15/12/2014 - 21:51

Đầu tư căn cơ để nâng cao giá trị lúa gạo

Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2014 diễn ra tại TP Cần Thơ thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điểm nhấn của hội chợ lần này là sự góp mặt của những thương hiệu nổi tiếng về máy móc nông ngư cơ, công nghiệp phụ trợ của Kubota, Yanmar, Veam, Bùi Văn Ngọ, Buhler, New Hollan, Giang Lan, Suzuki, Hitachi… Những sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghệ mới là tiền đề quan trọng để cải tiến công nghệ sản xuất, chế biến nông sản, tạo ra giá trị gia tăng cao phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp.

Khó ở khâu sau thu hoạch

 Hệ thống kho chứa lúa được trang bị tốt cùng công nghệ chế biến hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng lúa gạo, kéo dài thời gian tiêu thụ. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực Sông Hậu, TP Cần Thơ.

ĐBSCL với 3,8 triệu ha diện tích gieo trồng lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp đến 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, tài nguyên đất đang bị thoái hóa, tài nguyên nước đang bị giới hạn, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị xói mòn là những thách thức lớn với nền nông nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người nông dân. Bên cạnh những tác động làm mất tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến quá trình canh tác lúa của nông dân, những hạn chế từ khâu thu hoạch đến khâu sau thu hoạch cũng là những vấn đề gây nên nhiều băn khoăn, trăn trở. Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho biết: “Khả năng đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất lúa vùng ĐBSCL ngày càng tăng. Trong đó, khâu làm đất cơ giới hóa từ 90-95%, bơm nước từ 90-95%, gieo sạ bán cơ giới 70-75%, thu hoạch 60-65%, sấy 47%, bảo quản đúng kỹ thuật 15-20% và xay xát từ 95-100%. Tuy nhiên, tổn thất trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn và tập trung nhiều nhất ở khâu sau thu hoạch với tỷ lệ tổn thất khoảng 13,7% và giá trị tổn thất ước tính khoảng 635 triệu USD/năm”.

Phơi sấy và bảo quản hiện là 2 khâu yếu nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lúa gạo của Việt Nam. Ở khâu làm khô lúa, phơi nắng truyền thống chiếm 53%, tỷ lệ sấy chiếm 47% song công nghệ sấy còn lạc hậu nên tốn hao nhiên liệu và chất lượng không đồng đều. Việc bảo quản lúa gạo bằng hệ thống kho chứa nhằm tạo môi trường thích hợp để giảm hô hấp của hạt, tránh mất mát do chuột bọ, côn trùng, nấm mốc…. Ngoài chức năng đảm bảo an ninh lương thực, giữ giống cho vụ kế tiếp, hệ thống kho chứa được trang bị tốt sẽ giúp kéo dài thời gian tiêu thụ, mở rộng thị trường, chờ giá cao để bán. Hiện tổng công suất bảo quản lúa gạo ở ĐBSCL khoảng 3,5 triệu tấn, song kỹ thuật bảo quản chỉ ở mức trung bình, khả năng đầu tư hệ thống kho chứa hiện đại của doanh nghiệp còn hạn chế. Việc tồn trữ lúa trong nhà kho theo kiểu truyền thống có chi phí đầu tư ban đầu thấp nhưng chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài khiến hạt lúa dễ bị hút ẩm trở lại. Tổn thất trong kho cao do khó kiểm soát môi trường tồn trữ, ảnh hưởng bởi nấm mốc, côn trùng, sâu bọ. Đặc biệt, thời gian lưu trữ chỉ kéo dài được từ 3-6 tháng khiến doanh nghiệp khó chủ động về giá khi xuất khẩu.

Đầu tư theo chiều sâu

Về lâu dài, sản phẩm gạo của Việt Nam phải từng bước nâng cao chất lượng và xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới. Muốn làm được điều này, đòi hỏi phải tạo ra những sản phẩm đồng nhất về chất lượng, có giá trị gia tăng cao, có khả năng chinh phục những thị trường khó tính. Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung cần phải căn cứ theo yêu cầu thị trường để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh mang tính đặc thù của vùng với chất lượng cao, khối lượng lớn và giá cạnh tranh. Đầu tư phát triển kinh tế ĐBSCL một cách bền vững cần tư duy đổi mới theo hướng công nghiệp hóa trong chuỗi giá trị sản xuất từng loại nông sản hoặc thủy sản, bắt đầu từ việc khám phá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ phải được thay thế bằng hệ thống tổ chức vùng nguyên liệu lớn bên cạnh cụm công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản”.

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng nông sản chế biến, Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho rằng: “Hiện nay, công nghệ chế biến sau thu hoạch đối với lúa gạo đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ở khâu sấy lúa đã có máy sấy tháp tuần hoàn theo mẻ lớn có công nghệ tiên tiến hơn máy sấy tĩnh vỉ ngang với ưu điểm tiết kiệm mặt bằng sản xuất, kiểm soát tốt quá trình sấy, đảm bảo chất lượng và độ ẩm cuối cùng của lúa được đồng đều, thuận lợi bảo quản dài ngày. Ở khâu bảo quản, thay vì chứa lúa trong các nhà kho có mái che, các nhà sản xuất đã phát triển hệ thống silo bảo quản lúa kết hợp với thiết bị làm mát giúp kiểm soát tốt môi trường, kéo dài thời gian bảo quản từ 6 tháng đến hơn 1 năm, cơ giới và tự động hóa cao, tiết kiệm lao động… Tuy nhiên, các trang thiết bị này có nhược điểm là chi phí đầu tư ban đầu cao. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn hay lãi suất để doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo đầu tư máy sấy, silo bảo quản và hệ thống xay xát có công nghệ phù hợp. Đồng thời, tăng cường các hoạt động đào tạo tập huấn cách thức sử dụng các thiết bị sau thu hoạch để đi vào vận hành hiệu quả”.

Trong quá trình nâng cao chuỗi giá trị gạo Việt Nam, hiện đại hóa công nghệ chế biến nông sản là nhiệm vụ trước mắt và cấp bách của ngành cơ khí nông nghiệp. Do đó, chủ trương về cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đề ra trong Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ cần phải được tuân thủ, thực hiện nghiêm chỉnh theo lộ trình đã được vạch ra trong Nghị quyết. Ông Nguyễn Thể Hà, Chuyên viên Tư vấn đầu tư Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho rằng: “ Để cơ giới hóa từ khâu canh tác đến thu hoạch, tồn trữ nông sản một cách căn cơ, cần hiện đại hóa công nghiệp chế biến theo hướng thích nghi và hiệu quả trên cơ sở trang bị máy động lực cùng hệ thống các thiết bị chế biến đồng bộ tiên tiến. Hiện nay ngành nông nghiệp được xem là chỗ dựa vững chắc của nền kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với kinh tế nông nghiệp và cả nước. Tuy nhiên, ngành cơ khí nông nghiệp đang thu hẹp quy mô và năng lực đào tạo còn các doanh nghiệp cơ khí phải tự đào tạo nhân lực theo nhu cầu. Vì thế, bên cạnh những đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ cho nhiệm vụ cơ giới hóa nông nghiệp cần có những giải pháp khuyến khích đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí máy nông nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp của đất nước”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết