25/04/2014 - 10:22

Dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày - thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày, thực quản là tình trạng xảy ra khi dịch vị trào ngược lên thực quản gây nên các triệu chứng rối loạn hoặc biến chứng, ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Mới đây, tại Hội thảo "Cập nhật lâm sàng về bệnh trào ngược dạ dày – thực quản" do Trường Đại học Y dược Cần Thơ phối hợp với Công ty TNHH DKSH Việt Nam tổ chức, Phó Giáo sư – Tiến sĩ – bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Phân môn Tiêu hóa Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh có vài lưu ý về căn bệnh này.

* Dễ nhầm lẫn triệu chứng bệnh

Hiện nay, một trong các bệnh về đường tiêu hóa có tỷ lệ người mắc cao, đó là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Đối với người khỏe mạnh bình thường, cơ thể có một cơ chế đặc biệt ngăn chặn hiện tượng trào ngược xảy ra. Đó là giữa thực quản và dạ dày có cơ thắt thực quản dưới, cơ này giống như van một chiều, chỉ cho phép thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày mà không bị trào ngược lên. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu, lỏng lẻo, dẫn đến những thành phần từ trong dạ dày bị trào lên, gây tổn thương thực quản.

Phương pháp nội soi giúp tầm soát hiệu quả bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Trong ảnh: Cán bộ y tế BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ nội soi đường tiêu hóa cho bệnh nhân.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là cảm giác đau ở vùng thượng vị, nóng rát ở sau xương ức và có thể lan lên tới cổ (triệu chứng ợ nóng), thường xảy ra sau khi ăn. Tuy nhiên, còn một số triệu chứng khác không chỉ xảy ra ở thực quản mà còn lan đến các bộ phận khác ở vùng hầu họng hoặc khoang miệng. Bệnh nhân có biểu hiện ho kéo dài, khàn tiếng, viêm thanh quản và khởi phát những cơn hen phế quản về đêm. Thậm chí, bệnh nhân có thể bị viêm tai giữa, viêm lợi, mòn răng, viêm nướu do tác động của axit bị trào ngược. Do đó, biểu hiện của bệnh trào ngược dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Chẳng hạn, bệnh trào ngược có triệu chứng giống bệnh tai mũi họng, khi người bệnh có tình trạng viêm thanh quản, khàn tiếng, ho dai dẳng kéo dài. Trước tình trạng đó, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thực hiện nội soi thanh quản cho bệnh nhân để có chẩn đoán chính xác. Bên cạnh những triệu chứng ở đường tai mũi họng hay hô hấp, cần lưu ý biểu hiện đau ngực của bệnh trào ngược mà đôi khi nhầm lẫn với bệnh tim. Sau khi thực hiện các xét nghiệm loại trừ bệnh lý tim mạch, cùng với các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, thì đó chính là dấu hiệu liên quan đến bệnh trào ngược. Tương tự, với bệnh hen suyễn, vấn đề hen phế quản cũng là một yếu tố có thể là biểu hiện viêm thực quản của bệnh trào ngược. Có những trường hợp hen có liên quan về di truyền, hay khởi phát ở tuổi trẻ, nhưng nếu bệnh nhân lớn tuổi mà xuất hiện những cơn hen, nhất là về đêm thì phải lưu ý đến yếu tố bên ngoài, cũng có thể là biểu hiện bệnh trào ngược.

* Phòng tránh và điều trị bệnh

Việc nhận biết các dấu hiệu bệnh trào ngược dạ dày – thực quản giúp có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Hiện nay, nhiều người cho rằng, cơ chế chính bệnh trào ngược do axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản và gây tổn thương thực quản nên từ lâu người ta dùng thuốc ức chế tiết axit để kiểm soát, không cho axit tấn công làm tổn thương trên niêm mạc thực quản. Tuy nhiên, ngoài những tác động của axít thì những thành phần từ dạ dày trào lên còn mang thêm một số thành phần khác, chẳng hạn như axit mật cũng góp phần làm tổn thương thực quản. Do vậy, để kiểm soát những yếu tố đó, nếu chỉ sử dụng đơn thuần những thuốc kiểm soát axit sẽ không làm giảm triệu chứng của bệnh nhân, mà phải hỗ trợ thêm bằng những thuốc băng tráng niêm mạc dạ dày, tạo lớp màng bảo vệ thực quản không bị tổn thương. Đồng thời, sử dụng những thuốc điều chỉnh nhu động ruột, giúp thức ăn không bị dội ngược lên trên và đi theo chiều sinh lý từ trên xuống dưới để không gây ra hiện tượng trào ngược. Bệnh trào ngược thực quản có thể kiểm soát tốt khi điều trị đúng cách, đúng thời gian và liều lượng. Tuy nhiên, vẫn có những cơ địa đặc biệt nên bệnh thường xuyên tái phát. Trong trường hợp này, phải xem bệnh nhân có yếu tố nào đó thuận lợi để kích hoạt hiện tượng trào ngược xảy ra. Chẳng hạn tình trạng béo phì, điều trị bệnh trào ngược mà không kết hợp ăn uống kiêng cử để giảm cân hoặc kiểm soát những yếu tố thúc đẩy để thuận lợi gây trào ngược, bệnh sẽ kéo dài. Trong trường hợp bệnh trào ngược có thể do nguyên nhân là cơ thực quản bị suy yếu lâu ngày, đã điều trị nội khoa mà vẫn không khỏi, phải hội chẩn các chuyên khoa như: ngoại khoa hoặc nội soi, để có biện pháp đặc trị hơn, chống hiện tượng trào ngược bằng phương pháp phẫu thuật.

Bệnh trào ngược có thể kéo dài rất lâu nếu không điều trị kịp thời, lâu ngày dẫn đến niêm mạc thực quản bị tổn thương, gây ra tình trạng viêm mãn tính. Từ đó, dẫn đến thay đổi cấu trúc niêm mạc mà danh từ chuyên khoa gọi là chuyển sản niêm mạc hệ tiêu hóa, dẫn đến nghịch sản, gây tổn thương, là tiền đề ban đầu của bệnh ung thư. Bên cạnh dùng thuốc điều trị, bệnh nhân phải tuân thủ một số hướng dẫn của thầy thuốc như: thay đổi lối sống, kiểm soát những yếu tố thúc đẩy, kích thích hiện tượng trào ngược dễ xảy ra. Cần hạn chế chất tinh bột, chất béo trong chế độ ăn uống; hạn chế chất kích thích niêm mạc đường tiêu hóa, làm cho cơ thắt thực quản bị suy yếu như: thuốc chữa hen suyễn, thần kinh, huyết áp… Người mắc bệnh trào ngược cần lưu ý tư thế ngủ, vì khi nằm, dạ dày và thực quản nằm cùng mặt phẳng nên hiện tượng trào ngược dễ xảy ra. Người bệnh tránh ăn tối quá trễ, ăn quá no; kê đầu giường hơi cao so với thông thường; dự trù những thuốc đặc trị để kiểm soát những cơn trào ngược.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ – bác sĩ Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo, trong điều trị các bệnh lý nội khoa nói chung, có thể có trường hợp bệnh được kiểm soát không hoàn toàn, hoặc bệnh nhân có yếu tố cơ địa đặc biệt, ảnh hưởng bệnh kéo dài. Trong trường hợp đó, người bệnh phải kiên trì và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của thầy thuốc, khi triệu chứng giảm, tránh lơ là phác đồ điều trị hoặc tự ý giảm bớt liều, dẫn đến không kiểm soát tốt bệnh.

Hải Tiến (lược ghi)

Chia sẻ bài viết