19/07/2020 - 11:30

Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại 

“Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại” là chủ đề hội thảo khoa học do Tỉnh ủy Bến Tre chủ trì, phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, tổ chức. Hội thảo lần này được xem là sự nối tiếp hội thảo khoa học về nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị từng được tổ chức vào năm 1985 tại tỉnh Hậu Giang (nay là TP Cần Thơ). Nhiều chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp thơ văn của cụ Cử Trị được nêu ra một cách thận trọng, khoa học với mong muốn vinh danh công trạng danh nhân đất phương Nam.

Nhân dân thắp nhang tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị.

►Nghi vấn “9 đời không được làm quan”

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia hội thảo lần này nhắc lại câu chuyện vì sao cụ Phan Văn Trị sau khi đậu cử nhân lại không ra làm quan. Theo tra cứu trong “Quốc triều Hương khoa lục”, cụ Phan Văn Trị đậu cử nhân tại khoa thi năm Kỷ Dậu, Tự Ðức thứ 2 (1849) ở Trường Gia Ðịnh. Năm này có 17 người đậu và cụ được xếp thứ 10, giới thiệu là: “Người thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long”. Cùng đỗ khoa thi này có nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông, xếp thứ 2, từng kinh qua những chức như Bố Chánh Quảng Ngãi, Phó sứ Ðiển nông… Vậy nhưng, nhà thơ Phan Văn Trị đã không chọn chốn quan trường.

Có nghi vấn cho rằng ông bị án phạt 9 đời không được làm quan. Căn cứ cho nghi vấn này là bài “Ðiếu Cử Trị” với hai câu đầu bài là:

“Một đời oan chịu đã mòn hơi!

Hà huống oan oan đến chín đời”

Cũng có giai thoại kể về chuyện cụ Phan Văn Trị từng tìm gặp cụ Phan Thanh Giản ở Huế để “nhờ giúp đỡ”. Qua những cứ liệu này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cụ Phan Văn Trị không ra làm quan sau khi đỗ cử nhân là vì “vạ 9 đời”. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng điều này khó thuyết phục.

Nhóm nghiên cứu GS.TS Võ Văn Sen và TS Lưu Văn Quyết, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Thơ văn và những giai thoại về cụ Cử Trị đều chứng tỏ cụ là người khoáng đạt và không màng danh lợi. Dù sống cảnh nghèo khó song cụ không vướng chuyện địa vị, tiền bạc, sẵn sàng lên án những điều trái khoáy, bất nghĩa. Cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường là minh chứng thuyết phục. Vậy nên theo nhóm nghiên cứu này, việc cho rằng cử nhân Phan Văn Trị ra tận Huế tìm gặp người đồng hương Vĩnh Long, Phan Thanh Giản, để “nhờ giúp đỡ” là chưa thỏa đáng. Hơn nữa, nếu quả thật có việc dòng họ cụ Cử Trị bị phạt “9 đời không được làm quan” thì cụ đã không có cơ hội đến trường thi chứ đừng nói được đậu cử nhân. Theo quy chế thi cử dưới thời nhà Nguyễn, sĩ tử đi thi phải khai lý lịch tới 3 đời và được chính quyền địa phương xác nhận mới có giá trị.

Cùng nhận định này, nhóm nghiên cứu Võ Phúc Toàn, Trần Thị Bích Trâm, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, đã kỳ công khảo sát hành trạng các cử nhân trong kỳ thi Hương năm 1849-1850. Trước tiên là về quy chế thi cử dưới triều Nguyễn, trường hợp thí sinh không được ứng thí: thọ tang cha mẹ hay ông bà nội nếu là người thừa tự; ngoại tỉnh đến trú ngụ để học thi; bất hiếu, gian dâm, tàn bạo; kết thân với kẻ tàn bạo, bị kết tội nặng; thân thuộc với giặc… Ðặc biệt, trước kỳ thi Hương năm 1849, vua Tự Ðức còn ban hành quy định về tạo điều kiện cho người không đỗ thi Hội tham gia quan trường. Với những con số minh chứng, nhóm nghiên cứu xác tín, nếu chọn chốn quan trường, cụ Cử Trị không hề bị một cản ngại nào như những đồn đoán trong dân gian.

Từ đây có thể thấy, việc cụ Cử Trị chọn cách dạy học, bốc thuốc cứu người và làm thơ thay vì vào chốn quan trường phải chăng là sự chán nản trước thời cuộc, không muốn nhuốm phiền việc lợi danh, dưới sự rối ren của xã hội đương thời. Ðiều này nếu được xác tín, càng làm rõ thêm khí khái và tiết tháo của cụ Phan.

►Khởi xướng phong trào tỵ địa

Khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, phong trào tỵ địa được các quan lại, nho sĩ, nhà yêu nước khởi xướng và hưởng ứng mạnh mẽ. Cùng với cụ Ðồ Nguyễn Ðình Chiểu, nhà thơ Nguyễn Thông… thì cử nhân Phan Văn Trị là một trong những người khởi xướng phong trào này.

Tỵ địa có thể hiểu là cách cư xử bất hợp tác của những quan lại, nho sĩ thời đó với người Pháp. Thay vì chọn cách đối đầu ngay lập tức, họ tìm lánh về những địa phương xa người Pháp đồn trú, trước để khỏi chướng tai gai mắt những điều xằng bậy của bọn cướp nước và bè lũ tay sai, sau là củng cố lực lượng, chờ thời cơ chống Pháp. Những người chọn cách tỵ địa không phải chọn con đường an phận thủ thường, mắt lấp tai ngơ trước thời cuộc mà vẫn dõi theo vận nước, số dân, vẫn đau đáu trước cảnh nước mất nhà tan. Trong số những địa phương được chọn tỵ địa nhiều và sớm nhất, phải kể đến Cần Thơ và Bến Tre.

Sau khi Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Ðông Nam Kỳ, cụ Cử Trị đang dạy học ở làng Bình Cách, phủ Tân An, tỉnh Gia Ðịnh, tỵ địa về Vĩnh Long. Năm 1868, cụ Phan lại tiếp tục tỵ địa về làng Nhơn Ái, Phong Ðiền, Cần Thơ, tiếp tục nghề dạy học và sinh sống ở đây đến mãn phần. Ðúng như ý nghĩa của phong trào tỵ địa, cụ Phan Văn Trị lúc ở Phong Ðiền đã không bó gối chờ thời mà mạnh dạn “dùng thơ đánh giặc”, rèn dạy những học trò về đạo làm người, biết lo nỗi lo chung của dân tộc. Cụ Cử chọn cách dùng thơ để bày tỏ tấc lòng. Ví như trước cảnh Pháp xâm lược nước ta, lại có nhiều bọn gian thần nịnh hót, mãi quốc cầu vinh, cụ lại nhớ về thú chơi đá cá thia thia của người Nam Bộ. Nhìn cảnh đồng loại cắn xé lẫn nhau, cụ chạnh lòng mà thốt lên:

“Ðồng loại sao ngươi chẳng ngỡ ngàng,

Hay là một lứa phải nung gan!

Trương vi so đọ vài gang nước,

Ðấu miệng hơn thua nửa
tấc nhang...”

(“Đá cá thia thia”- bài I)

Hay thông qua hình ảnh con muỗi hút máu người, nghĩ lại bọn cướp nước, bán nước, cụ Cử giận căm gan. Cụ chạnh lòng nghĩ đến sự nghèo khổ, cùng cực và bị hà hiếp của đồng bào:

“Béo miệng chẳng thương con trẻ dại

Cành hông nào đoái chúng dân nghèo”

(“Con muỗi”)

Nhưng đến hai câu cuối bài, cụ Cử thể hiện niềm lạc quan, sự vùng dậy, phản kháng để đánh bạt cái ác, cái xấu:

“Ngày nào miễn gặp cây xơ quất

Xử tội nhà ngươi mắt chẳng nheo”.

Ðiều đáng quý nữa trong thời gian tỵ địa ở Phong Ðiền là cử nhân Phan Văn Trị đã thu hút được nhiều học trò tài ba bằng tài năng và tiết tháo của ông. PGS.TS Hà Minh Hồng, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, cho biết: Học trò của cụ Cử Trị ở miền Tây Nam Kỳ dần dần đông lên, như Nguyễn Phước Dương (Tử Hiển), Nguyễn Giác Nguyên (Long Khê), Trần Ngọc Lầu, Nguyễn Hữu Ðức, Phạm Bá Ðại, Lê Quang Chiểu… Trong số này, nổi lên là Cai tổng Ðịnh Bảo Lê Quang Chiểu. Ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của cụ Cử Trị, Cai tổng họ Lê đã từ chức, sống đời thanh bạch và dùng thơ bày tỏ tấc lòng.

Bàn về phong trào tỵ địa mà cụ Phan Văn Trị và những người cùng chí hướng khởi xướng, PGS.TS Trần Thuận, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nhận định rằng, phong trào đã thể hiện sự phản kháng quyết liệt về mặt tư tưởng của sĩ phu, xuất phát từ nhận thức “không đội trời chung” với quân thù. Ðó là một cách để giữ vững khí tiết của nhà Nho. Và thực sự, đây là nét độc đáo của phong trào kháng Pháp của quân và dân Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ XIX. Ths Trần Ðình Ba, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, thông tin thêm qua tổng hợp từ một số tài liệu: Sau khi Hòa ước Nhâm Tuất (1862) được ký kết, cụ Phan Văn Trị là một trong những người đề xướng phong trào tỵ địa và được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Phong trào này đã gây nhiều khó khăn cho thực dân Pháp trong việc thiết lập trật tự và nền cai trị của chúng trên đất Nam Kỳ lúc ấy và về sau.

*   *   *

Một thế kỷ nhìn lại, tấm lòng, tài hoa và đạo nghĩa của cử nhân, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị vẫn sáng ngời. Trải qua bao cuộc bể dâu lúc sinh thời, cụ Cử Trị đã an nghỉ tại Cần Thơ. Người Cần Thơ bao thế hệ vẫn tự hào về cử nhân Phan Văn Trị. Cũng với tâm tình đó, Ban tổ chức hội thảo hy vọng sẽ có thêm nhiều tư liệu mới bổ khuyết những khoảng trống về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của cụ Cử Trị, để tương lai gần, một tổng tập thơ văn và nghiên cứu công phu, khoa học về cử nhân Phan Văn Trị sẽ được ra đời, góp phần vinh danh một danh nhân văn hóa đất phương Nam.l

----------

Tài liệu tham khảo:

- “Quốc triều Hương khoa lục”, Cao Xuân Dục, NXB Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011.

- Kỷ yếu hội thảo “Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại”, 2020.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết