu... đã góp phần quan trọng đem lại hiệu quả sản xuất.
Công trình thủy lợi mùa khô được triển khai thực hiện ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Công tác ứng phó khô, hạn, xâm nhập mặn đang được ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ tập trung thực hiện. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Nhằm thực hiện đạt và vượt mục tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2023, Sở NN&PTNT thành phố xây dựng kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2023 trên địa bàn nhằm đưa ra giải pháp ứng phó khô hạn, thiếu nước sản xuất. Trong đó phát động phong trào toàn dân tham gia làm thủy lợi để nâng cao nhận thức, hình thành tập quán lâu dài, bền vững trong nhân dân về công tác thủy lợi và ý thức, tinh thần trách nhiệm về tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi sau mỗi năm phục vụ sản xuất; tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tưới tiêu nội đồng bị bồi lắng, ách tắc, sạt lở kết hợp với việc tu bổ hệ thống đê bao, bờ bao, nhằm đảm bảo chủ động trong công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn; xây dựng mô hình thủy lợi khép kín để chủ động tưới tiêu và phòng chống úng, hạn đối với sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố".
Ở quận Thốt Nốt, đến đầu tháng 4-2023 đã có 9/9 phường ra quân làm thủy lợi mùa khô, qua đó đã thực hiện nạo vét kênh thủy lợi nội đồng gồm 10 công trình, với tổng chiều dài 2.960m; khối lượng thực hiện 5.025m3, đạt 78% kế hoạch về khối lượng, phục vụ 126ha đất sản xuất nông nghiệp chất lượng. Kinh phí đầu tư thực hiện là 103 triệu đồng, do nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Văn Hải, ở phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, cho biết: "Gia đình tham gia trồng rau an toàn theo mô hình của ngành Nông nghiệp quận Thốt Nốt hướng dẫn. Hằng năm, gia đình tôi cũng như bà con tham gia mô hình đều đóng góp chi phí để nạo vét kênh mương thủy lợi, nhằm phục vụ tưới tiêu, sản xuất trong mùa khô hạn. Nhờ đó bà con trồng rau màu quanh năm và cho thu nhập ổn định đời sống".
Từ đầu năm đến nay, quậnThốt Nốt đã triển khai nạo vét, khai thông dòng chảy kênh Thác Lác, Mương Khai, thuộc phường Trung Nhứt (quận Thốt Nốt) với chiều dài 5,555km; khối lượng thực hiện 49.061m3; kinh phí đầu tư thực hiện gần 1,1 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Công trình hoàn thành phục vụ 190ha đất sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Ngoài ra, từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, quận Thốt Nốt còn chuẩn bị thi công nạo vét 5 công trình thủy lợi. Điển hình rạch Ngã Tắc, kênh Ấp Chiến Lược thuộc phường Thới Thuận đang được thẩm tra dự toán, thiết kế bản vẽ thi công; rạch Ông Chành, Trại Cưa, rạch Lung Ngữ thuộc phường Thuận Hưng và Tân Hưng; rạch Mương Trâu, Kim Sơn thuộc phường Trung Kiên đang được Phòng Quản lý Đô thị quận Thốt Nốt thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật. Kênh Mương Ranh Lò Rèn, Chín Mập thuộc phường Trung Nhứt, dài 2.334m, khối lượng thực hiện 13.531m3, kinh phí đầu tư thực hiện 313,073 triệu đồng, diện tích phục vụ 95ha đang hoàn chỉnh thủ tục chỉ định thầu thi công. Kênh Thủy Lợi, nhánh Mương Ranh, Mương Trâu thuộc phường Thạnh Hòa, dài 3.386m, khối lượng thực hiện 26.627m3, kinh phí đầu tư thi công 596,954 triệu đồng, diện tích phục vụ 170ha cũng đang hoàn chỉnh thủ tục chỉ định thầu thi công…
Ở Vĩnh Thạnh, công tác thủy lợi mùa khô cũng được 11/11 xã, thị trấn thực hiện nạo vét, gia cố lại một số tuyến kênh và một số mương máng tưới tiêu với khối lượng thực hiện 30.490m3, đạt 53,12% kế hoạch năm. Nhiều công trình thi công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng được địa phương xin chủ trương đầu tư nạo vét và sửa bờ lại các tuyến kênh kết hợp giao thông nông thôn trên địa bàn...
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, kế hoạch thực hiện các công trình thủy lợi mùa khô, nạo vét kênh rạch, khai thông dòng chảy được ngành Nông nghiệp thành phố triển khai thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9-2023. Cụ thể, dự kiến khối lượng, ngày công, kinh phí thực hiện kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2023 với tổng khối lượng nạo vét là 378.000m3; nâng cấp, gia cố đê bao với khối lượng khoảng 22.000m3; tổng ngày công thực hiện là 1.370 ngày; tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vốn do nhân dân đóng góp. Đến nay, kế hoạch này đã thực hiện đạt trên 50% tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Sử nhấn mạnh: "Để thực hiện thắng lợi kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ đảm bảo chất lượng và hiệu quả, Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Thủy lợi thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn được giao, sớm hoàn thành các công trình thủy lợi đưa vào khai thác sử dụng nhằm phục vụ chống hạn, tưới và tiêu nước chủ động góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất nông nghiệp được UBND thành phố giao; đồng thời phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện thủy lợi mùa khô theo đúng kế hoạch đề ra. Phòng Kinh tế, Phòng NN&PTNT các quận, huyện tăng cường tham mưu UBND quận, huyện về giải pháp, kỹ thuật cải tạo, nâng cấp, nạo vét các công trình theo kế hoạch; kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn trong việc triển khai thực hiện các công trình thủy lợi mùa khô; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể quận, huyện, phường, xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động mọi người, mọi nhà, các tổ chức, đoàn thể chung tay tham gia thực hiện kế hoạch, đảm bảo tiến độ, khối lượng thi công các công trình. Các địa phương, đơn vị trực thuộc sở phải quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2023, với mục tiêu góp phần xây dựng hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao hiệu quả trong thời gian tới…".
|
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô hạn năm 2023 tại TP Cần Thơ cũng như cả vùng ĐBSCL đã và đang diễn ra, nguồn nước ở thượng nguồn đổ về đồng bằng phụ thuộc nhiều vào sự tác động của dòng chảy, việc sử dụng nước thượng nguồn cho hoạt động kinh tế, thủy điện, chia sẻ nguồn nước... của các quốc gia thượng nguồn. Nước thượng nguồn về ĐBSCL có chuyển biến bất lợi do ảnh hưởng của El Niño, nắng nóng, mưa đến muộn, dòng chảy lại phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực, khô hạn, mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời gian nào (do vận hành thủy điện gây ra). Do đó, giải pháp ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn rất cần thực hiện tại các địa phương vùng ĐBSCL. |
|