19/09/2021 - 11:58

Dấu ấn Lăng Thoại Ngọc Hầu 

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), người huyện Diên Phước (Quảng Nam) được triều đình nhà Nguyễn cử vào khai phá và trấn giữ An Giang đạo. Ông gắn bó mật thiết với vùng tứ giác Long Xuyên qua việc tập hợp lưu dân, khai hoang, khẩn đất, đắp nhiều con lộ; tổ chức đào kinh Thoại Hà (khởi đào từ năm 1818, sau hơn 2 tháng đã hoàn thành) và kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc tới Hà Tiên (khởi đào năm 1819, hoàn thành năm 1824). Ông mất khi đương chức, an táng tại Lăng Thoại Ngọc Hầu, tọa lạc ở núi Sam, An Giang hiện nay. Công trình này cũng là một dấu ấn trong văn hóa, lịch sử khẩn hoang Nam Bộ.

Lăng Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: Nguyễn Hoàng Nam

Lăng Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: Nguyễn Hoàng Nam

Lăng Thoại Ngọc Hầu, còn gọi là Sơn Lăng, được xây dựng năm 1822 (niên hiệu Minh Mạng thứ 3). Hai người vợ của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Tế (có tài liệu ghi Châu Thị Vĩnh Tế) và bà Trương Thị Miệt cũng được chôn cất tại đây. Ở nội lăng và hai bên phải - trái vuông lăng còn có hai khu đất rộng, cũng có vòng thành ngăn chắn xung quanh, có trên 50 ngôi mộ đều vô danh, đa số là những người đã bỏ mình trong lúc đào kinh Vĩnh Tế được ông quy tập. Sơn Lăng cùng với chùa Hang, chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh... tạo thành quần thể di tích lịch sử văn hóa gắn liền quá trình mở đất, đời sống vật chất và tinh thần của vùng đất này. Sơn Lăng còn ghi dấu ấn với những hiện vật gợi mở nhiều nghiên cứu, giúp người đời sau hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của nước ta.

Trong lần tu bổ Sơn Lăng năm 2010, các ngành chức năng phát hiện và khai quật khu vực chôn đồ tùy táng, với 523 hiện vật cùng hàng trăm vật dụng tại hai hố chôn cạnh mộ bà Châu Thị Tế và Trương Thị Miệt. Những hiện vật này giúp các nhà nghiên cứu lịch sử làm rõ đặc điểm vật dụng sinh hoạt trong gia đình quan lại nước ta hồi thế kỷ XIX; hình dung đời sống vật chất, tinh thần thời bấy giờ.

Trong phần mộ bà Châu Thị Tế, các nhà khảo cổ tìm thấy những nữ trang hết sức tinh xảo, gồm 11 chiếc trâm cài đầu, tạo tác hình hoa đào, hoa mai, hoa và trái lựu cách điệu... Trên cánh, nhụy, đài hoa còn có ong, bướm được tạo tác bằng kỹ thuật tinh xảo, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Bên phần tùy táng của mộ ông cũng tìm thấy 4 chiếc vòng đeo tay và 1 cặp bông tai giống với cặp bông tai có dạng hình dấu hỏi phần gài và mặt bông hình đài hoa cẩn đá quý bên phần mộ bà. Bên cạnh còn có 2 chiếc vòng đeo tay hết sức tinh xảo, từ trọng lượng, thành phần quý kim cho đến hình dáng, kỹ thuật tạo tác hoa văn giống với cặp vòng đeo tay được trưng bày trong chuyên đề “Vàng son nhung gấm - Trang phục cung đình triều Nguyễn” tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Phát hiện này hé mở nhiều vấn đề liên quan đến phẩm phục và trang sức cung đình ban cho các mệnh phụ phu nhân từ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn.

Sử liệu thời Nguyễn ghi chép quy định về phẩm phục của các mệnh phụ phu nhân sớm nhất vào đầu năm 1830, tức là muộn hơn so với thời điểm bà Châu Thị Tế qua đời 4 năm. Điều này cho thấy, mặc dù các loại hình trang sức mang tính phẩm phục của mệnh phụ phu nhân đầu thời Nguyễn chưa được ghi chép qua sử liệu, nhưng từ những di vật thuộc loại hình trang sức - nữ trang cùng các nhóm di vật tùy táng khác phát hiện trong một số lăng mộ của các bà phi, mệnh phụ phu nhân ở Huế và Nam Bộ, là nguồn cứ liệu cho các nhận định về sự trang trọng của phẩm phục thời Nguyễn.

* * *

Bên cạnh đó Thoại Ngọc Hầu còn để lại có nhiều loại tiền tệ bằng đồng, vàng, bạc... gợi mở nhiều câu chuyện thú vị và cả những vấn đề cần nghiên cứu.

Tại Sơn Lăng, các nhà khoa học phát hiện có di vật là tiền bằng bạc đúc nổi hình con chim, dáng dấp lại giống con gà, ông giữ 350 đồng, bà có 75 đồng. Đồng tiền này chỉ bằng nút áo, hình tròn dẹp, bằng bạc, đường kính từ 1-1,5cm, trọng lượng 5gram, lưng tiền để trơn. Có lẽ vì hình con chim trên đồng tiền này giống con gà nên có người gọi đây là “bạc con gà” (“kê ngân”) và Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”(1) có đề cập đến một loại tiền mà ông gọi là “kê ngân”. Còn trong cuốn sách “Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII” thì cho rằng “kê ngân có thể chỉ tất cả các loại tiền đúc của người Âu”(2).

Tuy nhiên nhận định này gây tranh cãi vì tiền châu Âu vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII thường in chữ của quốc gia phát hành kèm theo chân dung các vị vua đương thời hoặc có quốc huy, biểu tượng hoàng gia nước đó... Hơn nữa cho đến nay chưa có đồng tiền châu Âu nào ở thế kỷ XVII, XVIII tìm thấy tại Nam Bộ có in hình con gà. Còn nếu nói đồng tiền này do chúa Nguyễn phát hành cũng còn nhiều vấn đề cần làm rõ vì tiền của Việt Nam ở Đàng Trong cho đến thế kỷ XVIII hầu như không có loại tiền bằng bạc hình tròn dẹp, mà chủ yếu là tiền bằng đồng đỏ mặt tròn lỗ vuông, trên có khắc 4 chữ, có thể là niên hiệu như “Bảo Thái thông bảo”, hoặc với những ý nghĩa nhất định như “Thái Bình thông bảo”, “Gia Hưng thông bảo”, “Tường Phù nguyên bảo”, hoặc tiền bằng kẽm cũng hình tròn dẹp lỗ vuông như “Thiên Minh thông bảo”…

Việc tìm thấy đồng “kê ngân” trong di vật của Thoại Ngọc Hầu cho thấy loại tiền này có thể đã được sử dụng vào cuối thế kỷ XVIII ở Nam Bộ, với kỹ thuật đúc khá tinh xảo, nên việc xác định nguồn gốc đang gợi những vấn đề trong giới nghiên cứu. Đó có phải chính là “kê ngân” mà Lê Quý Đôn đã đề cập trong “Phủ biên tạp lục”?

Trong Sơn Lăng còn có những thỏi bạc nhỏ dạng gần giống hình cầu nhưng không tròn như viên bi mà hơi giống chiếc khuyên tai con đỉa, đường kính 1,5cm, có 2 mặt hơi lõm, trên một mặt có dấu in chìm một hình như hình lá đề nhỏ (còn gọi là “tiền gúc”) có trọng lượng 50gr. Ông và bà mỗi người có 10 thỏi. Lê Quý Đôn trong tài liệu dẫn trên cũng có đề cập đến “dung ngân”, tức tiền có hình lá đề (“Dung” chữ Hán nghĩa là cây đa hoặc cây si, cây đề - theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh). Tư liệu thời chúa Nguyễn không có ghi chép cụ thể về vấn đề đúc bạc. Cũng không loại trừ loại bạc này là của một nước nào khác mang đến thanh toán với Đàng Trong vào thế kỷ XVIII. Dù vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ, nhưng không thể phủ nhận những đồng tiền được tìm thấy trong Sơn Lăng góp phần chứng tỏ Nam Bộ đã có một thời buôn bán sầm uất với nhiều phương tiện thanh toán bằng bạc song song với tiền đồng của Đàng Trong. 

Một đồng tiền khác trong các di vật tại Sơn Lăng gợi nên những vấn đề nghiên cứu thú vị là “Minh Đức thông bảo”. Trong lịch sử Việt Nam, vị vua lấy niên hiệu Minh Đức là Mạc Đăng Dung (1483-1541) và ông cho đúc tiền “Minh Đức thông bảo” năm 1528. Đồng tiền này được phát hiện nhiều tại phía Bắc nhưng hiếm gặp ở phía Nam. Bên cạnh đó, nước ta cũng có đồng tiền “Minh Đức thông bảo” mà tác phẩm “Tiền kim loại Việt Nam” của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và tài liệu về tiền cổ của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy, cho rằng Nguyễn Nhạc có đúc tiền “Minh Đức thông bảo” năm 1787 sau khi xưng là Trung ương hoàng đế với hiệu Minh Đức vương. Allan Barker trong cuốn sách “The historical cash coins of Vietnam” cũng cho rằng có đồng tiền “Minh Đức thông bảo” của Nguyễn Nhạc, nhưng về niên đại đúc thì vào năm 1789, loại tiền này được tìm thấy khá nhiều ở các tỉnh Trung Bộ(3).

Đồng tiền “Minh Đức thông bảo” được tìm thấy trong khu vực đồ tùy táng của bà Châu Thị Tế có cùng phong cách thư pháp, loại hợp kim, kích thước, độ dày với đồng tiền Nguyễn Nhạc phát hành. Giới nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Thoại Ngọc Hầu là hàng xóm cùng làng cùng quê với Thái phó Trần Quang Diệu (1760-1802) của Tây Sơn, ở An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, Quảng Nam. Sau này khi theo phò Nguyễn Ánh, năm 1800 Nguyễn Văn Thoại được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, phối hợp với Lào đánh quân Tây Sơn ở Nghệ An. Nghe tin có Trần Quang Diệu từ Quy Nhơn ra tiếp cứu quân Tây Sơn, Nguyễn Văn Thoại liền giao binh quyền cho phó tướng là Lưu Phước Tường rồi trở vào Gia Định. Vì việc này, ông bị bắt tội là không có lệnh mà tự tiện về, phạt giáng cấp từ Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân xuống làm Cai đội cai quản đạo Thanh Châu. Đến năm 1802, trong dịp khen thưởng những người có công, ông cũng chỉ được Vua Gia Long phong làm Khâm sai Thống binh cai cơ rồi sau nữa mới thăng làm Chưởng cơ. Vì câu chuyện trên, sự xuất hiện của đồng tiền “Minh Đức thông bảo” trong khu vực đồ tùy táng tại Sơn Lăng được đặt giả thiết là do tình đồng hương giữa Thoại Ngọc Hầu và Trần Quang Diệu.

Tóm lại, Sơn Lăng để lại cho đời sau nhiều giá trị lịch sử, di sản quý giá.

Trần Trọng Triết

(1) “Phủ biên tạp lục”, tập 2, bản dịch của Lê Xuân Giao, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1973.

(2) “Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII”, bản dịch của Nguyễn Nghị, NXB Trẻ, 1999, trang 236.

(3) Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong sách “Lịch sử đồng tiền Việt Nam”, NXB Hồng Đức, 2021, trang 40 và 61 “Tháng 4 năm Thái Đức thứ 10 (1787), Nguyễn Nhạc xưng Trung ương Hoàng đế ở Quy Nhơn. Để mừng việc lên ngôi, Nguyễn Nhạc cho đúc tiền đồng Minh Đức thông bảo. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ “Minh Đức thông bảo” theo kiểu Chân thư, đọc chéo”. Đồng tiền “Minh Đức thông bảo” thời Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) đúc vào năm 1528. (Chú thích của nhóm biên soạn).

Chia sẻ bài viết