17/02/2019 - 10:31

Dân Trung Quốc ngại sinh con thứ hai 

Trong nỗ lực gia tăng dân số, Trung Quốc năm 2016 đã nới lỏng chính sách “một con” kéo dài 4 thập niên gây tranh cãi của nước này. Tuy vậy, kết quả hiện nay không như kỳ vọng của Bắc Kinh bởi nhiều gia đình vẫn ngại sinh con thứ hai vì gánh nặng kinh tế.

 Gánh nặng kinh tế khiến các gia đình Trung Quốc không muốn sinh thêm con. Ảnh: The Columbian

Chẳng hạn như trường hợp của Chen Huijuan, bà mẹ một con đang sinh sống tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Với công việc giáo viên trung học, Chen kiếm được 5.000 NDT/tháng, trong khi chồng cô kiếm 16.000 NDT/tháng nhờ làm việc ở một công ty Mỹ tại Thượng Hải. Tuy vậy, chi phí nuôi dạy cậu con trai 2 tuổi đã ngốn ít nhất 1/3 thu nhập hằng năm của cặp vợ chồng này (chi phí nuôi nấng con trong một gia đình như thế ở Mỹ chỉ chiếm 1/5 thu nhập).

“Tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện sinh con thứ hai. Nó rất tốn kém”- Chen ngao ngán nói. Tình trạng tài chính chật vật của Chen cũng phản ánh những khó khăn mà hàng triệu gia đình trung lưu khác trên khắp Trung Quốc phải đối mặt.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết có 17,2 triệu trẻ em được sinh ra trong năm 2017, giảm 1,3 triệu so với năm trước đó, và tiếp tục tuột xuống con số 15,2 triệu trẻ năm 2018 - mức thấp nhất kể từ năm 1961.

Trong khi đó, các chuyên gia và phụ huynh cho biết chi phí nuôi nấng một đứa trẻ ở nước này đã tăng cao, do các tiêu chuẩn sống được cải thiện và niềm tin của công chúng vào các sản phẩm nội địa suy yếu. Gia đình Chen là một trường hợp điển hình, khi cô chưa bao giờ mua sữa bột Trung Quốc cho con, thay vào đó là các thương hiệu sữa nước ngoài nhập khẩu đắt tiền.

Theo bà Wang Dan, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Wah Ching tại Đại học Hong Kong, chi phí giáo dục và giải trí cho con cũng là vấn đề kinh tế nghiêm trọng đối với các gia đình. Trước những năm 1990, phần lớn người dân Trung Quốc sử dụng giáo dục công vốn miễn phí hoặc chi phí thấp, nay giáo dục trở thành ngành công nghiệp béo bở. Trong khi đó, các gia đình Trung Quốc luôn đề cao vai trò giáo dục ở trẻ em nhỏ và chính sách “một con” trước đây càng thúc đẩy phụ huynh nước này đầu tư lớn cho con họ. Sự cạnh tranh đưa con vào trường tốt rất khốc liệt và cha mẹ của chúng phải chịu áp lực rất nặng nề. Bên cạnh số tiền dành cho giáo dục cơ bản, các hoạt động ngoại khóa cũng làm nặng gánh thêm chi tiêu hằng năm của các gia đình có con trong độ tuổi đến trường. Như vợ chồng Chen phải chi 5.000 NDT/tháng - tức hết trọn lương của Chen - để gửi con học ở một nhà trẻ song ngữ.

Cũng vì sinh hoạt phí cao, thời gian làm việc dài và chi phí nuôi dạy con tốn kém mà nhiều phụ huynh cảm thấy họ chỉ đủ khả năng sinh một con hoặc thậm chí không sinh con. Theo một khảo sát trên trang tuyển dụng việc làm Zhaopin.com, 33% số phụ nữ được phỏng vấn đã bị giảm lương và 36% bị giáng cấp sau khi sinh con. CNN dẫn một nghiên cứu thực hiện năm 2017 cho hay hơn 50% các gia đình Trung Quốc không có ý định sinh con thứ hai và chi phí là một trong những nguyên nhân chính.

Trung Quốc hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,4 tỉ người. Tuy nhiên, dân số Trung Quốc được dự báo sẽ bắt đầu giảm từ sau năm 2030 xuống còn 1,1 tỉ người vào năm 2100.  

ĐÔNG PHONG

Chia sẻ bài viết