20/11/2019 - 15:03

Dân bức xúc vì quy hoạch "treo" 14 năm 

Năm 2005, dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng được công bố. Sau đó, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm kê đất, hoa màu, vật kiến trúc và gửi thông báo thu hồi đất cho những hộ dân trong dự án. Người dân đã chấp hành các chủ trương, thống nhất bàn giao mặt bằng nhưng đến nay việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân vẫn chưa triển khai thực hiện xong.

Nhiều người dân khu vực 3 bức xúc vì dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích người dân. 

Nhiều người dân có đất nằm trong quy hoạch Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô (giai đoạn 2) đang gặp khó khăn vì không biết đến khi nào mới được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ông Nguyễn Văn Tiềm, ở khu vực 3, bức xúc nói: "Phần diện tích đất và nhà của tôi bị ảnh hưởng bởi dự án là 600m2. Từ khi quy hoạch đến nay, các cơ quan chức năng đã 2 lần kiểm kê đất, nhà, vật kiến trúc nhưng chưa tiến hành bồi thường cho người dân. Chúng tôi không biết khi nào dự án này mới tiến hành chi trả bồi thường".

Do quy hoạch kéo dài 14 năm qua, phần đất bị thu hồi đã có quyết định thu hồi đất nên người dân gặp khó khăn trong việc vay vốn để kinh doanh mua bán. Bà Trần Lệ Hà, ở khu vực 3, cho biết: "Gia đình tôi muốn thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn kinh doanh, nhưng đem đến các ngân hàng đều không vay được do đất đã có quyết định thu hồi. Tôi đề nghị các ngành, các cơ quan chức xem xét và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ có đất nằm trong các dự án quy hoạch chậm thực hiện, được vậy vốn nếu có nhu cầu".

Theo Quyết định số 1592/QĐ-UB, ngày 16-5-2005 của UBND thành phố về việc Quy hoạch đất để xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa thành phố và khu tái định cư tại Khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ thuộc quận Cái Răng, tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 127,81ha. Tiếp đó, đến ngày 27-7-2011, UBND thành phố ký quyết định số 1799/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Đô thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ có diện tích khoảng 116ha, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô làm chủ đầu tư.

Dự án kéo dài, người dân gặp khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Ông Lê Thanh Tiến, ở khu vực 3, nói: "Do đất nằm trong quy hoạch, mỗi khi người dân muốn xây dựng, sửa chữa, gặp nhiều khó khăn. Nếu bỏ hàng chục triệu đồng ra sửa chữa xong thì sau này tôi có được bồi thường theo hiện trạng của ngôi nhà mới không vì nhà tôi đã 2 lần kiểm kê. Hiện tại,  người dân muốn sang tên, tách thửa cho con cái cũng không được vì đất đã có quyết định thu hồi. Tôi đề nghị các ngành chức năng xem xét lại mức giá bồi thường theo thời điểm cũng như có chính sách hỗ trợ cho người dân vì quy hoạch "treo" quá lâu".

Suốt 14 năm qua, người dân sống trong điều kiện hết sức khó khăn vì không được đầu tư hạ tầng giao thông, nước sạch. Ông Nguyễn Văn Tiềm cho biết: "Nhiều năm qua, nguồn nước dưới rạch Cái Da bị ô nhiễm, người dân không có nước sạch sử dụng. Năm 2019, tôi chi khoảng 10 triệu đồng để đầu tư đấu nối nước sạch từ khu Nam Long về sử dụng". Ngoài ra, một số hộ khoan cây nước sử dụng nhưng nguồn nước không đảm bảo, phải xử lý qua nhiều khâu. Bà Mai Thị Thu Thắm, ở khu vực 3, chia sẻ: "Năm 2015, gia đình tôi thuê khoan cây nước tốn hơn 5 triệu đồng, nhưng nước bị nhiễm phèn, phải bơm nước vào bồn lóng phèn đợi lắng lọc rồi mới dám sử dụng. Nguồn nước đó chỉ dám dùng để tắm, giặt giũ; còn để nấu ăn, tôi phải mua nước đóng thùng. Hiện tại, các ngành chức năng đã đầu tư đấu nối nước sạch vào khu vực 3. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn chưa có nước sạch sử dụng".

Bên cạnh đó, khu vực có đất nằm trong quy hoạch cũng không được đầu tư hạ tầng giao thông, các tuyến đường bị xuống cấp và ngập sâu sau những cơn mưa lớn hay triều cường dâng cao, khiến việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Đường, Chủ tịch UBND phường Hưng Thạnh, cho biết: "Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô giai đoạn 2 do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Do quy hoạch kéo dài thời gian thực hiện, quyền lợi của người dân bị thiệt thòi. Tôi đề nghị các ngành, các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện phương án hỗ trợ, bồi thường và tái định cư thuộc dự án này để đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân có đất nằm trong dự án".

Ông Phan Minh Trí, Trưởng Phòng Kế hoạch - Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố, cho biết: Từ năm 2011 trở về trước, Trung tâm Văn hóa Tây Đô do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô làm chủ đầu tư. Cuối năm 2011, sau khi sáp nhập, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố đã tiếp nhận dự án của chủ đầu tư cũ để thực hiện. Đến nay, giai đoạn 1 khu tái định cư Trung tâm Văn hóa Tây Đô có diện tích 45ha, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với giai đoạn 2 (116ha) thực hiện chậm tiến độ, do năm 2011, thực hiện Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về thắt chặt quản lý đầu tư công nên việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2014 đến nay đang tiếp tục rà soát để triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng 43ha. Riêng 72ha còn lại, năm 2018, UBND thành phố đang giao Sở Xây dựng thành phố rà soát tỷ lệ 1/500 để báo cáo UBND thành phố xem xét. Nếu UBND thành phố chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan sẽ triển khai thực hiện theo đúng quy định…

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết