13/10/2021 - 06:56

Đảm bảo số lượng, nâng chất lượng nguồn nhân lực khu công nghiệp, khu kinh tế 

Những năm gần đây, yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) tăng nhanh. Song, một thực tế đã và đang diễn ra là khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp (DN) còn nhiều hạn chế; DN và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung… những hạn chế này càng lộ rõ, đặc biệt dưới tác động của dịch COVID-19,  đòi hỏi phải có những giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn để tháo gỡ.

Điểm nghẽn

Hoạt động sản xuất tại Công ty Thép Tây Đô, KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Thép Tây Đô, KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ.

Những năm gần đây, môi trường đầu tư tại Việt Nam có nhiều bước tiến đáng kể và các KCN, KKT đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH… Tuy nhiên, một thực trạng đang diễn ra là chất lượng nguồn lao động của Việt Nam nói chung và lao động tại các KCN, KKT nói riêng vẫn thấp so với nhiều nước phát triển trong khu vực. Sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa thu hút được lao động vào làm việc. Đây cũng là nỗi trăn trở chung của các nhà đầu tư trước khi quyết định rót vốn đầu tư vào các KCN, KKT. Bên cạnh đó, các KCN, KKT của Việt Nam đang để lộ điểm yếu về quản lý nhân lực, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường khi có vấn đề phát sinh. Và tình trạng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các KCN, KKT thời gian qua hay người lao động bỏ về quê sau khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội những ngày gần đây là vấn đề đáng báo động.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh, đầu năm 2021, tổng số người lao động làm việc trong các khu chế xuất, KCN tại TP Hồ Chí Minh là 288.000 lao động. Khi dịch bệnh bùng phát và thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” thì chỉ có 720 DN hoạt động, với 64.000 lao động. Và số liệu thống kế gần đây cho thấy, có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các khu chế xuất, KCN của TP Hồ Chí Minh đã về quê. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động và thiếu nguyên vật liệu đầu vào do chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Từ thực tế cho thấy, việc lao động rời bỏ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về quê không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tái khởi động kinh tế của các địa phương này, mà còn khiến địa phương quê nhà của công nhân bị quá tải về hệ thống y tế và thực hiện công tác an sinh xã hội, tổ chức các khu cách ly,…

Kết nối, hài hòa lợi ích 

Theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững các KCN, KKT việc tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng với những giải pháp ngắn hạn và dài hạn là yêu cầu cấp bách. Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh, thành phố đang mở cửa trở lại nên rất cần người lao động. Qua nắm tình hình cho thấy, những người lao động về quê chủ yếu ở những địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Như vậy, với khoảng cách địa lý không quá xa, số lao động này có khả năng quay trở lại làm việc. Hiện TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các tỉnh, thành khác để đón người lao động quay lại làm việc. Tiếp đến, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành khảo sát để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, sử dụng người lao động của DN. Đồng thời, đề xuất với thành phố xây dựng nhà lưu trú cho người lao động theo hình thức Nhà nước và DN cùng làm. Đây là cơ sở để thích ứng, sống chung với dịch bệnh, ổn định sản xuất dài lâu cho DN.

Thạc sĩ Lâm Bá Khánh Toàn, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Trong nguy luôn có cơ, nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán nhân lực hậu COVID-19 sẽ rút ngắn sự phát triển chênh lệch giữa các vùng miền, là động lực mới để phát triển nền kinh tế sau đại dịch. Theo Thạc sĩ Lâm Bá Khánh Toàn, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cần thống kê lực lượng lao động hiện tại đang cư trú tại địa phương để phân loại nhóm lao động và có sự điều chỉnh về phân bố nguồn nhân lực phù hợp. Đối với nhóm lao động có tay nghề, thâm niên phù hợp, có thể giới thiệu, bố trí sắp xếp tại các DN, nhà máy hoạt động trên địa phương. Đối với người lao động chưa có tay nghề thì bố trí đào tạo, sắp xếp công việc phù hợp. Đặc biệt chú ý khoảng cách giữa DN và chỗ ở của người lao động để tạo thuận tiện trong quá trình di chuyển, kiểm soát dịch bệnh cũng như giảm thiểu các chi phí ăn ở phát sinh của người lao động.

Về lâu dài, ông Kao Kuo-hua, Tổng Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, đại diện Công ty TNHH Hoàng Châu đề xuất điều chỉnh chính sách về chuyên gia nước ngoài. Việc tạo ra môi trường thân thiện cho các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam sẽ rất cần thiết đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi chuyên gia nước ngoài bên cạnh việc đáp ứng ngay được nhu cầu của nhà DN còn có thể giúp ích cho việc đào tạo nguồn lao động tại địa phương. Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định: Chúng ta phải hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, phải hợp tác gắn kết, đối thoại và thương lượng thiện chí với nhau, nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của nhau trong từng hoàn cảnh cụ thể. Có như vậy, hoạt động của DN mới tiến dần đến sự phát triển bền vững, từ đó mang lại sự thịnh vượng chung cho người lao động, DN và toàn xã hội.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8-2021, cả nước có 397 KCN được thành lập (291 KCN đi vào hoạt động và 106 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản). Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối tháng 8 năm 2021, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được khoảng 10.963 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 230 tỉ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 68,9%. Tổng doanh thu của các DN trong KCN, KTT ven biển đạt khoảng 140 tỉ USD, đóng góp vào ngân sách khoảng 96.500 tỉ đồng. Các KCN, KKT ven biển đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp, tăng khoảng 90.000 lao động so với cuối năm 2020.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết