08/05/2016 - 10:05

Dành cho em im lặng của mùa hè

Truyện ngắn PHONG LINH

Hồi ấy, Quỳnh mê thơ Lưu Quang Vũ. Tôi vẫn nhớ Quỳnh thích nhất bài thơ "Dành cho em". Ngày ấy, lúc chép vào cuốn sổ lưu bút của Quỳnh, tôi nắn nót câu "Dành cho Quỳnh im lặng của mùa hè", trong dòng tái bút, bày tỏ tình thương mến đơn phương của tôi, cho Quỳnh. Hồi ấy, lớp chuyên toán của tôi chỉ có mấy đứa con gái, đứa nào cũng khô khốc, ăn nói bỗ bã, cười toang toác suốt ngày. Chỉ có Quỳnh thích thơ văn, đi đứng từ tốn, nhỏ nhẹ. Chả hiểu sao, Quỳnh bị đám bạn tẩy chay, tôi nghĩ có lẽ vì Quỳnh giỏi toán nhất nhì lớp, lại một bụng thơ văn. Em đọc thơ Lưu Quang Vũ trôi chảy, rủ rỉ, trong đêm văn nghệ tốt nghiệp, làm lũ con trai lớp toán chúng tôi sụt sùi cảm động.

Tôi nghĩ Quỳnh có người thương, mà người ấy ở rất xa nên Quỳnh thường lặng lẽ, chẳng tiếp xúc với người con trai nào khác, dù chỉ là những bữa chè kem như tụi nữ sinh nam sinh chúng tôi vẫn thường rủ nhau la cà. Tan học, Quỳnh đạp xe về nhà ngay. Căn nhà ba tầng lúc nào cũng đóng cửa. Chỉ có giàn hoa giấy đỏ trước nhà Quỳnh luôn xum xuê hoa, đẹp đến nao lòng. Tôi biết Quỳnh hay ngồi dưới giàn hoa giấy ấy đọc sách mỗi buổi chiều, nên thường giả bộ đi ngang qua, để ngắm Quỳnh, và đôi lúc có thể trò chuyện vài câu. Đó là quãng thời gian đẹp nhất trong ký ức tôi.

Sau khi tốt nghiệp, tôi đi du học ở Hàn Quốc theo học bổng của chính phủ. Dĩ nhiên, tôi vẫn giữ liên lạc với các thành viên khác trong lớp, trừ Quỳnh. Cho đến mười lăm năm từ ngày tốt nghiệp cấp ba, đây là lần đầu tiên chúng tôi quyết định họp lớp chuyên toán.

Ngay từ sau buổi trao gửi lưu bút ấy, tôi đã không gặp Quỳnh thêm một lần nào trong suốt mười lăm năm qua. Tôi chỉ nghe nói, Quỳnh đang đi dạy học. Hình như dạy cấp 1 ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Nói vậy, Quỳnh là người lẹt đẹt nhất lớp. Bởi lớp chuyên toán ngày ấy được coi là những cá nhân xuất sắc và chúng tôi đều đã có chút ít danh tiếng hay thành công.

Tôi không nhớ rõ buổi họp lớp đã diễn ra thế nào kể từ lúc tôi gặp Quỳnh. Em vừa bước tới, tôi đã quên hoàn toàn khoảng thời gian mười lăm năm qua để trở về cái thời chúng tôi 18 còn tương tư vẩn vơ. Quỳnh đối diện với tôi, vẫn khuôn mặt trái xoan, nụ cười rạng rỡ nhưng vẫn kín đáo ấy, ánh mắt trìu mến nhưng xa xôi kia, em vẫn là Quỳnh trong tôi, như chưa từng xa cách.

