16/10/2022 - 08:20

Đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Trong 9 tháng năm 2022, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục tập trung vốn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Ðồng thời, tích cực triển khai các chương trình theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính đến cuối tháng 9, tín dụng tăng 14,25% so với tháng 12-2021.

DN hy vọng ngân hàng ổn định lãi suất để DN giảm bớt áp lực. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Meko - TP Cần Thơ.

Tập trung cho lĩnh vực ưu tiên

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, các TCTD luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Cơ cấu tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung vốn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng, góp phần hỗ trợ cho quá trình phục hồi và tăng trưởng các ngành kinh tế của địa phương. Tính đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay tăng 14,25% so với cuối năm 2021.

Ðến cuối tháng 9-2022, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn thành phố đạt 137.800 tỉ đồng; dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2021. Cụ thể, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 38.600 tỉ đồng, tăng 12,08%; cho vay xuất khẩu 14.900 tỉ đồng, tăng 22,95%; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa 31.800 tỉ đồng, tăng 9,93%; cho vay công nghiệp hỗ trợ 220 tỉ đồng, tăng 1,85%; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao 100 tỉ đồng so với tháng 12-2021.

Ngoài ra, tín dụng chính sách cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh. Ðến cuối tháng 9-2022, dư nợ cho vay ước đạt 3.294,2 tỉ đồng, tăng 5,03% so với tháng 12-2021. Trong đó, dư nợ tập trung ở 17 chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng khách hàng như cho vay hộ nghèo 66 tỉ đồng; hộ cận nghèo 181 tỉ đồng; hộ mới thoát nghèo 975 tỉ đồng; cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm 930 tỉ đồng; cho vay nhà ở xã hội 126 tỉ đồng...

Các TCTD còn tập trung cho các chương trình tín dụng khác, như cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản với dư nợ 10.300 tỉ đồng, tăng 20,09%; trong đó dư nợ nuôi trồng, chế biến cá tra là 5.200 tỉ đồng, tăng 19,24% so với tháng 12-2021. Cho vay thu mua lúa, gạo 16.400 tỉ đồng, tăng 32,38%. Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, các TCTD trên địa bàn đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, các giải pháp hỗ trợ chi phí dịch vụ thanh toán, cho vay mới cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Tính đến cuối quý III-2022, các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ tại cuối kỳ là 1.350 tỉ đồng cho hơn 1.500 khách hàng; dư nợ cho vay mới đến cuối tháng 9-2022 là 19.240 tỉ đồng với 8.500 khách hàng còn dư nợ.

Mặc dù các TCTD đều nỗ lực đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều DN vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng. Lãi suất cho vay cuối tháng 9-2022 đến nay cũng được điều chỉnh tăng so với trước đó, do NHNN đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm kể từ 23-9-2022. Ðiều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các DN đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng, nên DN rất mong đợi các gói hỗ trợ lãi suất được đẩy mạnh hơn để giảm bớt áp lực chi phí vốn.

Cần sự tiếp sức của ngân hàng

Ông Trần Quốc Hà cho biết, chi nhánh đã tổ chức triển khai, thi hành kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố và của Thống đốc NHNN đến các TCTD trên địa bàn về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại các ngân hàng thương mại trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Theo báo cáo các ngân hàng thương mại trên địa bàn, cuối tháng 8-2022, các ngân hàng đã ký hợp đồng hỗ trợ lãi suất 127 tỉ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là 43,4 tỉ đồng. Chi nhánh cũng làm việc trực tiếp với Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố để tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ.

Theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD trên địa bàn, với cho vay ngắn hạn lãi suất tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 5,5-8%/năm; trung, dài hạn từ 8-10%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ngắn hạn 3-4,5%/năm, trung dài hạn 4,5-6%/năm. Các TCTD đều tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt dòng tiền ra thị trường; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để huy động vốn, đến cuối tháng 9-2022, nguồn vốn huy động ước đạt 103.400 tỉ đồng, tăng 11,22% so với tháng 12-2021 và đáp ứng được 75,04% tổng dư nợ trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, thặng dư thương mại tăng, DN rất kỳ vọng sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên. Song, việc chi phí vốn tăng là điều DN đang lo lắng khi bước vào chu kỳ sản xuất kinh doanh cao điểm cuối năm và đơn hàng cho đầu năm 2023. Theo phản ánh của nhiều DN ngành may mặc và thủy sản, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vừa điều chỉnh tăng, DN có khả năng giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ do đơn hàng giảm. Vì vậy, DN rất mong muốn ngân hàng chia sẻ khó khăn với DN. Một giám đốc công ty may mặc ở TP Cần Thơ cho biết, ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất cho vay USD tăng từ 3,2%/năm lên mức 3,7%/năm. “Khó khăn nhưng vẫn phải vay để duy trì hoạt động của công ty. Tưởng rằng dịch bệnh được kiểm soát tốt, DN thuận lợi hơn. Nhưng gần về cuối năm, khủng hoảng an ninh năng lượng, các căng thẳng chính trị trên thế giới… đã ảnh hưởng đến đơn hàng của công ty. Ðơn hàng giảm, giá gia công giảm, lãi vay lại tăng, năm nay có thể lỗ nếu các chi phí tiếp tục tăng” - Giám đốc công ty may mặc này cho biết.

Theo ông Trần Quốc Hà, các tháng cuối năm, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, hạn chế tín dụng đen. Ðồng thời theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất của chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn để tiếp tục gỡ khó cho DN.

Chia sẻ bài viết