22/05/2024 - 15:49

Dấu ấn sen ở Đồng Tháp 

Lễ hội Sen tỉnh Ðồng Tháp lần thứ II, năm 2024 vừa kết thúc, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Với những hoạt động đặc sắc xoay quanh cây sen và hoa sen, giá trị sen Ðồng Tháp lại một lần nữa được tôn vinh.

Khu mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc với kiến trúc lấy cảm hứng hoa sen. 

Một trong những hoạt động ý nghĩa là Bảo tàng tỉnh Ðồng Tháp phối hợp nhóm Họa sĩ Sắc Hoa (Trường Ðại học Ðồng Tháp) tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm ảnh, hiện vật, tranh, tượng mỹ thuật chủ đề "Họa tiết Sen trong nghệ thuật trang trí" và "Tình sen - Sắc sen Ðồng Tháp" trong khuôn viên bảo tàng và tại Quảng trường Công viên Văn Miếu - nơi tổ chức Lễ hội Sen.

Qua 110 tác phẩm nghệ thuật tranh, ảnh, tượng trưng bày tại triển lãm "Tình sen - Sắc sen Ðồng Tháp", du khách cảm nhận được được hình ảnh, văn hóa và con người Ðồng Tháp - thủ phủ Sen hồng. Du khách cũng sẽ thêm ấn tượng và thiện cảm hơn nữa về phương châm của người Ðồng Tháp hôm nay - "Ðồng Tháp thuần khiết như hồn sen".

Với trưng bày "Họa tiết Sen trong nghệ thuật trang trí", cho thấy hình ảnh sen phong phú và có mặt từ rất lâu đời trong các đồ án trang trí trên gốm, đất nung, đồng, vàng... dùng chế tác vật dụng, đồ trang sức. Qua gần 140 hiện vật, tranh ảnh về đề tài hoa sen, Bảo tàng tỉnh Ðồng đã mang đến bộ sưu tập thuộc các nhóm chủ đề như sưu tập hiện vật vàng, gốm văn hóa Óc Eo, hiện vật gốm Chu Ðậu, gốm Biên Hòa (Ðồng Nai), sưu tập tượng Phật.

Theo Bảo tàng tỉnh Ðồng Tháp, hình ảnh hoa sen đã tồn tại và phát triển gắn với lịch sử, văn hóa, con người Ðồng Tháp. Qua tài liệu đã công bố và kết quả khảo cổ học ở Khu Di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười), phát hiện nhiều lá vàng có chạm khắc hình hoa sen. Bộ sưu tập vàng văn hóa Óc Eo gồm các mảnh vàng lá có dạng hình chữ nhật, ngũ giác, lục giác... trang trí họa tiết sen được thể hiện khá đa dạng: búp sen, sen nở, đóa sen...

Hay với bộ sưu tập hiện vật tượng Phật, du khách ấn tượng với nhiều mẫu tượng Phật ngồi thiền trên tòa sen, có niên đại khoảng thế kỷ XVIII. Bảo tàng tỉnh Ðồng Tháp lý giải rằng: Hoa sen (tiếng Phạn "padma") trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết. Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Ðây chính là ý nghĩa của hình tượng Phật ngồi thiền trên tòa sen. Một bộ sưu tập rất phong phú nữa là gốm, đá thuộc văn hóa Óc Eo, thể hiện tinh xảo họa tiết hoa sen, từ cánh sen, đến hoa sen, đài sen…

Nhắc đến dấu ấn sen ở Ðồng Tháp - vùng đất Sen Hồng, không thể nào quên hai công trình đặc biệt. Ðầu tiên, đó là khu mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tại TP Cao Lãnh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Hiền, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Ðồng Tháp trong bài "Lễ hội Sen - nghĩ đến 2 công trình sen", công trình kiến trúc Khu mộ cụ Phó Bảng do kiến trúc sư Ðinh Khắc Giao sáng tác. Ngày 22-8-1975, ngay khi miền Nam giải phóng chưa đầy 4 tháng, tỉnh Ðồng Tháp đã làm lễ động thổ khởi công xây dựng công trình Khu mộ cụ Phó Bảng. Trong đó, vòm mộ được thể hiện bằng biểu trưng một cánh bông sen cách điệu. Trước ngôi mộ cụ Phó Bảng là một hồ sao năm cánh tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam, giữa hồ là một đóa sen trắng cách điệu vươn cao, thể hiện đức tính thanh bạch, trong trắng, cao đẹp như đóa sen giữa lòng Tổ quốc của cụ Phó Bảng.

Công trình thứ hai là Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Ðồng Tháp, cũng do kiến trúc sư Ðinh Khắc Giao thể hiện. Từ cảm hứng hoa sen, hồ sen ở giữa như nhụy sen, sáu cánh sen tỏa ra là nơi yên nghỉ của các Anh hùng, Liệt sĩ. Vươn cao trên lễ đài là 2 cánh sen chớm nở, đồng thời là hai lá cờ Ðảng và cờ Tổ quốc. Phía trước lễ đài là tượng đài người lính, ngực đính huân chương, tay ôm bó hoa sen đến thăm đồng đội.

Quả thật, sen có những dấu ấn sâu sắc với đất và người Ðồng Tháp.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết