19/02/2022 - 21:46

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị "hậu COVID-19" 

Theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu tháng 1-2022 đến nay, lượng bệnh nhi nhập viện và khám ngoại trú giảm. Hiện học sinh trên địa bàn thành phố đã trở lại trường học trực tiếp, các bác sĩ lưu ý, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ, nhất là các trẻ đã mắc COVID-19 khỏi bệnh; khuyến cáo một số dấu hiệu nhận biết cần phải đưa trẻ đến BV thăm khám và điều trị.  

Khi trẻ có triệu chứng nghi ngờ liên quan hậu COVID-19, cha mẹ nên đưa trẻ đến BV chuyên khoa nhi thăm khám sớm. Ảnh minh họa: BS CKII Trương Cẩm Trinh thăm khám cho trẻ tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Ảnh: T.S

BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, từ tháng 7-2021, BV Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc COVID-19, có thời điểm lên tới 300-500 trường hợp điều trị nội trú. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng bệnh giảm đáng kể, hiện mỗi ngày chỉ còn dưới 30 trường hợp nằm viện. Theo các thống kê, khoảng ¼ trường hợp sau khi bị nhiễm COVID-19 gặp phải các triệu chứng dai dẳng kéo dài trong 4 tuần. Khoảng 1/10 trường hợp chịu đựng các triệu chứng trên 12 tuần, gọi là hậu COVID-19. Người bệnh ở mọi mức độ nặng hay nhẹ, có triệu chứng hay không có triệu chứng đều có nguy cơ gặp phải tình trạng COVID-19 kéo dài hay hậu COVID-19. Ngay cả với trẻ em, mặc dù phần lớn trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ, không có triệu chứng, nhưng vẫn bị tình trạng hậu COVID-19.

Những triệu chứng thường gặp nhất bao gồm: trẻ mệt mỏi, choáng váng, nhức đầu, khó thở, đau ngực, tiêu chảy, táo bón, khó ngủ, lo âu, trầm cảm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Trẻ lớn và trẻ có tiền căn dị ứng thường xảy ra hậu COVID-19 hơn.

Viêm hệ thống đa cơ quan là một trong những trường hợp nặng của hậu COVID-19 ở trẻ. Thời gian qua, BV Nhi đồng TP Cần Thơ đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trẻ bị viêm hệ thống đa cơ quan, đòi hỏi các bác sĩ nỗ lực chữa trị mới cứu sống được trẻ. Các bác sĩ chuyên khoa nhi khuyến cáo, sau khi trẻ mắc COVID-19 đã khỏi, nhưng vẫn còn xuất hiện các dấu hiệu như: sốt cao liên tục 24 giờ không giảm kèm nôn ói, đau bụng tiêu chảy hay đau ngực, hay kèm phát ban, đỏ da,… thì cha mẹ cần đưa trẻ đến BV thăm khám, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Những trường hợp khác sau khi khỏi COVID-19 cũng cần được tái khám bởi bác sĩ chuyên khoa nhi như: mệt mỏi, choáng váng, nhức đầu, đau họng, đau ngực, tiêu chảy, táo bón. Trẻ mất tập trung, lo âu trầm cảm sau nhiễm COVID-19 và kéo dài 4 tuần thì cha mẹ cần đưa trẻ đến BV để được thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, tầm soát sức khỏe cho trẻ. BV Nhi đồng TP Cần Thơ có đầy đủ điều kiện về nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm và đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo điều kiện chẩn đoán và xử trí để cùng phụ huynh theo dõi, chăm sóc, can thiệp điều trị. Ðồng thời, các bậc phụ huynh cần trang bị thêm các kiến thức về tình trạng hậu COVID-19 cũng như hội chứng viêm để can thiệp kịp thời.

Em Nguyễn Nhã Quỳnh, học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Ðạo (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã mắc COVID-19 trước Tết. Sau khi khỏi bệnh, thể trạng có phần suy giảm, cùng với việc học tập năm cuối cấp nhiều áp lực khiến em không được khỏe, cảm thấy nhức nửa đầu, đau dạ dày. Mẹ Nhã Quỳnh đưa em đến BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám. Sau khi được kiểm tra sức khỏe tổng quát và được bác sĩ tư vấn, Nhã Quỳnh đã cảm thấy yên tâm hơn. 

Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em COVID-19 do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng nghiêm trọng được ghi nhận ở trẻ mắc COVID-19 trong nước và trên thế giới. Một trong những giải pháp để chuẩn bị kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian tới là các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Ðào tạo như vệ sinh trường học, phân luồng đón học sinh, bố trí phòng cách ly tạm thời. Trường học và trạm y tế địa phương phải phối hợp chặt chẽ để xử lý các tình huống dịch bệnh tại nhà trường. Y tế cơ sở tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kỹ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết.

Khi trẻ không may mắc COVID-19, cha mẹ cần theo dõi trạng thái tinh thần của trẻ; tăng cường sức đề kháng cho trẻ như bổ sung dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì; kiểm soát tốt các bệnh mạn tính; tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập. Bên cạnh đó cần chú ý vệ sinh bàn tay cho trẻ; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác. Khi cần tư vấn, cha mẹ liên hệ số điện thoại của BV chuyên khoa nhi hoặc các BV có khoa Nhi để được tư vấn phù hợp.

THU SƯƠNG 

Chia sẻ bài viết