07/03/2012 - 22:15

Đồng bằng sông Cửu Long

Đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam, được ví là vựa lúa của cả nước. Vùng đồng bằng trù phú này không chỉ đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) quốc gia mà góp phần cho ANLT quốc tế. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, diện tích đất lúa giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa…, trọng trách đảm bảo ANLT của vựa lúa ĐBSCL cũng trở nên nặng nề hơn…

* Đảm bảo ANLT

Để phát triển ĐBSCL, cần đẩy mạnh cơ giới hóa và chuyển dịch một lượng lao động nông thôn sang làm các ngành nghề khác.  

Hơn 2 thập kỷ qua, sản xuất lúa gạo của nước ta đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Từ một nước thiếu lương thực phải nhập khẩu cả triệu tấn gạo/năm, nước ta vươn lên trở thành nước xuất gạo đứng thứ nhì trên thế giới, với lượng gạo xuất khẩu đạt từ 6-7 triệu tấn/năm trong những năm gần đây. Thành công trong sản xuất lúa gạo của nước ta nhờ vào sự đóng góp quan trọng của vùng ĐBSCL. Hằng năm, ĐBSCL không chỉ đóng góp trên 50% tổng sản lượng lúa mà còn góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đem về hàng tỉ USD.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, ĐBSCL đã làm khá tốt vai trò đảm bảo ANLT quốc gia. Ngành lúa gạo ĐBSCL đặc biệt thành công trong đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thành công trong quá khứ chưa bảo đảm chắc chắn cho sự phát triển bền vững trong tương lai, nhất là khi hiện nay tình hình đã có nhiều thay đổi và xuất hiện nhiều khó khăn thách thức. Hiện nay, việc sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL không chỉ gắn với yêu cầu bảo đảm ANLT quốc gia mà đã, đang trở thành một bộ phận không thể tách rời của chiến lược quốc gia và chiến lược vùng về hiện đại hóa, phát triển công nghiệp, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. ĐBSCL sẽ tiếp tục khẳng định vai trò vựa lúa, không chỉ đảm bảo ANLT mà gắn với bảo vệ môi trường, phát triển thương mại, phát triển nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người trồng lúa... Hoàn thành tốt vai trò này, vựa lúa ĐBSCL mới có thể phát triển theo hướng bền vững.

Kết quả khảo sát gần đây của Nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 30 năm qua, diện tích đất canh tác ở ĐBSCL dành cho sản xuất lúa gạo đã giảm khoảng 309.000 ha, từ khoảng 2,2 triệu ha đất sản xuất lúa gạo vào năm 1980 hiện giảm còn khoảng 1,9 triệu ha. Tuy nhiên, sản lượng lúa gạo vẫn trong xu hướng tăng do diện tích gieo sạ được mở rộng nhờ thâm canh tăng vụ. Trước đây, phần lớn các diện tích canh tác lúa ở ĐBSCL chỉ làm 1 vụ/năm. Nhưng với sự lai tạo thành công các giống lúa ngắn ngày và các biện pháp quản lý nước, lũ lụt được cải thiện nên sản xuất được đẩy mạnh, nhiều vùng đã sản xuất được 3 vụ lúa/năm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ thâm canh tăng vụ, diện tích sản xuất lúa của vùng ĐBSCL đã đạt ở mức trên 3,8 triệu ha/năm. Năm 2006, diện tích sản xuất lúa của toàn vùng chỉ vào khoảng 3,773 triệu ha, đến năm 2009 đã đạt 3,872 triệu ha và năm 2011 đạt trên 4 triệu ha. Tổng sản lượng lúa toàn vùng năm 2006 chỉ đạt 18,229 triệu tấn, đến năm 2009 đạt 20,483 triệu tấn. Năm 2011 năng suất lúa bình quân tại ĐBSCL đạt 5,68 tấn/ha, sản lượng đạt trên 23 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2010 và chiếm 55% sản lượng lúa cả nước.

Dù đạt được thành công lớn về năng suất, sản lượng và lượng gạo xuất khẩu nhưng phần lớn nông dân trồng lúa tại ĐBSCL hiện vẫn còn nghèo và khó có khả năng làm giàu từ nghề trồng lúa. Theo đánh giá của các nhà khoa học, sản lượng lúa tại ĐBSCL hiện đã đạt mức cao kỷ lục và khó có thể nâng cao hơn nữa trong thời gian tới do năng suất lúa hầu như đã “vượt trần”, sự chênh lệch về năng suất giữa các hộ sản xuất cũng giảm và vòng quay của đất hầu như đã được tận dụng tối đa để sản xuất 3 vụ lúa/năm. Trong khi đó, diện tích đất phục vụ canh tác lúa đang có xu hướng giảm do đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng đường giao thông hoặc do nông dân chuyển từ lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác... Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa nhưng trên thực tế diện tích đất lúa tại các địa phương ở ĐBSCL vẫn đang giảm. Nhất là khi việc quản lý đất lúa còn chưa chặt chẽ và thu nhập của nhiều người trồng lúa còn khá bấp bênh, chưa hấp dẫn họ gắn bó với nghề. Hơn nữa, việc sản xuất lúa đang ngày càng gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu; các lợi thế về nguồn tài nguyên đất, nước bị suy giảm; giá nhân công và chi phí sản xuất đầu vào tăng... Vì vậy, tới đây, bảo đảm ANLT quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và dân số nước ta tăng cao, dự kiến sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2020 và 120 triệu dân vào năm 2030 sẽ là áp lực lớn.

* HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, ngay từ bây giờ, cần thực hiện đồng bộ các chính sách và giải pháp nhằm giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa, trong đó cần quan tâm nhiều đến vấn đề nâng cao thu nhập của người trồng lúa thông qua việc tổ chức lại sản xuất, cải tiến, nâng cao hiệu quả của chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng: “Nông dân trồng lúa không thể giàu được là do diện tích đất canh tác bình quân từng hộ dân quá nhỏ. Rất ít hộ gia đình ở ĐBSCL có diện tích canh tác lúa từ vài hécta trở lên. Trong khi với diện tích canh tác khoảng 3 ha/hộ (5 nhân khẩu) nông dân mới có thể có thu nhập 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Muốn nâng cao thu nhập người trồng lúa, Nhà nước cần phải thay đổi chính sách hạn điền, có chính sách cho vấn đề tích tụ ruộng đất nhằm giải quyết vấn đề nông hộ nhỏ, đẩy mạnh cơ giới và hiện đại hóa sản xuất. Mặt khác, Nhà nước cũng cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông thôn, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khác để có thể chuyển dịch một cách hiệu quả lao động dư thừa ở nông thôn sang các ngành nghề khác”.

Theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), hơn 10 năm qua, diện tích đất trồng lúa toàn quốc giảm hơn 300.000 ha và xu hướng đất lúa bị giảm dự đoán sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng cơ sở và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp… Nhằm tăng cường việc quản lý đất trồng lúa, hiện Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành chức năng đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, đất sản xuất lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, có liên quan đến ANLT quốc gia nên phải được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang các mục đích sử dụng khác.
Để  đảm bảo ANLT quốc gia, vừa qua Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ giữ lại hơn 26,7 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa là hơn 3,8 triệu ha…

Nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu gạo cũng là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra nhằm đảm bảo cho ANLT quốc gia trong tương lai. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ, tính bền vững của nền sản xuất lúa gạo và an ninh lương thực cho hơn 100 triệu dân trong thời gian tới là vấn đề lớn của Việt Nam trong bối cảnh đầy thách thức của biến đổi khí hậu. Với năng lực hiện có, nước ta không thể thực hiện chiến lược dự trữ lúa gạo bằng cách thức mua vào và chứa đầy các kho trong thời gian dài. Xuất khẩu là cách thức mà Việt Nam tham gia chuỗi giá trị lương thực toàn cầu và đó cũng là cách thức mà Việt Nam thực hiện chiến lược dự trữ lúa gạo ít tốn kém và có hiệu quả. Cần phải đổi mới tư duy trong chiến lược xuất khẩu lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu, góp phần cải thiện thu nhập của người trồng lúa.

Giáo sư, tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, từng nhấn mạnh: Mục tiêu của sản xuất lúa gạo Việt Nam phải nhắm đến ANLT là ưu tiên số 1. Trong đó, thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng lúa cả nước. Xuất khẩu gạo chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, đảm bảo an toàn lương thực cho quốc gia trong mọi tình huống. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải có chiến lược xuất khẩu hợp lý.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết