03/06/2021 - 04:44

Dân Trung Quốc “ngán” sinh con vì tốn kém 

Các cặp vợ chồng Trung Quốc giờ đây có thể sinh tối đa 3 con theo chính sách mới, nhưng chi phí và gánh nặng chăm sóc trẻ em quá lớn khiến nhiều gia đình ngần ngại không muốn sinh thêm.

Áp lực tài chính khiến nhiều gia đình Trung Quốc không muốn có đông con. Ảnh: Reuters

Áp lực tài chính khiến nhiều gia đình Trung Quốc không muốn có đông con. Ảnh: Reuters

Hôm 31-5, Chính phủ Trung Quốc thông báo nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các cặp vợ chồng ở nước này có con thứ 3. Chính phủ dự kiến ban hành thêm nhiều biện pháp hỗ trợ, bao gồm cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em, chế độ bảo hiểm và nghỉ thai sản cũng như chi phí giáo dục. Đây là những thay đổi mang tính bước ngoặt và được thông qua sau kết quả điều tra dân số đáng lo ngại gần đây cho thấy dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.

Trước nỗ lực của chính quyền nhằm cải thiện cơ cấu dân số, nhiều đôi vợ chồng Trung Quốc lại không hào hứng có hơn hai con bởi việc nuôi dạy một đứa trẻ rất tốn kém, nhất là ở đô thị. Theo báo cáo năm 2019 của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, một gia đình trung lưu sống ở Thượng Hải chi khoảng 131.000USD để nuôi nấng một đứa trẻ từ lọt lòng đến năm 15 tuổi. Đối với gia đình có thu nhập thấp sống ở ngoại ô, báo cáo ước tính họ phải dành hơn 70% trong mức thu nhập chưa tới 7.800USD/năm cho mỗi đứa con.

Trên mạng xã hội Weibo, hầu hết các bình luận đều kêu gọi chính phủ giải quyết vấn đề cơ bản như chi phí giáo dục đắt đỏ, giá nhà cao ngất ngưởng và giờ làm việc không linh hoạt trước khi khuyến khích người dân có con. Nếu tính cụ thể, một bà mẹ từ giai đoạn mang thai đến khi sinh nở phải trả tầm 15.700USD. Đây là chi phí cho các dịch vụ ở phòng khám tư nhân. Thường những xét nghiệm trước khi sinh và sinh nở tại bệnh viện công sẽ được bảo hiểm nhà nước chi trả, nhưng nguồn lực eo hẹp ở những cơ sở này cộng với thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng đã tạo điều kiện cho nhiều người chuyển sang sử dụng dịch vụ tư. Ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, các chị em muốn đến trung tâm chăm sóc để tận hưởng dịch vụ sau sinh có thể phải trả tới 55.000USD/tháng. Trong tháng đầu tiên, nhiều hộ khá giả cũng chuộng thuê riêng bảo mẫu để chăm sóc mẹ và bé tại nhà với giá khoảng 2.300USD. Sau vụ bê bối sữa nội địa nhiễm melamine hồi năm 2008, nhiều người còn chọn nuôi con bằng sữa nhập khẩu từ Úc hoặc New Zealand dù giá cao hơn nhiều.

Khi đứa trẻ bắt đầu đi học, những gia đình có điều kiện sẽ muốn mua nhà ở những khu vực có nhiều cơ sở giáo dục tốt. Giá những khu như vậy thường rất đắt, chẳng hạn như quận Hải Điền ở Bắc Kinh với mỗi mét vuông vào khoảng 14.000USD, tương đương giá trung bình ở quận Manhattan trung tâm thành phố New York (Mỹ). Một số không đủ điều kiện cho con theo học trường công lập vì không có giấy phép cư trú hoặc hộ khẩu, bắt buộc phải đăng ký trường tư với học phí từ 6.000USD đến 39.000USD/năm.

Đó là chưa kể tiền thuê gia sư và đăng ký các lớp ngoại khóa như học đàn piano, chơi quần vợt hoặc cờ vua. Đây là tình trạng phổ biến khi phần lớn các gia đình Trung Quốc đều đặt kỳ vọng cao vào con cái và mong muốn đứa trẻ phải đạt thành tích xuất sắc. Không chỉ tăng áp lực cho học sinh, nhu cầu ngoại khóa còn tạo thêm gánh nặng tài chính cho cha mẹ, dẫn tới nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn có con. Để giảm áp lực lên trẻ em nhằm nâng cao tỷ lệ sinh, nhà chức trách Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát ngành công nghiệp dạy thêm đang bùng nổ. Một số quy định mới bắt đầu cấm dạy thêm vào cuối tuần và giới hạn mức học phí mà các cơ sở áp dụng.

Bên cạnh chi phí nuôi dạy con, phần lớn phụ nữ Trung Quốc hiện đại miễn cưỡng có con vì họ lo lắng không thể sớm quay lại làm việc do phải chăm sóc con cái trong khi công việc lại rất khó tìm. Ngoài ra, việc sinh thêm con thứ 3 có thể khiến tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ tại nơi làm việc trở nên tệ hơn vì các nhà tuyển dụng có thể cân nhắc kỹ càng khi lựa chọn lao động nữ.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết