13/09/2008 - 20:41

Dấu hỏi ngược

Truyện ngắn m THƯỢNG DỸ

Như thường lệ, không khí buổi họp sôi nổi hẳn lên khi vụ “thằng bé có đôi mắt biết nói” được đưa ra mổ xẻ. Trương Minh Mẫn, là học sinh lắm tài nhiều tật. Mẫn từng là niềm tự hào của thầy và trò trường này, nhưng gần đây, cũng chính nó lại làm nhiều chuyện cho nhiều người phải tự lấy làm lo lắng, xấu hổ. Nếu giải quyết không uyển chuyển, linh hoạt, đổ bể ra thì mất cái tiên tiến như chơi. Mất tiên tiến thì làm sao được công nhận trường mình đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, theo như thầy hiệu trưởng, như vậy cũng có nghĩa là mình không hoàn thành “nhiệm vụ chính trị” của ngành, của địa phương. Gay lắm! Thường khi nghe thầy hiệu trưởng quen miệng đem cái “nhiệm vụ chính trị” ra không biết để thuyết phục hay răn đe để mọi người “đồng thuận” cho những ý kiến chủ quan của thầy, thì ai nấy đều phải biết rằng mọi thứ không thể đảo ngược. Cứ thế! Năm ngoái, sau vụ chỉ đạo một số giáo viên thân tín bỏ lớp lên phòng thầy ngồi uống trà đá, nghiên cứu chuyên sâu để thống nhất thủ thuật “cấy” tên mấy chục học sinh ngoài địa bàn vô phiếu điều tra phổ cập ngành giáo dục tiểu học các hộ sở tại để đạt chỉ tiêu quận và thành phố về kiểm tra công nhận. Vậy mà không biết đứa nào rò rỉ thông tin, báo đài họ lần vô “hỏi thăm sức khỏe”, thầy đáp tỉnh rụi: “Không làm thế sợ không hoàn thành nhiệm vụ chính trị...”. Báo đăng nguyên văn, cả trường cười như mếu, ra đường cứ gục mặt. Thầy lại có dịp ra phường, ra phòng Giáo dục “làm việc” suốt! Tưởng đã bỏ tật. Ai ngờ!

 

Người phát hiện ra thằng Mẫn với “đôi mắt biết nói” ấy là cô Nga, cô giáo chủ nhiệm của nó năm nó mới vô lớp Một. Mới đầu chỉ là những lời nhỏ nhẹ, xuýt xoa với một vài đồng nghiệp trong khối: “Hồi nào tới giờ mới thấy! Thằng nhỏ có đôi mắt mới đẹp và lạ làm sao! Đôi mắt như biết nói mới ngộ...”. Không biết có ai giải mã được những điều thằng bé muốn nói bằng đôi mắt “đẹp và lạ” như cô Nga hay không. Nhưng chỉ với cảm nhận của một cô giáo có tay nghề trên ba mươi năm, học trò có khối đứa giờ đã thành bác sĩ, kỹ sư, có cả thạc sĩ, tiến sĩ... cũng đủ để thằng Mẫn chết danh với tên gọi đó rồi. Cuối năm lớp Một, thằng bé đạt loại giỏi, cô Nga tự hào lắm! Mà không giỏi mới là lạ. Lớp có 35 học sinh đều giỏi tất. Cả khối với 185 em chỉ có 2 đứa đạt loạt khá thôi! Năm lớp Hai thằng Mẫn cũng giỏi nhưng đã nghe có lời than phiền của cô Quỳnh, phụ trách lớp nó. Năm lớp Ba, có lẽ do tham gia phong trào liên tu bất tận, đặc biệt là nó mất quá nhiều thời gian để luyện tập và thi đấu trong thành phần đội tuyển bóng đá của trường nên chỉ xếp loạt khá. Đội bóng của trường năm đó đạt giải nhất toàn quận có công thằng Mẫn phần lớn. Nó vừa có thể lực dồi dào, vừa có những ngón kỹ, chiến thuật rất người lớn, lại có tư duy đọc trận đấu rất tốt. Nó có thể là một bức tường thành vững chắc trước cầu môn đội nhà, vừa có thể là một chân sút đạt hiệu quả cao ở mọi vị trí, là hung thần đối với tất cả thủ môn đối phương. Trên sân bóng, nó luôn là người chiến thắng. Tất nhiên, Mẫn là sự lựa chọn đầu tiên của các nhà tuyển trạch. Họ rút nó lên đá cho đội tuyển quận, chuẩn bị cho giải vô địch học sinh cấp thành phố. Thầy hiệu trưởng mang học bạ của nó xuống biểu cô Thoại vô điểm học kỳ 1 năm lớp 4 này phải từ hạng trung bình trở lên. Khổ nỗi, thằng bé kỳ rồi chỉ được xếp loại yếu. Nó là một trong số không ít học sinh lớp 4 rồi mà đọc chưa thông, viết chưa thạo, làm tính thì... chịu chết. Hễ cô giáo nghe báo có dự giờ, thăm lớp hay gì gì đó thì ngay lập tức, thằng Mẫn và đám bạn đồng cảnh ngộ của nó được đưa tá túc ở nhà bảo vệ hoặc quanh quẩn đâu đó ở khu vực nhà vệ sinh. Dạo sau này, còn có ai thèm nhìn thẳng vào cái “bản mặt” của thằng Mẫn nữa, nên cần gì biết đôi mắt “đẹp và lạ” ấy có còn muốn nói năng điều chi nữa không?

Thằng Mẫn ngày càng hư, lại quậy. Học thì không bằng ai, nhưng rõ ràng là nó có sức hấp dẫn và tài khuất phục đám bạn, kể cả mấy đứa học lớp Năm. Không biết bọn trẻ “thần tượng” nó vì nó là “ngôi sao” bóng đá hay vì những trò nghịch ngợm, phá phách quái quỷ của nó nữa. Nhưng ở đâu có nó cứ là người đầu trò, là đại ca, thậm chí là sếp trong đám quậy. Bộ mặt thằng Mẫn ngày càng “chằn” hơn, nhất là sau vụ nó phá cái nốt ruồi bằng cọng tăm nhang ở chính giữa tam tinh, để lại một vết sẹo to cỡ đầu ngón tay út. Tự tay nó đấy, anh hùng chưa? Đã xảy ra mấy vụ trấn lột tiền của mấy đứa lớp nhỏ trong giờ chơi ở khu vực căng tin. Bắt được mấy nghi can, định dọa tụi nó khai ra thằng Mẫn, vì nếu không có thằng này nhúng tay vô, mấy đứa kia đố dám. Nhưng vô ích, đứa nào cũng “bụng làm dạ chịu”. Bó tay luôn. Nó còn bày cho đám kia: “Cô nào dám đụng tới tao mới là lạ! Hổng thấy gương cô Phượng còn ràng ràng đó sao? Hai ba chục năm công tác, chuẩn bị nhận cái “Nhà giáo ưu tú”, lỡ nóng nảy khẻ thằng Tiến lớp Ba có mấy khẻ mà bị cho thôi việc. Tao rành quá mạng! Tụi mình cứ vô tư đi!”. Vô hình trung, uy tín thằng Mẫn lên cao hơn bao giờ hết. Lớp học càng giống như cái chợ, ai muốn làm gì thì làm. Trường học như cái lò luyện ra thứ gì hay thứ ấy, mặc kệ nó! Nhiệt tình quá có khi chuốc vạ vào thân. Tình trạng “trên đe dưới búa” thế này, cứ “giả dại qua ải” cho yên thân, lại được tiếng là còn giữ được cái gọi là “sự trong sáng của nhà giáo”.

Thầy hiệu trưởng lại cao giọng làm cô Thoại giật mình: “Thôi, tất cả là vì nhiệm vụ chính trị. Cô chỉnh sửa sao đó, tùy cô. Miễn là nó được tiếp tục đem thành tích về cho trường ta. Xong việc, tôi biểu cô Linh hiệu phó làm lại từ đầu toàn bộ hồ sơ “Học sinh hòa nhập” cho nó. Chỉ cần cha hoặc mẹ nó xác nhận hồi nhỏ nó có bị té sông, chậm phát triển rồi cam đoan này nọ”. Thầy cười.

* * *

Thằng Mẫn đánh lộn thế nào mà phải nhập viện. Chỉ nghe thầy hiệu trưởng nói không sao. Nó chỉ bị tét đầu, bệnh viện người ta khâu cho mấy mũi rồi cho về. Có điều, lúc đầu cha nó có vẻ bức xúc. Nhưng mọi chuyện rồi cũng được giải quyết êm thấm.

Chừng mười bữa sau, thằng Mẫn đứng thập thò trước phòng giáo viên. Thầy hiệu trưởng biểu nó xuống gặp cô Thoại xin trở lại lớp. Mấy cô lôi nó vào phòng, ríu rít hỏi thăm. Chừng buông nó ra mọi người mới để ý tới cái sẹo mới trên trán nó. Vết sẹo còn đỏ lựng, dày cộm hình cái móc câu quay ngạnh về phía tay phải, chuôi nó trễ xuống kết hợp hài hòa với cái vết sẹo cũ bằng ngón tay út ngay chỗ tam tinh thành ra một dấu hỏi ngược hoàn chỉnh. Đó chính là cái dấu hỏi mà có một thời, mấy tay thích “phăng” hay dùng để biểu thị cho sự phá cách độc đáo của mình. Chợt mấy cô cười rũ, cười đến ràn rụa nước mắt. Thằng Mẫn đứng như trời trồng. Đôi mắt nó ngơ ngác và thật buồn, hình như cũng đang rưng rưng nước mắt.

* * *

Ngày hôm sau, thằng Mẫn bỏ học thật. Thế là có nội dung trong buổi họp bất thường này. Trong khi thầy hiệu trưởng vẫn thao thao bất tuyệt bài ca “kỷ cương- tình thương - trách nhiệm” thì nhiều cặp mắt lâu lâu lại liếc nhanh về phía góc phòng. Đó là chỗ thằng Mẫn vẫn đứng trong vai trò “chính danh thủ phạm” sau mỗi sự cố do nó hoặc do ai đó gây ra. Và trong một thoáng bối rối, ai cũng tưởng như thằng Mẫn vẫn có mặt, chịu trận với cái dấu hỏi ngược càng rõ mồn một. Cái dấu hỏi ngược giống y chang chiếc chìa khóa giúp người ta có thể giải mã được những u uẩn trong “đôi mắt biết nói” kia một cách dễ dàng. Đại loại như tại sao cha mẹ chúng tôi lại cứ ép chúng tôi phải là thần đồng? Chúng tôi là chủ thể sáng tạo hay chỉ là vật thí nghiệm trong các nhà trường? Có còn không cái gọi là trách nhiệm công dân và lương tâm chức nghiệp? Bạo hành có bao gồm cả những biện pháp tích cực nhằm răn dạy học sinh. Nếu bạo hành bị coi là vi phạm đạo đức, nhất là đối với thầy cô giáo? Vậy ngoảnh mặt, quay lưng với những khuyết điểm của học sinh để giữ tròn “hình ảnh” có phải là điều còn tệ hại hơn không? Đó có phải là sự vô cảm, là tột ác? Toàn những câu hỏi ngược với cái dấu chấm câu thấy phát ghét!...

Có tiếng đằng hắng, cô hiệu phó kéo mọi người trở lại vấn đề, giọng đầy bản lĩnh và kinh nghiệm... đối phó: “Việc gì nó phải bỏ học. Còn khối đứa như nó. Tôi sẽ mời cha hoặc mẹ nó vô đây, biểu làm cái đơn xin chuyển trường tôi sẽ cho rút hồ sơ...”.

Thầy hiệu trưởng kết thúc cuộc họp bằng giọng xuề xòa, cố hữu: “Tôi mong mọi người cố tìm cách quên thằng bé, quên cái dấu hỏi ngược gì đó đi! Tất cả hãy làm vì một ngôi trường chuẩn, những tấm gương sáng, những ngày bình thường như mọi ngày... Miễn là chúng ta luôn nhớ quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ chính trị”. À mà cô Liên này! Đây là chuyện nội bộ. Không phải ghi vào biên bản đâu nghen! Thôi, mời quý cô, thầy nghỉ”... Hay thật! Thằng Mẫn mà có đây, thế nào “đôi mắt biết nói” của nó cũng sẽ trợn trắng nhìn thầy hiệu trưởng kính mến, đi kèm với cái dấu hỏi ngược giật giật đỏ ửng... kệ, miễn là...

Chia sẻ bài viết