Quỳnh ăn mặc giản dị đúng như một cô giáo làng, không son phấn, không giày cao gót. Tóc kẹp nửa đầu bằng chiếc khăn rất dịu dàng. Mãi đến tận lúc chia tay nhau ra về, tôi mới đến gần Quỳnh, và nói được đôi câu riêng tư. Lúc ấy, tôi bối rối quá, còn em chỉ cười. Tôi ngượng ngùng "Mình có thể gặp lại nhau không?". "Nếu cậu có hứng thú, mình đang nghỉ hè, cậu có thể về chơi"- Quỳnh nói rồi mở cuốn sổ xé ra một tờ giấy trắng hí hoáy viết địa chỉ và đưa cho tôi. Quỳnh bước đi rồi, tôi vẫn giữ tờ giấy trong tay mà đầu óc luống cuống, mơ hồ như chưa thoát khỏi cơn mơ. "Quỳnh ơi"- tôi chạy theo Quỳnh. "Để mình đưa Quỳnh về nhé"- tôi nói. "Ôi, xa xôi lắm"- Quỳnh cười bối rối. "Mình gửi xe ở đây, đi xe đò cùng Quỳnh. Quỳnh vừa mời mình rồi mà"- tôi quyết.

 

Chúng tôi phải bắt xe mấy chặng gập ghềnh, sau đó đi bộ hơn chục cây số đường rừng mới tới nơi Quỳnh ở. Trước mắt tôi là một căn nhà cấp bốn, ba gian, trông nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ. Trước mặt là một vườn hoa cúc nhỏ đầy màu sắc. Bao quanh tất cả là một khu rừng xanh ngắt. Gió thổi hiu hiu. Tôi còn ngửi thấy trong không khí mùi thơm trong lành.

Thấy tôi chăm chú nhìn những luống hoa, Quỳnh nhẹ nhàng nói "Chỉ có loài hoa này là sống được ở đây". Vì đang ở trên núi nên đêm xuống rất nhanh. Cảm giác chỉ có tôi và Quỳnh ở cạnh nhau vào lúc này khiến tôi hạnh phúc vô cùng.

Quỳnh nấu một bữa cơm đạm bạc, trong lúc tôi đi dạo xung quanh. Quỳnh bảo ở gần đây có một cái hồ rất đẹp. Ban đêm sẽ nhìn thấy những đám sương trắng lơ lửng sà xuống hồ, như những mảnh khăn trắng của tiên nữ. Vừa như ảo ảnh vừa như mơ hồ. Mỗi đêm trăng sáng, đứng ở hồ cảnh sắc miên man, vừa cảm thấy cô độc lại như vừa cảm thấy được an ủi.

Tôi thấy lòng buồn hiu hắt, Quỳnh làm sao có thể ở một nơi điện nước đều thiếu thốn, chẳng có lấy một tiếng người chứ đừng nói huyên náo. Mỗi người ở đây đều cách xa nhau. Hôm ấy, lần đầu tiên tôi nghe Quỳnh nói về mình nhiều đến vậy.

***

Ngày xưa mình cũng từng rất thích Bình, lúc đọc lưu bút, biết cậu chép câu thơ ấy, mình thẫn thờ mãi. Chẳng biết Bình có cảm nhận như mình về cái "im lặng" ấy không, nhưng mình vẫn cảm động. Sự cảm động nằm trong im lặng, như bao nhiêu lần mình im lặng nhìn Bình, im lặng đợi ánh mắt Bình. Kể hồi ấy cũng lạ, chúng mình lớn thế mà cứ ngại ngùng, đến viết một lá thư cũng viết cả chục lần rồi chẳng dám.

Tốt nghiệp xong, mình nghe lời cha mẹ đi học ở Anh, nhưng học được một năm thì mình bỏ học, về nhà rồi đến nơi này ở, tính ra cũng hơn chục năm rồi.

Thực ra cũng bởi hồi ấy ở bên Anh, mình quen một người đàn ông, người ấy say mê việc từ thiện. Khi ông nói với mình về vùng đất xa xôi của Việt Nam này, mình đã cảm động đòi đi theo ông. Ở đây mình có thể dạy bọn trẻ tất cả mọi thứ. Mơ mộng của mình khi ấy còn là được ở bên cạnh ông, phiêu du thiên hạ, giúp đỡ người khác, tạo nên một mối tình bất diệt. Mình đã có một năm hạnh phúc. Chúng mình giúp người dân ở đây xây trường học, làm cầu, giúp trồng bắp, trồng khoai, mình còn dệt thảm, dệt váy. Nhưng mình không giữ được ông, rồi một ngày ông nói rằng ông chỉ có thể sống ở đây chừng ấy thời gian. Không nơi nào và không ai giữ được trái tim của ông vĩnh viễn.

Lúc ấy mình đã quyết định sẽ không đi đâu cả. Những đứa trẻ ở đây cần một giáo viên, một người chị, một người bạn như mình. Bình thấy không, nhu cầu cuộc sống thực ra rất đơn giản. Bây giờ mình làm việc hằng ngày, tối đến mình đọc sách một chút, viết nhật ký, rồi thỉnh thoảng ngồi ngắm cái hồ như ảo ảnh này. Thế là hết một ngày. Chẳng thấy tương lai có gì rạng tỏ, cũng chẳng cảm thấy có điều gì bất hạnh.

***

Tôi nghĩ đến bao năm rong ruổi của mình, đi qua bao nhiêu miền đất, gặp gỡ biết bao nhiêu người, rồi cũng chẳng thể hiểu nổi bản thân thực sự cần gì sau danh vọng và phồn hoa.

Vậy mà ở trước mặt hồ giữa núi rừng xa thẳm này, tôi lại lần đầu tiên nhìn thấy tâm hồn và nhu cầu cuộc sống của mình cũng giản đơn. "Bao giờ Bình về?". "Mình chưa biết được. Có lẽ mình ở lại vài ngày". Quỳnh không nói gì, chỉ cười lặng lẽ. Mấy ngày sau đó, tôi theo Quỳnh đi ra đồng giúp gia đình các học sinh. Bọn trẻ con ríu rít khi nhìn thấy Quỳnh. Người lớn thì vui tươi cười nói. "Quỳnh được quý mến thật!". Quỳnh chỉ cười. Nụ cười an nhiên.

Đã đến lúc tôi phải đi. Dĩ nhiên, tôi yêu mảnh đất này và cũng muốn ở bên cạnh Quỳnh. Nhưng cuộc sống của tôi vốn không phải ở đây. Tôi không đủ dũng cảm để lựa chọn như Quỳnh. Khi tôi nói về ngày tôi sẽ rời đi, Quỳnh cũng chỉ cười.

Quỳnh hỏi tôi từ ngày chia tay nhau hồi ấy, tôi có còn đọc thơ của Lưu Quang Vũ không? "Có, mình vẫn đọc". "Vậy có đoạn nào còn nhớ, có thể đọc cho mình nghe không?"

Tôi nhất thời bối rối, chẳng kịp nhớ ra điều gì. Chỉ nhớ mấy câu thơ cứ hiện ra rõ ràng suốt cả khoảng thời gian ở bên Quỳnh,

"Một cuộc chia tay có gì đâu em nhỉ / Một chuyện tình tan vỡ, có gì đâu / Kết thúc một năm bao giờ chả thế / Sau mọi điều, lại chỉ có mùa đông"

Chợt thấy tôi ở tuổi 34 chẳng khác gì khi 18 tuổi còn tương tư Quỳnh.

"Mình tin những điều Lưu Quang Vũ viết. Gặp lại Bình, được nói cùng Bình những điều ngày xưa, với mình là một mối tương phùng đẹp đẽ, mình muốn Bình giữ giùm vật này"- Quỳnh vừa nói, vừa đặt vào tay tôi một cuốn sổ tay nhỏ, bọc da cẩn thận. "Hãy mở ra khi rời khỏi đây nhé".

Tôi giữ chặt tay Quỳnh trong tay mình, đã bao lần tôi muốn nói "Hãy đi theo mình, mình nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho Quỳnh"- nhưng tôi lại im lặng. Bởi đây mới là nơi Quỳnh thực sự thuộc về và tôi biết em hạnh phúc.

Lúc ngồi trên chuyến xe trở về thành phố, tôi mở cuốn sổ bọc da Quỳnh tặng. Những dòng chữ đã phai màu mực, nhưng tôi nhận ra ngay nét chữ của Quỳnh. Chỉ có một dòng chữ mới được đề ở ngay đầu trang: "Dành cho Bình im lặng của mùa hè".

Mùa hè ấy cũng như mùa hè năm 18 tuổi, chúng tôi đều đã sống trong sự im lặng cảm động dành cho nhau. Tôi biết rằng, tôi sẽ còn quay lại...

Chia sẻ bài viết