22/11/2024 - 10:06

Hiệu quả thiết thực từ bản tin thời tiết nông vụ 

Thời gian qua, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) cùng các địa phương, đơn vị có liên quan để thực hiện bản tin thời tiết nông vụ (TTNV) nhằm giúp nông dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Các bản tin TTNV đã góp phần tích cực vào việc giúp nông dân tại vùng ĐBSCL nâng cao hiệu quả sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết, thiên tai và dịch hại gây ra.

Hiệu quả

Từ năm 2020, Cục Trồng trọt đã phối hợp với CIAT cùng các đơn vị có liên quan để triển khai thí điểm xây dựng Bản tin TTNV tại 7 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và Trà Vinh. Đến năm 2023, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 1033/QĐ-BNN-TT giao Cục Trồng trọt thực hiện nhiệm vụ xây dựng bản tin TTNV tại các tỉnh ĐBSCL phục vụ quản lý nhà nước về sản xuất trồng trọt và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đó bản tin TTNV đã được nhân rộng thực hiện tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Thời gian qua, nhiều nông dân ở TP Cần Thơ áp dụng bản tin TTNV phục vụ cho sản xuất lúa và một số hộ mở rộng áp dụng cho cây ăn trái và rau màu. Trong ảnh: Cây nhãn được trồng tại huyện Cờ Đỏ.

Theo Cục Trồng trọt, tính đến tháng 10-2024, bản tin TTNV đã được triển khai ở 71 huyện, với 714 xã của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Vào thời điểm vụ hè thu 2021, vùng ĐBSCL chỉ có 20 nhóm zalo, với 2.000 thành viên tham gia và được trực tiếp nhận bản tin TTNV. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã có tổng số nhóm zalo và số thành viên trực tiếp nhận bản tin TTNV là 1.016 nhóm, với 55.774 thành viên và có khoảng 278.870 người được tiếp cận thông qua các hoạt động truyền thông, kết nối và chia sẻ thông tin. 

Ông Nguyễn Văn Cư ở khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua tôi được tiếp nhận các bản tin TTNV do ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cung cấp. Qua các bản tin TTNV, đặc biệt là bản tin định kỳ 10 ngày đã giúp nông dân kịp thời nắm bắt các diễn biến mưa lũ, triều cường và sâu bệnh để chủ động trong gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại nông sản để tránh thiệt hại và nâng cao được hiệu quả sản xuất". Theo ông Trần Văn Tư, ở ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, những năm gần đây tình hình thời tiết và nhiều loại sâu bệnh diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy, các bản tin TTNV đã hỗ trợ rất nhiều cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, giúp bà con chủ động ứng phó với các diễn biến thời tiết và sâu bệnh để chăm sóc, bảo vệ tốt các loại cây trồng.

Cải tiến, nhân rộng bản tin TTNV

Nhằm thúc đẩy việc cải tiến, nhân rộng và phát triển bản tin TTNV tại vùng ĐBSCL, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với CIAT và các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo "Sơ kết kết quả thực hiện bản tin TTNV năm 2024 vùng ĐBSCL". Theo nhiều đại biểu dự hội thảo, tới đây các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để giúp nhiều người dân được biết đến bản tin TTNV và được tiếp cận với bản tin TTNV để phục vụ cho hoạt động sản xuất tại nông hộ và tại địa phương. Đồng thời, ngành chức năng, nhất là các cơ quan chức năng tại các địa phương cần tiếp tục huy động tốt các nguồn lực để thực hiện duy trì, cải tiến bản tin TTNV nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết đến người dân. Tạo điều kiện để nông dân trong nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được tiếp cận và sử dụng bản tin.

Thống kê của Cục Trồng trọt cùng ngành Nông nghiệp tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL cho thấy, số lượng nông dân được tiếp cận bản tin TTNV đã tăng rất nhiều so với khi mới triển khai, nhưng nhìn chung tỷ lệ hộ nông dân được tiếp cận bản tin vẫn còn hạn chế so với tổng số hộ nông dân tại từng địa phương và của toàn vùng. Bên cạnh đó, đa số nông dân tại các địa phương mới chủ yếu sử dụng bản tin TTNV cho các hoạt động trồng trọt như trồng lúa, rau màu và cây ăn trái. Một số địa phương áp dụng bản tin TTNV vào hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. 

Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Chuyên viên Cục Trồng trọt, hiện vùng ĐBSCL có khoảng 1,8 triệu hộ nông dân nhưng mới có khoảng 15,5% số hộ dân được tiếp cận bản tin qua các hình thức khác nhau. Tỷ lệ hộ dân được tiếp cận bản tin TTNV còn ít, tới đây cần cố gắng thực hiện các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng để nhiều hộ dân biết và tiếp cận được bản tin TTNV. Theo bà Nguyễn Mai Hương, công tác tại CIAT, để bản tin TTNV hấp dẫn và được thuận lợi trong phổ biến đến nhiều hộ nông dân, các cơ quan chức năng cần quan tâm cải tiến bản tin. Chú ý tập trung vào cải tiến bản tin ở biểu mẫu bản tin và nội dung bản tin. Thiết kế bản tin bắt mắt với nhiều hình ảnh hơn, cấu trúc và định dạng văn bản cần được cố định tránh lỗi định dạng và hình thức kém hấp dẫn. Không nên đưa quá nhiều hoặc quá ít thông tin, thông tin khí hậu cần được điều chỉnh, chọn lọc, giảm bớt từ chuyên môn bằng việc sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu..

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ĐBSCL đang tập trung thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Bản tin TTNV được kỳ vọng sẽ tham gia vào phần cảnh báo, khuyến cáo trong Đề án. Tới đây, cần cải tiến bản tin để hấp dẫn, chính thống, xác thực hơn và ngành Nông nghiệp có rất nhiều lợi thế để thực hiện việc này bởi có lực lượng chuyên môn phủ khắp đến cơ sở và có các nguồn cơ sở dữ liệu. Cần chú ý cải tiến bản tin theo hướng ít chữ, nhiều hình và có nhiều thông tin. Từng địa phương cần nghiên cứu các tập quán và điều kiện thực tế tại địa phương để có cách thực hiện, phổ biến bản tin TTNV phù hợp và hấp dẫn...

Chia sẻ, học hỏi về xây dựng và phổ biến thông tin dịch vụ khí hậu trong nông nghiệp

(CT) - Ngày 21-11-2024, tại tỉnh Sóc Trăng, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tổ chức tọa đàm chia sẻ và học hỏi về xây dựng và phổ biến thông tin dịch vụ khí hậu trong nông nghiệp tại Việt Nam. Đại diện đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL cùng tham dự.

Bản tin TTNV do Cục Trồng trọt và CIAT khởi xướng và thí điểm từ năm 2020, sản xuất dựa trên các dự báo thời tiết, hạn mùa… được cảnh báo trong tháng hoặc 10 ngày. Thông qua thông tin được cung cấp từ các bản tin, nông dân kịp thời điều chỉnh hoạt động gieo trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch sản phẩm một cách phù hợp, kịp thời, tránh những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, sâu bệnh và ảnh hưởng của hạn mặn, biến đổi khí hậu...

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được giới thiệu và tiếp cận Bản tin TTNV, Bản tin TTNV cải tiến và số hóa và cơ hội về dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam; chia sẻ kiến thức, học hỏi, kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ khí hậu trong việc phát triển và cung cấp thông tin khí hậu nông nghiệp cho nông dân sản xuất trong vùng ĐBSCL và ở Việt Nam… Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Tọa đàm góp phần tăng cường chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà cung cấp dịch vụ khí hậu trong việc phát triển và cung cấp dịch vụ khí hậu cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL; thúc đẩy hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ khí hậu về chia sẻ dữ liệu, số hóa và mở rộng dịch vụ khí hậu trên cả nước thời gian tới…

HÀ VĂN

 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết