Với hương vị dân dã, đậm đà cùng với nhiều cách chế biến, mắm trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa ẩm thực Việt, nhất là đối với người dân Nam bộ. Ngoài việc lựa chọn con mắm ngon, ngày nay, người tiêu dùng còn rất quan tâm đến nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáp ứng những yêu cầu trên, hơn 20 năm theo nghề mắm truyền thống, sản phẩm mắm Thầy giáo Ẩn luôn được người tiêu dùng yêu thích...
Mắm Thầy giáo Ẩn là thương hiệu không còn xa lạ với người dân huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Hằng ngày, từ sáng sớm đến khoảng 9 giờ, sạp mắm cô Phạm Thị Toàn - vợ thầy giáo Ẩn tại khu chợ Bà Đầm, xã Trường Xuân lúc nào cũng có khách ghé mua. Nhiều người còn tìm đến nơi sản xuất - cách chợ khoảng 1km để mua sản phẩm mắm về sử dụng hoặc biếu tặng người thân. Sản phẩm mắm Thầy giáo Ẩn khá đa dạng với các loại như: mắm cá linh, cá sặc, cá lóc, cá chốt, mắm ruột và dưa mắm. Chị Lê Thị Quỳnh Như, một khách hàng, cho biết: "Sản phẩm mắm Thầy giáo Ẩn hợp với khẩu vị của tôi. Người thân của tôi ở nước ngoài cũng rất thích, nên tôi thường mua mắm Thầy giáo Ẩn để dùng trong gia đình và gói làm quà gởi ra nước ngoài".
Khách hàng mua sản phẩm mắm Thầy giáo Ẩn.
Nghề làm mắm đã gắn bó với cô Phạm Thị Toàn hơn 20 năm qua. Theo cô Toàn, để có con mắm ngon, đòi hỏi nguyên liệu chế biến phải tươi và được làm sạch. Các loại cá sau khi làm sạch đem ngậm muối chừng 1 tháng. Cá sau khi ngậm muối vừa đủ sẽ được trộn thính và một số phụ liệu khác để ủ mắm. Khoảng gần 6 tháng sau, cá sẽ thành mắm thì bán ra thị trường. Về cách chọn nguyên liệu cô Toàn chia sẻ: "Cá làm mắm tôi thường chọn cá to, tươi. Như vậy làm mẻ mắm mới đạt chất lượng! Nguyên liệu lúc đầu mà không tươi sẽ làm giảm chất lượng. Con mắm bị bở, không có độ dai".
Trước đây, mắm Thầy giáo Ẩn bán chủ yếu tại chợ Bà Đầm và được cân với nhiều trọng lượng khác nhau, từ vài trăm gram cho đến nửa ký, một ký
rồi cho vào túi ni lông hay hộp nhựa để bán. Nhưng để mở rộng thị trường, từ tháng 12-2016, cô Toàn quyết định đăng ký thương hiệu mắm Thầy giáo Ẩn và cải tiến mẫu mã, nhãn hiệu để sản phẩm bắt mắt hơn. Dù mắm Thầy giáo Ẩn là sản phẩm được chế biến theo cách truyền thống nhưng cơ sở rất quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi theo cô Toàn, đây là yếu tố quyết định sự tồn tại của sản phẩm mắm Thầy giáo Ẩn trên thị trường mấy chục năm qua với sự tín nhiệm của người dùng. Cô Trần Thị Kim Hừng, một khách hàng, cho biết: "Tôi ăn mắm Thầy giáo Ẩn mười mấy năm rồi. Chất lượng của mắm vừa thơm, ngon nhưng không mặn lắm. Còn cá thì làm bằng cá sống, vì tôi nhiều lần tận mắt thấy khâu chọn nguyên liệu. Điều này làm tôi vững lòng tin và sử dụng".
Mắm cá là đặc sản của miền Tây. Ở vùng đất này, hầu như bất kỳ loại cá nào cũng có thể làm mắm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người chế biến. Cô Toàn chia sẻ: Nghề làm mắm cực và vất vả. Nhưng khi nghe người mua khen mắm ngon là động lực lớn để cô tiếp tục tạo ra những sản phẩm mắm tốt hơn. Đặc biệt, cũng từ nghề mắm này, cô Toàn nuôi được hai con trai học hành tới nơi tới chốn và hiện người con trai lớn đang kế nghiệp của cô. Anh Nguyễn Tú Anh, con trai cô Toàn, cho biết: "Tôi đang quyết tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm của gia đình để giới thiệu ra thị trường nhiều hơn. Tôi mong rằng sản phẩm mắm Thầy giáo Ẩn không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài".
Với cái tâm của người làm nghề truyền thống, sản phẩm mắm Thầy giáo Ẩn hiện nay không chỉ được người dân địa phương biết đến mà ngay cả những vị khách phương xa cũng đến tìm mua.
Mai Thảo