22/05/2023 - 07:44

Đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động thất nghiệp 

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Để đảm bảo quyền lợi người lao động (NLĐ) hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ tích cực hỗ trợ thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và lồng ghép tư vấn, kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức dạy nghề, tạo việc làm phù hợp. Qua đó, giúp NLĐ thất nghiệp nhanh chóng trở lại thị trường lao động.

Giờ học nghề kỹ thuật điện lạnh tại Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn.

Giờ học nghề kỹ thuật điện lạnh tại Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn.

Ông Phạm Thành Thông, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) quận Ô Môn, cho biết, hầu hết NLĐ đến Văn phòng Giao dịch BHTN và Việc làm quận Ô Môn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được nhân viên lồng ghép tư vấn chọn nghề học phù hợp nhu cầu thị trường lao động, xã hội. 4 tháng đầu năm 2023, Trung tâm phối hợp tổ chức dạy nghề cho 71 NLĐ thất nghiệp có nhu cầu học nghề, tạo việc làm. Từ năm 2021 đến nay, có 262 NLĐ thất nghiệp trên địa bàn quận Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Thới Lai, Cờ Đỏ đăng ký học các nghề kỹ thuật phổ biến như pha chế, trang điểm, điện lạnh và may công nghiệp. Trong hơn 5 tháng, học viên được trang bị các kiến thức, kỹ thuật cơ bản các nghề, được cấp giấy chứng nhận học nghề và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân. Anh Bùi Thanh Hòa, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, theo học nghề kỹ thuật điện lạnh từ tháng 3-2023. Trước đó, anh Hòa có 12 năm làm nhân viên kỹ thuật vận hành, bảo trì trang thiết bị cho công ty ở TP Hồ Chí Minh. Anh Hòa nói: “Qua học nghề, tôi biết thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật mới theo hệ thống, bài bản. Sau khi rành nghề, tích lũy được số vốn, tôi sẽ mở tiệm”. Qua tư vấn của nhân viên hướng dẫn thủ tục BHTN, chị Nguyễn Thị Mỹ Thu, ở phường Thới An, quận Ô Môn, chọn học nghề kỹ thuật trang điểm với mong muốn mở dịch vụ làm đẹp tại nhà. Trước đây, chị Thu tốt nghiệp đại học ngành thú y, làm việc 3 năm cho trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai. Do gia cảnh, chị Thu xin nghỉ việc và hưởng chính sách BHTN theo quy định.   

Theo ông Phạm Thành Thông, quá trình dạy nghề, Trung tâm GDNN-GDNN quận Ô Môn lồng ghép trang bị các kỹ năng giao tiếp, kết nối việc làm cho học viên các khóa. Anh Bùi Thanh Phúc, ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, học viên lớp nghề kỹ thuật điện lạnh năm 2021, đang làm chủ tiệm điện lạnh Thanh Phúc, khá nổi tiếng trên địa bàn xã. Anh Phúc chia sẻ: “Sau khi học thêm khóa nâng cao tay nghề, tôi mạnh dạn thuê mặt bằng mở tiệm sửa chữa các loại máy móc, thiết bị điện và đào tạo học viên, thu nhập hằng tháng khá cao”. Chị Lý Ngọc Hân, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, học viên lớp nghề kỹ thuật pha chế năm 2022, đang làm nhân viên pha chế tại cửa tiệm giải khát trên địa bàn phường, mức lương 5 triệu đồng/tháng. So với việc làm công nhân trước đây, chị Hân hài lòng với công việc, thu nhập từ nghề này và có niềm vui được gần gũi, chăm sóc chồng, con.  

Theo Trung tâm DVVL thành phố, thực hiện chức năng hướng dẫn NLĐ làm thủ tục hưởng BHTN, năm 2022, Trung tâm tổ chức 8 buổi livestream các nội dung về việc làm, đào tạo nghề, chính sách BHTN; thực hiện 40 kỳ góc thông tin trực tuyến về chính sách BHTN, việc làm, học nghề trên Cổng thông tin việc làm Cần Thơ và trang zalo, facebook, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tiếp cận thông tin thiết thực. Để thu hút NLĐ thất nghiệp quan tâm, đăng ký học nghề, Trung tâm DVVL thành phố phối hợp các cơ sở GDNN tăng cường các hình thức chiêu sinh, như phát tờ rơi thông tin các khóa dạy nghề, livestream trên mạng xã hội, giới thiệu gương NLĐ thất nghiệp được hỗ trợ học nghề phù hợp, tìm có việc làm hay tự kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn kỹ năng việc làm, khởi nghiệp cho NLĐ thất nghiệp kịp thời cập nhật xu thế thị trường kinh doanh đa dạng hiện nay. Các nghề được nhiều NLĐ thất nghiệp chọn học gồm kỹ thuật nấu ăn, pha chế, làm bánh, làm đẹp… Năm 2022, có 2.938 NLĐ thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề, tăng 39,44% so với năm 2021. Hiện thành phố có 12 cơ sở GDNN như các trung tâm GDNN-GDTX quận Bình Thủy, quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, Trung tâm GDNN phụ nữ TP Cần Thơ… tham gia đào tạo khoảng 50 nghề theo chính sách BHTN. Các cơ sở GDNN đã đa dạng hóa ngành nghề, chương trình, thời gian đào tạo phù hợp điều kiện, gia cảnh để NLĐ thất nghiệp chọn lựa, nhanh chóng tìm được việc làm, thu nhập ổn định.

Thời gian tới, Trung tâm DVVL thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin, tư vấn cơ hội việc làm, học nghề; phối hợp các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, các trường đào tạo, cơ sở GDNN tổ chức các buổi tư vấn việc làm trong và ngoài nước, tập huấn kỹ năng tìm việc, khởi sự kinh doanh giúp NLĐ thất nghiệp nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Đồng thời, tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động tại các cơ sở GDNN tham gia dạy nghề cho NLĐ theo chính sách BHTN.

Chia sẻ bài viết