Ghi chép * Vũ Thống Nhất
Một người đàn ông Canada ngoài 60 tuổi tay cầm ghế mủ, tay ôm chai nước, ổ bánh mì lọ mọ leo lên nơi cao nhất của Dinh Cậu rồi đăm đắm nhìn ra biển hàng giờ, đến khi chiều buông tím hết biển mới chịu về
Dù buồn hay vui thì Phú Quốc vẫn là điểm ông chọn khi còn sức, ông khách này trả lời anh bạn tôi.

Phú Quốc tạo niềm vui. Ảnh: V.T.N
Nắng tháng 3 gay gắt. Sân bay quốc tế Dương Tơ rộng hơn 900ha, lọt giữa vách núi và màu xanh của rừng. Đứng giữa đường băng dài hơn 300m, rộng 45m đã thành hình đang nhộn nhịp xe ben, xe trải, cán nhựa... mới cảm nhận rõ ràng hơn tầm vóc, quy mô của dự án này. Nam - kỹ sư Công ty xây dựng Hàng không ACC quê tận Hải Dương, nói với tôi: riêng gói thầu này đã có hàng triệu khối đất lấy lên từ độ sâu 5-6 mét rồi đổ thêm ba lớp đá có độ dày khác nhau, gia cố xi măng, đắp nền, san bằng mới tới công đoạn tráng ba lớp nhựa, trên cùng là nhựa Polime. Nam giới thiệu thêm đây là dự án sân bay có tầm cỡ quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước.
Ông Lê Tấn Hà, Chỉ huy trưởng ACC, thuyết minh: “Dự kiến trong năm 2011 hầu hết các hạng mục chính sẽ hoàn thành; tường rào và đường công vụ, đường vào sân bay dự kiến hoàn thành vào quý IV/2012”.
Những “chú sếu đầu đỏ” Air Mekong đã xuất hiện bên biểu tượng “bông sen vàng” Vietnam Airlines ở sân bay Phú Quốc. Đến năm 2012, khi đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Dương Tơ sẽ là cảng hàng không quốc tế thứ 3 ở khu vực phía Nam; đón đầu thị trường khi Phú Quốc trở thành khu kinh tế hành chính du lịch, trung tâm tài chính ngân hàng, đầu mối giao thương quan trọng quốc gia, quốc tế. Cao điểm có thể tiếp nhận tới 20 máy bay hiện đại (Boeing 777 747-400 và tương đương...) với mỗi năm 7 triệu hành khách và 27.600 tấn hàng hóa.
Những chiếc ôtô du lịch 45 - 60 chỗ nối đuôi trên đường là nét mới của đảo ngọc khi Công ty Thạnh Thới - lần đầu tiên - chở được ôtô từ Hà Tiên ra Phú Quốc. Dự án khu cảng biển gắn với cụm công nghiệp dịch vụ Vịnh Đầm, khu phức hợp Bãi Trường, cơ sở Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, hai bệnh viện 500 giường kết hợp nghỉ dưỡng... tạo cho hòn ngọc Phú Quốc thêm lung linh, sống động.
* * *
Chúng tôi ngồi ở quán cà phê Gió Biển. Quán có vị thế đẹp, nhìn ra Dinh Cậu, làng chài Hàm Ninh, tàu ghe san sát cặp bến Dương Đông... Chợt nhớ lời của Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nói hôm trước: Phú Quốc đang phát triển “nóng” với nhiều chỉ số tích cực; GDP bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng (tương đương 1.567 USD); dự án Casino đã được trên chính thức đồng ý... “Đất lành chim đậu” - hiếm có nơi nào tạo được hấp lực đầu tư mạnh đến vậy. Riêng năm 2010, khách du lịch đạt 239.794 lượt người, tăng 10,07% so năm 2009; doanh thu du lịch đạt 501 tỉ đồng, tăng 24%; 233 doanh nghiệp mới được cấp phép với tổng vốn 2.471 tỉ đồng; người nước ngoài làm việc tại Phú Quốc cũng gia tăng, lên đến 92 người... Và còn cái tình “đa quốc gia” nữa. Tôi từng ăn trong một quán ở khu chợ đêm của anh người Đức lấy vợ Việt và định cư luôn trên đảo. Hàng đêm, anh phụ vợ bán mấy món Tây. Ai đi ngang anh ta cũng tuôn ra vài câu mời chào rất vui.
* * *
Lang thang khắp Phú Quốc, ở đâu người ta cũng bàn tán về “thời điểm vàng” - 2012. Đường không, đường thủy, đường bộ đều đã thông thoáng. Cảng biển quốc tế An Thới xây mới hoàn toàn (280.000 tấn hàng hóa - 440.000 hành khách/năm) đã hoàn thiện. Cửa sông Dương Đông, cửa ngõ chính để các tàu cá, các phương tiện thủy từ đất liền ra đảo và ngược lại sẽ được nạo vét luồng. Đê chắn sóng dài hơn 500m, rộng 4m, chấm dứt nỗi ám ảnh năm nào cũng có tàu ghe bị lật do sóng dữ, cửa biển cạn, luồng lạch nhỏ bên đá bên cát bồi. Dự án “Cảng tàu khách Dương Đông” với nhiều hạng mục cao cấp như khu dịch vụ nổi, nhà hàng, nhà đón khách... Những công trình hạ tầng khác cùng các đường trục giao thông chính trên đảo sẽ hoàn tất vào cuối 2011 và đầu 2012.
“Đó sẽ là mốc son bứt phá” - Trần Thanh Tuấn, chủ DNTN Du lịch Nhiệt đới cho biết sẽ đầu tư làm tour lớn, ra thẳng Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Trịnh Công Phát, chủ DNTN “Vườn táo”, nhà sát sân bay Dương Tơ cũng chuẩn bị cho sự kiện này từ mấy năm trước.
Khoảng 10 năm nay, hàng ngàn tỉ đồng cùng nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ giúp Phú Quốc khởi sắc thấy rõ. Trong 5 năm tới mỗi năm Phú Quốc sẽ thu hút 20.000 tỉ đồng vốn đầu tư, 800.000 khách du lịch, khoảng 25.000 lao động trong và ngoài nước. Về lâu dài, đây sẽ là mô hình đặc khu gồm đô thị biển đảo, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp...
* * *
Ông Trương Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, thì trăn trở rất nhiều về vùng đất này. Quả thật, ngọc trên đảo ngọc sẽ rơi vãi ít nhiều nếu những vướng mắc chậm khắc phục. Hàng trăm công nhân từ đất liền phải đổ bộ ra đảo làm việc tại sân bay Dương Tơ cho thấy ngay lao động phổ thông ở đây cũng khó tìm. Nhân lực du lịch, nhất là du lịch cao cấp cho “Trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế” vẫn là lời giải khó cho bài toán phát triển.
Ba phương án cấp điện (nhiệt điện, điện gió...) cho đảo vẫn “lình xình”. Tuyến cáp ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên Phú Quốc trị giá khoảng 90 triệu USD dự kiến đóng điện vào năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công. Năm 2010 ngành điện vẫn phải bù lỗ hơn 127 tỉ đồng và hai xã Gành Dầu, Bãi Thơm vẫn chưa có điện lưới.
Xưa kia, Phú Quốc là một vùng đất an bình, kỷ cương pháp luật, truyền thống được giữ gìn, gạn lọc bắt nhịp với nét hiện đại giúp nhà đầu tư và du khách quyến luyến, thì nay người Phú Quốc đang “đau đầu” về trật tự xã hội và quản lý người nhập cư. Ông khách trên tàu câu mực kể đêm trước taxi ông phải thuê chở lòng vòng mất hơn 1 triệu đồng mới kiếm được phòng nghỉ 300 ngàn! Ông chủ “Vườn táo” méo mặt bởi ngay đầu năm Tân Mão có kẻ đột nhập trụ sở ẵm đi 250 triệu đồng... “Trước đây đâu có vậy. Đảo phát triển nhanh mừng nhiều mà lo cũng lớn. Rồi chuyện mở 12 đường xương cá xuống biển đã 5-7 năm vẫn chưa triển khai...” - ông Vững, một người dân gần 60 tuổi, bức xúc.
Du lịch sẽ là đòn bẩy nhưng người dân đang hụt hơi đuổi theo “giá du lịch”. Cô nhân viên nhà nghỉ nói giá phòng tăng 25-30% “từ Tết”. Một tô canh chua cá bớp chỉ “dính miếng thịt” kèm con cá biển chiên “chưa đầy gang” cùng tô cơm có giá 50 ngàn đồng. Giá đất cao phi lý đã ngăn cản không ít nhà đầu tư muốn đến Việt Nam. Phú Quốc “sốt đất” từ năm 2002,trầm lắng từ năm 2009 nhưng thực ra vẫn gay gắt bởi nhiều cuộc đua. Đất “mặt tiền” rừng hay biển Phú Quốc xê xích tiền tỉ và đều tăng chóng mặt. Ở Dương Tơ, “không có miếng đất nào là chưa có người hỏi mua”. Mấy năm trước, có chuyên gia nước ngoài đã thảng thốt khi giá thuê đất tại Phú Quốc còn cao hơn giá đất tại các điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Phuket (Thái Lan) hoặc Bali (Indonesia)...
Đến bây giờ, về đêm, đảo ngọc vẫn chưa có tụ điểm văn hóa tương xứng. Và muốn phát triển bền vững, sinh thái không thể bỏ qua nông nghiệp. Phú Quốc tự hào bởi hai đặc sản tiêu và nước mắm. Nhưng biển khơi đã giận dữ (dân dùng suyệt điện chà xát) khiến cá cơm sọc than vốn chỉ có ở đây, ngày càng cạn kiệt. Năm 2000, “Vương quốc hồ tiêu” Phú Quốc có diện tích lên đến 1.000ha; năm 2009, thống kê lại chỉ còn 477ha; năm 2010 chỉ còn khoảng 300ha! Quy hoạch 3.000ha điều càng không thực hiện được khi năm 2009, diện tích cây điều chỉ là 420ha, đến năm 2010 ước còn khoảng 400ha. Phú Quốc chỉ mới cung cấp được trên 40% nhu cầu trái cây cho đảo. Đặc sản rượu sim rừng đã phải loay hoay tìm kiếm nguyên liệu bên ngoài mấy năm nay. Ngày 8-3-2011, một nhóm nghiên cứu dự án khôi phục, bảo tồn cây sim rừng của Trường Đại học Goergetown Hoa Kỳ đã bay ra đảo nhưng nghe đâu để triển khai dự án vẫn “sâu, xa thăm thẳm” như biển nơi đây.
Đảo xanh sẽ xanh. Đó là quyết tâm của Phú Quốc. Và ai cũng kỳ vọng về điều đó.