21/02/2024 - 11:19

Dấu ấn CRxN và "Nàng" 

Dự án "Giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu Ðồng bằng sông Cửu Long (CRxN)" do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ thông qua Tổ chức WWF - Việt Nam, tại Láng Sen, tỉnh Long An đã gieo mầm ý tưởng về "cuộc đời mới" cho các "Nàng…"

Cánh đồng lúa mùa nổi ở Láng Sen (ảnh do WWF cung cấp).

Kích hoạt suy nghĩ từ ngoài đồng tới bàn ăn

An Giang sưu tập được giống lúa Nàng (Neáng) tây bông dừa, Nàng tây đùm, Nàng Tây Nút, Nàng Pha, Chệt cụt,  sen, các giống dạng hình Nàng Pha chưa định danh, các dòng có đuôi và nhiều dòng phân ly khác. Tràm Chim có lúa Ma, Láng sen từng nổi tiếng với lúa Huyết Rồng, Nàng tây chùm… là những giống có khả năng vượt nước khi lũ lớn.

Tập đoàn Lộc Trời và UBND huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chọn Nàng tây chùm (cách gọi của người địa phương) tổ chức sản xuất 100ha lúa mùa nổi tại ấp Láng Sen và Vĩnh Ân, xã Vĩnh Ðại. Doanh nghiệp này bảo đảm tiêu thụ toàn bộ sản lượng lúa sau khi thu hoạch tại ruộng với giá 15.000 đồng/kg. Nông dân tham gia chương trình được hỗ trợ 80kg lúa giống/ha, được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn quy trình kỹ thuật, ứng dụng thiết bị công nghệ cao để quản lý đồng ruộng theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP trong suốt quá trình liên kết.

SRP (Sustainable Rice Platform) bao gồm 41 tiêu chuẩn đánh giá 8 lĩnh vực liên quan của sản xuất lúa gạo, coi trọng việc sử dụng nước, chăm sóc sau khi xuống giống, quản lý đồng ruộng, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, thu hoạch và sau thu hoạch, quyền của người lao động, sức khỏe và an toàn lao động… Tập đoàn Lộc Trời còn cam kết hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng lúa và nâng cao thương hiệu của lúa mùa nổi trên thị trường. Nông dân đã sử dụng thành thạo drone sạ lúa, giám sát dịch bệnh, duy trì năng suất giống lúa Nàng tây chùm trong vùng trồng dự án CRxN từ 1,5-2 tấn/ha.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) hỗ trợ chi phí 2,2 triệu đồng/ha cho những nông dân tham gia dự án CRxN, mở các lớp nâng cao nhận thức và  huấn luyện kỹ năng trong việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm của vùng ÐBSCL, tăng cơ hội tiếp cận thị trường và cùng luận giải bài toán sinh kế khi đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi. Bảo tồn giống lúa mùa nổi là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc phục hồi hệ sinh thái lúa mùa nổi, cải thiện sinh kế thông qua các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, theo các chuyên gia dự án CRxN.

Cuộc đời mới của lúa mùa nổi

Sau thu hoạch là cuộc đời mới của lúa mùa nổi. PGS.TS Nhan Minh Trí, Trường Ðại học Cần Thơ, tham gia dự án và đã nghiên cứu chế biến thành công sữa gạo. Sản phẩm được trưng bày tại Diễn đàn kinh tế thường niên Mekong Connect 2023 - TP Hồ Chí Minh.

Chị Trương Thị Hồng Hà, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại quốc tế Khánh Hà - Khánh Hà Food, nhanh chóng tiếp cận dự án CRxN, nói rằng nguồn nguyên liệu Nàng tây chùm là một gợi ý mới để  Khánh Hà Food tăng cơ cấu sản phẩm ống hút gạo, bún, phở sợi suôn thẳng Ohuga, xuất khẩu sang Ðan Mạch, Anh, Canada, Úc, Ba Lan...

Bánh phở từ nguyên liệu lúa mùa nổi Nàng tây chùm cũng được Cơ sở Ba Khánh - nhà sản xuất bánh phở, hủ tiếu có tiếng ở Vĩnh Long, làm thử để tăng cơ cấu sản phẩm cạnh tranh. Nguồn cảm hứng từ lúa bản địa có nguy cơ mai một này được bếp trưởng Phước Nguyễn, một foodstylist chuyên nghiệp nâng cấp món ngon trên bàn ăn từ cơm gạo Nàng tây chùm "slow cook" - thưởng thức với tôm càng xanh, khô cá lóc một nắng, bày biện trong những cánh sen hồng - ăn theo muỗng nĩa.

"Vụ thứ hai hợp tác xã (HTX) áp dụng cơ cấu luân canh 2 vụ lúa - 1 cá", ông Lê Văn Út, Phó Giám đốc HTX Thạnh Phát, nói rằng năm ngoái dự án hỗ trợ con giống - giá bán lúc cá trên nửa ký mỗi con là 46.000 đồng/kg. Năm nay, lúa được giá HTX có nhiều lựa chọn hơn trong cách sinh kế. Vợ ông Út cần mẫn và tinh tế, sau khi tách cá tạp bắt được từ ngoài đồng làm mồi cho cá lóc nuôi thả, đã lựa cá rô phi lớn xay nhuyễn, nhồi thành món chả cá. Chiên hay nướng đều là món tuyệt hảo - vừa bùi, vừa béo, dẻo dai, đậm đà hương vị tự nhiên. Một loại chả "handmade" được nhiều người trong xóm gợi ý chị Út đăng ký tham gia chương trình OCOP Việt Nam - Loại hình phục hưng kinh tế nông thôn ở Nhật vào cuối thế kỷ trước và là mô hình phát triển rất mạnh ở Thái Lan hiện nay.

Tương tự, anh Nguyễn Ngọc Ðiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ lúa mùa nổi, ấp Láng Sen, xã Vĩnh Ðại, cho biết thành lập vào 18-7-2022, nhờ hai cơ hội: 1/Tiếp cận dự án CRxN học được nhiều điều bổ ích; 2/Giá  lúa - gạo trên thị trường tăng cao nên nhiều thành viên HTX chọn cơ cấu 2 vụ lúa chất lượng cao + một vụ lúa mùa Nàng tây chùm. "Từ xưa, nơi đây là rừng tràm, khai khẩn, trồng lúa trên vùng đất phèn quá mệt mỏi nên nhiều người rất sợ thất bát - không có gạo ăn. Các nông hộ cần có bước chuyển đổi thích ứng và sự cam kết thực thi của doanh nghiệp. Tuy chọn cơ cấu luân canh "phòng thủ", nhưng các thành viên HTX đã định vị 1 vụ lúa mùa nổi. Thậm chí bàn thảo, so sánh nhiều giống bản địa để mở rộng vùng trồng, trong đó có giống huyết rồng, cũng có đặc tính vượt nước, giá gạo thương mại tốt hơn", anh Ngọc Ðiền nói.

Một lớp doanh nông mới đang định hình ở vùng dự án CRxN sau khi gia tăng các nội dung huấn luyện, giải pháp thích ứng. Nông dân không chỉ ứng dụng kinh tế tuần hoàn, trả lại dinh dưỡng cho đất từ nguồn rơm rạ giàu có từ lúa mùa mà còn có thể chiết tính chi phí và lợi ích sản xuất, biểu đạt ý tưởng đổi mới mô hình quản trị dịch vụ, tăng khả năng phát hiện lợi thế tài nguyên, phát triển sản phẩm OCOP từ vùng lúa mùa không sử dụng hóa chất, mở hướng nuôi thả tôm càng xanh, cá lóc đồng…

Bắt đầu từ mô hình lướt sóng, lúa mùa nổi  là 1 trong 3 vụ lúa - tận dụng cơ hội thị trường lúa gạo - HTX Dịch vụ lúa mùa nổi Nàng tây chùm, HTX Thạnh Phát đang dần trở thành mô hình tiên phong trong quản trị kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả từng dòng sản phẩm theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, chuyên gia phân tích Chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, Trường Kinh tế, Trường Ðại học Cần Thơ.

Sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa Nàng tây chùm do cơ sở Ba Khánh, Vĩnh Long sản xuất. Ảnh: Ch.L

Dấu nhấn Ramsar Láng Sen

Vùng đất ngập nước Láng Sen chính thức được công nhận khu Ramsar thứ 2.227 trên thế giới vào ngày 25-11-2015 và là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam.

Ðất ngập nước được mô tả là sự phân bố hào sảng của tự nhiên, sự tinh tế của tạo hóa khi cỗ máy tự nhiên nơi đây vận hành như bồn chứa cacbon, chuyển hóa các vật liệu hóa học, sinh học, lưu giữ và bảo tồn nguồn gen đa dạng. Ðó là "quả thận của tự nhiên" làm sạch tác nhân gây ô nhiễm, ngăn ngừa ngập lụt, tái nạp tầng nước ngầm và là nơi cư trú của nhiều động thực vật hoang dã quý hiếm.

Khu bảo tồn có diện tích tự nhiên 5.030ha, bao gồm vùng lõi khoảng 2.000ha, khu rừng tràm kinh tế với diện tích 1.200ha và vùng đa dạng sinh học trên địa bàn 3 xã: Vĩnh Ðại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Các hệ sinh thái đa dạng: Rừng tràm, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập ven sông, bãi lầy ven sông, các lung, trấp ngập nước, lòng sông cổ… nơi chung sống của 156 loài thực vật hoang dã (sen, súng, mồm, năng ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa...) và 149 loài động vật có xương sống rất đa dạng, gồm các loài chim như sếu đầu đỏ, già đẫy, diệc lửa, diệc xám, giang sen, le le, cò trắng chân xanh, vịt trời, điên điển; nhiều loài cá như cá thát lát, cá lia thia, cá linh, cá ngựa, cá nàng hai, trê vàng... khiến cho khu vườn địa đàng này trở thành nơi truyền cảm hứng cho nhiều ý tưởng. Một cù lao rộng 1.500ha được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây, có nhiều điều thú vị chưa được biết đến.

Hệ sinh thái đất ngập nước rất mẫn cảm với sự thay đổi của tự nhiên và tác động của con người. Các nhà khoa học lo ngại cảnh báo rằng trước sự tác động khó lường của biến đổi khí hậu, nếu không có giải pháp phù hợp để ngăn chặn hoặc thích ứng kịp thời thì giữa thế kỷ 21 khoảng 1/3 các loài động vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng.

Tại Việt Nam, theo các kịch bản dự báo về biến đổi khí hậu, sẽ có khoảng 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng, trong đó có 36 khu bảo tồn thiên nhiên, 8 vườn quốc gia và 11 khu dự trữ thiên nhiên kể cả các khu Ramsar sẽ bị ảnh hưởng. Trước hết là nguồn thực phẩm, các loài chim ở vùng đất ngập nước làm tổ trên các cành cây, nguồn thức ăn chủ yếu là quả, lá, côn trùng, sẽ khó tồn tại do thời tiết bất lợi và sự đe dọa từ con người.

Trong các nguyên nhân gây suy giảm hệ sinh thái đất ngập nước, nguyên nhân do con người đôi khi rất nan giải! Vì vậy, việc duy trì sự bền vững các hệ sinh thái một cách hài hòa để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế vì lợi ích của cộng đồng, dựa trên những đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, ý muốn nhân tạo và sinh kế phù hợp, hướng tới sự bền vững… được xem là thuật toán khôn ngoan. Lúa mùa nổi từng được trồng phổ biến ở ÐBSCL trước năm 1985, diện tích lên đến 500.000ha trước khi các giống lúa cao sản ngắn ngày dẫn dắt cuộc đua tăng sản lượng.

Lúa ngắn ngày được xem là cứu cánh trong những năm thóc cao gạo kém. Hiện nay, sản lượng gạo tại vùng ÐBSCL có thừa 7-8 triệu tấn gạo để xuất khẩu.  Bằng cách tiếp cận lúa mùa nổi với đặc tính vượt nước, nguồn gen quý ở vùng ÐBSCL, sâu xa là quá trình chuyển đổi nhận thức, hành động cụ thể từ cộng đồng, trong đó nguồn thu nhập đáng kể để cân bằng sinh kế trước biến đổi khí hậu. Sức sống lúa mùa nổi còn mang triết lý - năng lực phi phàm - tự vượt lên ngậm sương, hấp thu dinh dưỡng từ phù sa để nuôi lớn, hứng nắng trời mà đơm bông. Hạt lúa lành mạnh, không phụ thuộc phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chắc hạt, xốp cơm… mang vị ngọt phù sa Mekong. Dưới mặt nước, lúa mùa nổi là nơi các loại thủy sinh an trú, sinh sôi và phát triển trong mùa lũ.

Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tập hợp trên 120.000 loại giống bản địa từ các nước, Trường Ðại học Cần Thơ sưu tập được 8.000 mẫu lúa mùa, nguồn gen - vật liệu di truyền quan trọng được lưu giữ và bảo tồn trong thiên nhiên. Riêng Láng Sen - Ramsar không chỉ bảo tồn giống trong thiên nhiên mà còn làm giàu giá trị sản phẩm sau gạo, làm giàu ý tưởng đa dạng hóa sinh kế, từng bước phục hồi di sản nông nghiệp quan trọng trên vùng đất ngập nước.

CHÂU LAN

 

Chia sẻ bài viết