04/05/2020 - 06:41

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 

Muốn ứng dụng thành công thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) trong phát triển kinh tế, trước tiên phải có “những con người 4.0”. Mặc dù đang trong thời kỳ “dân số vàng” với nguồn lao động dồi dào, nhưng nguồn nhân lực của TP Cần Thơ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi thành phố phải sớm có giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng lần này. Đặc biệt trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành đã và đang tác động làm thay đổi thế giới trong tư duy, phương thức sản xuất tự động hóa, giao thương, liên kết từ xa... thì nhân tố nhân lực càng đóng vai trò then chốt. 

Nhiều bất cập

Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu ứng dụng công nghệ Israel của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ.

Theo số liệu thống kê, đến năm 2018, TP Cần Thơ có quy mô dân số hơn 1,282 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 741.474 người, chiếm khoảng 57,8% tổng dân số. Nếu năm 2010 vị trí việc làm chuyên môn kỹ thuật cao là 25.405 thì đến năm 2018 con số này là 39.621 người, tương ứng nhân viên kỹ thuật bậc trung tăng từ 17.048 người lên 24.223 người, thợ lắp ráp và vận hành máy móc tăng từ 28.380 người lên 31.706 người. Với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào thì chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của thành phố được xem là thế mạnh trong quá trình ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào phát triển kinh tế. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có nhiều viện, trường, nơi hội tụ nhiều trí thức, nhà khoa học trên các lĩnh vực khác nhau và giữ vai trò quan trọng đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh những lợi thế nêu trên, nguồn nhân lực phục vụ CMCN 4.0 của TP Cần Thơ vẫn tồn tại nhiều bất cập. Đó là mặt bằng dân trí còn thấp so với các thành phố lớn trong cả nước. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn hạn chế về trình độ, cơ cấu chưa hợp lý; chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, khu công nghiệp. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ, lực lượng lao động của nước ta tuy dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp. Trong đó, số lao động làm các nghề giản đơn chiếm tỷ lệ cao nhất (37-40%), tỷ lệ lao động làm công việc chuyên môn kỹ thuật bậc cao chỉ dao động trong khoảng 6-7%. Bên cạnh đó, nhân lực của nước ta còn thiếu các kỹ năng mềm: ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp…

Thực tế cho thấy, sự bùng nổ của CMCN 4.0 với sự ứng dụng tự động hóa, robot thông minh vào sản xuất, kinh doanh thì lực lượng lao động giản đơn, tay chân dễ dàng bị máy móc thay thế. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lao động mất việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh, chia sẻ: “Quá trình hiện đại hóa, tự động hóa nhà máy, công ty đang gặp khó khăn vì thiếu lao động trình độ cao để vận hành các loại máy móc hiện đại. Chúng tôi đều phải tập huấn, đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu”. Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh CMCN 4.0, nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà còn phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài. Bởi vấn đề nguồn lao động, dồi dào, giá rẻ sẽ không còn lợi thế cạnh tranh.

Nâng chất lượng

Hoạt động nghiên cứu về công nghệ sinh học của Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa.

Để nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0, Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng cần có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao để trực tiếp tham gia cuộc CMCN 4.0. Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố sẽ tăng cường kết nối, đặt hàng với các đơn vị đào tạo để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm nắm bắt, tiếp cận và ứng dụng công nghệ phục vụ CMCN 4.0; đồng thời tăng cường lồng ghép các kiến thức về khoa học, công nghệ, ngoại ngữ, tin học trong chương trình đào tạo… Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp cần phải tích cực và chủ động trong phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ R&D. Đồng thời, lựa chọn mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp đảm bảo tính năng động và thích nghi tốt với những chuyển biến của cuộc CMCN 4.0.

Cũng liên quan đến vấn đề liên kết đào tạo nguồn nhân lực 4.0, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, thành phố cần hợp tác với các thành phố, tập đoàn lớn trên thế giới mạnh về công nghệ, nguồn lực. Từ đó có thể hợp tác cùng phát triển cũng như tận dụng cơ hội để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng thành phố thông minh; khởi nghiệp sáng tạo; công nghệ hiện đại, tích hợp hướng về CMCN 4.0. Một số ý kiến cho rằng, TP Cần Thơ là nơi hội tụ đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cao trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật-công nghệ với chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng chưa được phát huy một cách tối đa. Để có thể tận dụng được nguồn “tài nguyên quý” này, thành phố nên có cơ chế, chính sách và thống nhất với các viện trường cho phép lực lượng này làm việc bán thời gian cho thành phố với những chính sách, đãi ngộ thỏa đáng.

Theo các chuyên gia đầu ngành, Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang hướng đến xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; đảm bảo gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, tạo sự minh bạch hơn nữa trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là TP Cần Thơ không chỉ phải đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà còn phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn để điều hành chính quyền điện tử. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng thành phố thông minh trong tương lai, đáp ứng yêu cầu cao của cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Ngoài ra, đối với cơ sở hạ tầng hiện có: Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ… cũng cần được thành phố khai thác một cách hiệu quả. Bởi đây là những “đầu mối” đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đắc lực cho hành trình ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào phát triển kinh tế của thành phố.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết