Truyện ngắn: LÊ QUANG TRẠNG
Ngày bấm bụng bán đôi trâu để lấy tiền cho con gái rượu lên thành phố học, ba dúi vào hành trang của nhỏ học trò xóm Lung Trâu niềm hy vọng thoát nghèo. Bữa lái buôn đến mua đôi trâu, mẹ cầm sợi dây vàm đi theo hỏi rằng: “Chú mua về để bán cho thợ cày hay mua về làm thịt?”. Ban đầu tay lái buôn vui vẻ nói: “Tùy con”. Đôi trâu nhìn người lạ, đánh được mùi sát khí, nên đôi mắt cứ lao nhao nhìn về phía mẹ hoài. Mẹ nghẹn ngào năn nỉ lái trâu “Hai con này có xoáy lưng, lông mượt, khôn lắm chú à. Mấy năm sống với vợ chồng tui tình nghĩa biết bao nhiêu. Nói chú thương, đừng làm thịt nó liền, coi ai mua về nuôi thì bán cho họ, tui bớt cho chú một mớ tiền”. Lái trâu lấy làm bực bội, đã làm ăn thì mau lẹ để tiền nở ra tiền, mỗi ngày mua cả chục đôi trâu, hơi đâu mà lo bán trâu để cày hay để thịt.
Mẹ vẫn không thôi nài nỉ tay lái buôn, trong khi ba cắt thật nhiều cỏ voi, cây bắp, đãi đôi trâu một bữa no nê. Trâu sống với người nhiều năm nên hiểu chuyện, cứ lắc lư cái đầu, dẫu với trâu được bữa thân bắp thì không khác gì ăn tiệc. Thương lái thấy mẹ nài quá, nên nói đại: “Sẽ ráng tìm chỗ mua về nuôi cày, bán đôi trâu này cho, chịu chưa?”. Khi ấy mẹ mới thấy lòng dịu lại phần nào, lóe lên hy vọng “Cho đôi trâu sống ở xứ người vài năm, sẽ ráng chuộc về”.
Mẹ không khóc, cũng không theo đôi trâu ra tới bến sông nơi có chiếc ghe chờ sẵn. Nhưng khi người ta dắt tụi nó đi rồi, cọc tiền bay phơ phất trên cái bàn trà của ba, bên cạnh cọng dây vàm cuộn từng khoanh ngay ngắn, mẹ chợt nghẹn ngào. Ba nói: “Thôi giờ cũng là lúc để tụi nó tìm nhà khác sung sướng hơn mà ở. Mình thương một, biết đâu họ sẽ thương mười”. Mẹ lặng lẽ chùi nước mắt, đi nhóm mẻ un, ngó chiếc chuồng trâu trống huơ, nghe lòng như mất đi những đứa con ruột thịt.
Những trưa nằm võng nhìn hàng cỏ voi mọc cao hơn đầu người ngoài mé lộ, ba thấy lòng xốn xang câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Từ bữa đó, ba đi lên xóm dưới làng trên, nhận làm thuê đủ việc. Những bữa không làm gì, ba lại lên lung trâu lai rai, ngó trâu cho đỡ nhớ. Một bữa nhậu ngà ngà, ba chợt giật mình chạy về nhà một mạch. Đi thẳng xuống bếp, lối ra chuồng trâu. Ba nói với mẹ: “Nhậu say xém chút quên cho đôi trâu đi nằm nước”. Mẹ nhìn ba ứa nước mắt, như cái mạch nguồn ấy được ngăn bằng con đê lãng quên, nay chợt cứa vào cho vỡ nước.
Đợt đó, có mối dẫn dắt cho ba mẹ nhận vỗ béo nghé con và chăm trâu đẻ thuê, nên ba mẹ mới khuây khỏa chút. Hì hụi một bầy chừng chục con, cũng đủ trang trải trong nhà ngày ba buổi. Tiền có bao nhiêu dồn cho đứa con gái hết. Nó khoe trình độ tiếng Anh đủ tự tin để trò chuyện với người nước ngoài, khoe học thêm được nhiều kỹ năng mềm, thể nào ra trường cũng xin đi làm được chỗ ngon lành tử tế. Nó nói trong điện thoại: “Ruộng sâu trâu nái sao bằng con gái đầu lòng”.
Nỗi niềm bán trâu buồn như một cái đìa mông quạnh, nay cũng được những niềm vui từ đứa con bù đắp lại phần nào. Học giỏi, rồi tốt nghiệp, nhờ có hiểu biết về những tập tục và không khí miền quê đồng ruộng, nên cô gái xóm Lung Trâu được nhận làm ổn định lâu dài ở một công ty dịch vụ du lịch trải nghiệm miệt vườn. Thấy ba mẹ cực nhọc, mà công ty cũng tuyển thêm người, con gái gọi điện về nói ba mẹ lên với con đi, trên con thiếu chân mục đồng và làm bánh khọt. Ba vừa được giữ trâu, mà vừa có tiền. Ba mẹ thì nhận lời lên phố với hy vọng kiếm chút tiền, biết đâu sẽ tìm lại được đôi trâu.
Lên phố, mẹ được giao cho cái quán nhỏ ven ao nằm giữa khu du lịch, ngày ngày làm bánh khọt cho khách, cuối tháng lãnh tiền công. Công ty giao một cặp trâu cho ba chăm sóc. Nhà có truyền thống ba đời nuôi trâu, nên nhìn tướng, xoáy trâu ba đã đoán được tính nết chúng ra sao để mà dạy bảo. Đôi trâu ông chủ vừa mua về từ lò giết mổ, còn khá nhát người và đôi lúc tỏ ra liều mạng, hung hăng. Qua sự huấn luyện của ba, chỉ một tháng sau, chúng hiền ngoan. Ba kêu quỳ là tụi nó quỳ gối xuống đất, ba kêu đi là tụi nó đủng đỉnh chân đi.
Chiều bữa nào cũng vậy, về đến chuồng rồi, ba sẽ đãi cho đôi trâu một máng cỏ đầy vung. Ba lọ mọ mắc mùng tránh muỗi. Sợ tụi trâu quen bếp un, không có khói không ngủ được, ba nhóm một mẻ un sọ dừa, khói tỏa khắp chuồng thơm nức. Vuốt ve đầu đôi trâu, ba dặn: “Tụi mầy ngoan. Khách họ muốn biết về tụi mầy, nên họ cưỡi chút đỉnh, thì đừng có quạo với người ta nghe hông. Sống phải biết trước biết sau, họ mua vé vào đây nuôi mình, thì mình cũng phải trả ơn cho họ”. Nghe ba dạy bảo đôi trâu, ông chủ hỏi: “Chú có bùa trấn trâu hay sao, mà nói sao trâu cũng nghe vậy?”. Ba cười: “Chỉ là mình thương nó, thì mình nói nó sẽ nghe theo”. Nhìn những lúc ba ngồi gỡ từng miếng đất đóng trên lưng trâu, hay vuốt ve đôi tai tụi nó, ông chủ tin chắc dịch vụ của mình sẽ ăn nên làm ra.
Ở khu du lịch, cứ mỗi sáng sớm, ba lùa trâu ra chuồng, đánh mấy đường cày nhẹ nhàng rồi cho về gò đồi ăn cỏ. Trưa lại thả trâu xuống đìa nằm nước. Chiều về tắm táp, vào chuồng, nhóm quạt mẻ khói un. Công việc lặp đi lặp lại, hễ có khách hỏi điều gì về tập tính của trâu thì ba cứ trả lời, có khi được lên tivi, bà con ở xóm Lung Trâu thấy vậy gọi điện thoại kêu: “Ông cưng trâu cả nước đều biết rồi đó nghen”.
Khách đến khu du lịch sinh thái ngày một đông, ai có yêu cầu cưỡi trâu thì ba dắt đôi trâu đến, cho quỳ xuống để khách leo lên. Rồi ba dắt đôi trâu đi vài đường để khách chụp hình chơi. Người ta rất thích thú cảm giác cưỡi trâu, nhưng thích thú nhất có lẽ là màn khiển trâu của ba. Họ hiếu kỳ xem đôi trâu ngoan, không khác gì người ta đi coi xiếc thú. Có bữa thấy văng vắng khách, cho trâu xuống đìa nằm nước, ba vấn điếu thuốc rê ngồi trên bờ đê nhớ chuyện đời xưa. Chợt có đoàn nhiếp ảnh gia đến, họ chớp ngay góc ảnh nên thơ, có ông già phả khói vu vơ, bên cái đìa trâu tắm táp.
Việc cứ vậy ngày nối ngày trôi qua. Xin nghỉ phép về quê cúng giỗ nội cũng khó. Bị trừ mấy ngày lương thì không ngại, chỉ sợ vắng rồi không ai coi sóc đôi trâu. Những ngày khách đến đông, ba sợ đôi trâu kiệt sức. Lúc ấy không nghĩ đến có ngày trâu gây chuyện.
Bận đó, đoàn phim đến thuê khu sinh thái để quay hình một bộ phim nhiều tập. Phân đoạn có cảnh những người đốt con cúi, dựng cờ khởi nghĩa trong tiếng trống da trâu thùng thùng. Hôm ghi hình, đôi trâu ngoan ngoãn quỳ xuống cho diễn viên trèo lên, rồi bước ra cánh đồng. Diễn viên đóng vai tướng quân chắc quá nhập vai và quen việc cưỡi ngựa, nên dùng đạo cụ là cán cuốc mà tưởng là roi đánh vào mông cho con trâu phi. Vừa đánh trâu, diễn viên vừa đập mạnh hai chân vào mạn sườn trâu. Đang chạy ngon trớn và cảnh lên hình tuyệt đẹp, thì hai con trâu bỗng dưng khựng lại, bất chợt nghiêng người hất diễn viên văng xuống đất.
Trống và tiếng hò hét diễn xuất ngưng, mấy người trong đoàn phim chạy ra định đánh đôi trâu nếu chúng tiếp tục tấn công hai diễn viên. Ba mẹ nhanh hơn ai hết, chạy ra nắm lấy dây vàm. Con trâu bỗng nhìn ba, rồi quỳ xuống cúi đầu. Người ta tức giận mắng trâu và cả kẻ chăn trâu, rồi cũng tản đi hết. Trên đồng đêm chỉ còn ba mẹ với đôi trâu và ánh trăng vừa tan đám mây đen. Ánh sáng nhỏ nhoi của đất trời cũng đủ soi sáng bụng trâu đang loang những giọt máu. Thì ra trâu cũng bị thương. Nhai đọt chuối non, ba cầm máu cho trâu, ông áp mặt vào bụng nó, mới biết con trâu cái đã cấn chửa.
Sáng sớm hôm sau, ba hỏi con gái: “Lương ba mẹ từ hồi mới lên làm đến giờ tổng cộng bao nhiêu?”. Rồi ông không chờ con nhỏ trả lời, nói luôn: “Nếu không đủ thì để ba mẹ về kêu bán mảnh đất phía sau nhà. Chỗ đó ba mẹ định sau này đắp gò đất để nằm, nhưng thôi, giờ cũng chưa cần lắm. Con năn nỉ với ông chủ, bán cho ba đôi trâu. Nhớ nói rõ với ông chủ là trâu cái đang chửa để ông chủ tính luôn giá cả. Mình ở nhà sàn, nuôi trâu dưới sàn cũng được. Cỏ ở quê mình thì mênh mông, bà con bẻ bắp xong thể nào cũng sẽ kêu ba lại cho cây, cắt một buổi là tụi trâu ăn no nê cả ngày trời”.
Mắt ba ngập tràn hy vọng. Lấy từ trong giỏ ra bó dây vàm, ba nói: “Cặp trâu này xoáy cuộn trên lưng, sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, rất là tốt tướng. Con cái lại mang bầu lông mướt, tai lá mít, đít lồng bàn, ắt sẽ mắn đẻ. Tậu tụi nó về quê nuôi, nay mai lại được một bầy. Con không nghe ông bà mình nói sao, con trâu là đầu cơ nghiệp!”.